Xây dựng đời sống văn hóa gắn với nông thôn mới ở Pơng Drang
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới tại xã Pơng Drang (huyện Krông Búk) được người dân ủng hộ tích cực thông qua nhiều hoạt động, góp phần củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng gia đình, thôn, buôn văn hóa.
Xã Pơng Drang đạt chuẩn xã nông thôn mới vào năm 2017. Với mục tiêu xây dựng thành công xã nông thôn mới nâng cao, chính quyền và người dân đã cùng nỗ lực từng bước nâng cao các tiêu chí. Trong đó, việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” rất được chú trọng.
Một ngôi nhà sàn được lưu giữ tại thôn Cư Blang, xã Pơng Drang. |
Hiện nay, trên địa bàn xã có 18 nhà văn hóa cộng đồng thôn, buôn được trang bị đầy đủ trang thiết bị, là nơi diễn ra các hoạt động tập thể thu hút đông đảo bà con tham gia, như thể thao, hội họp. Một số nhà cộng đồng được tận dụng để làm lớp mầm non, tạo điều kiện cho các cháu có nơi học gần nhà. Người dân đã có những thay đổi tích cực trong việc bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đến nay, đã có 100% hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh; rác không vứt bừa bãi mà đã ký hợp đồng với công ty thu gom rác thải, chung tay quản lý các tuyến đường tự quản, góp phần xây dựng cảnh quan sạch đẹp.
Việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng. Đơn cử như thôn Cư Blang, thôn có 320 hộ với hơn 1.600 nhân khẩu, trên 80% là đồng bào dân tộc thiểu số. Trước năm 2015, trong thôn đường đi lại khó khăn, nhà cửa còn tạm bợ, thu nhập thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, còn duy trì nhiều hủ tục trong đời sống… Qua 5 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, đời sống người dân có nhiều thay đổi tiến bộ từ vật chất đến tinh thần. Khoảng 60% tuyến đường nội thôn được nhựa hóa, những đoạn lầy lội khó đi đều đã được san ủi bằng phẳng, trong đó người dân tự nguyện đóng góp 1,5 tỷ đồng và hàng trăm công lao động. Tất cả các trục đường chính trong thôn đều đã có điện, tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông, giữ gìn an ninh trật tự. Nhà cộng đồng, bến nước được sửa sang, tu bổ khang trang, sạch sẽ.
Một nghi lễ trong lễ cúng bến nước truyền thống của người Êđê tại thôn Ea Nur. |
Ông Y Ngoắt Niê, Trưởng thôn Cư Blang cho biết thêm: “Trên địa bàn thôn còn khoảng 30 nhà sàn, các nghề, nét văn hóa truyền thống vẫn được người dân gìn giữ và phát huy. Đặc biệt, bà con rất tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao do địa phương tổ chức; thực hiện nghiêm các quy định trong hương ước, quy ước của thôn. Nhiều năm liền thôn được công nhận là thôn văn hóa”.
Ở thôn Ea Nur, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cũng được người dân hưởng ứng khá tích cực. Thông qua hoạt động của các hội, đoàn thể, bà con thường xuyên tổ chức quét dọn đường thôn, trồng cây, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Đội cồng chiêng của thôn duy trì tập luyện, biểu diễn mỗi dịp lễ hội; lễ cúng bến nước của thôn được duy trì hằng năm, tạo thành nét đẹp trong đời sống văn hóa, gắn kết bà con.
Bà H’Pin Mlô, Chủ tịch UBND xã Pơng Drang cho hay, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các mô hình kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Nhờ đó, đời sống vật chất của nhân dân trong thôn không ngừng cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 41,5 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm, cuối năm 2021 còn 2,79%, giảm 0,34% so với năm trước đó. Song song với phát triển kinh tế, địa phương luôn chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Với những việc làm tích cực, thiết thực, trong năm 2021, toàn xã có 3.801/4.168 gia đình văn hóa, có 18/20 thôn văn hóa cấp huyện; 300 hộ gia đình tham gia thực hiện điểm Bộ tiêu chí “ứng xử văn hóa trong gia đình”…
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc