Bao giờ hết “chảy máu” rừng?
Những ngày qua, dư luận rất quan tâm thông tin về vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp. Theo cơ quan chức năng cho biết, diện tích rừng bị phá là hơn 382 ha tại các Tiểu khu 222 và 205. Rừng bị phá là rừng tự nhiên, do UBND xã Ya Tờ Mốt quản lý.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, đây là vụ phá rừng có tổ chức, có quy mô lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh. Vụ việc diễn ra trong khoảng thời gian nửa cuối tháng 3/2022, song lại không được các cơ quan chức năng địa phương phát hiện để kịp thời ngăn chặn.
Về vụ phá rừng nghiêm trọng này, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk nhận định: Trách nhiệm trước hết thuộc về phía UBND xã - đơn vị trực tiếp được giao quản lý. Một lãnh đạo UBND xã Ya Tờ Mốt thừa nhận, chuyện phá rừng tại địa bàn đã từng xảy ra và không thể ngăn chặn bởi những lý do “khách quan”: nào là lâm tặc đông, có tổ chức, nào là lực lượng mỏng, không chuyên nghiệp, nào là do thời tiết xấu, đêm tối, địa hình phức tạp (sông, suối cản trở, đường sá xa xôi), và cả do dịch bệnh COVID-19 nữa.
Một khoảnh rừng bị phá cạnh đường tuần tra. Ảnh: Công Tạo. |
Khi vụ việc xảy ra, dư luận lại tiếp tục được nghe những “bài ca không quên”: không biết, không thấy, chưa nghe, chưa báo cáo… dù lâm tặc ngang nhiên hành động giữa thanh thiên bạch nhật, thậm chí ngay sát trụ sở của chính quyền hay lực lượng kiểm lâm. Mới đây ít ngày, vào ngày 7/4, sau 3 ngày xét xử sơ thẩm, TAND huyện Ea Kar đã tuyên án đối với 40 bị cáo liên quan trong vụ án phá rừng xảy ra tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô thuộc địa bàn huyện này. Đáng chú ý, trong số đó có 2 bị cáo là Hoàng Công Ý (nguyên Trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 3, thuộc Khu Bảo tồn tự nhiên Ea Sô) và Vương Thế Cao (nguyên Trạm phó Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 5, thuộc Khu Bảo tồn tự nhiên Ea Sô). Cả hai cán bộ kiểm lâm này không những không thực thi nhiệm vụ bảo vệ rừng mà còn thông đồng, chỉ dẫn, tạo điều kiện cho nhóm lâm tặc phá rừng để chia chác tiền bán gỗ khai thác trái phép.
Rừng bị tàn phá, “máu” của rừng vẫn chảy không dứt, tội đầu tiên không phải là lâm tặc mà chính là những cán bộ lợi dụng chức quyền khi thi hành nhiệm vụ, tiếp tay, bao che cho lâm tặc để trục lợi như Hoàng Công Ý, Vương Thế Cao.
Điều 12, Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004 đã quy định những hành vi phá rừng bị nghiêm cấm; Điều 38 nêu rõ trách nhiệm bảo vệ rừng của UBND các cấp; Điều 79 và Điều 80 quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của kiểm lâm. Nếu sòng phẳng và nghiêm minh thì cứ chiếu theo luật mà thi hành, bất kể là ai. Dư luận tán thành quan điểm của lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk về vụ phá rừng gây chấn động dư luận này: "Cá nhân, tổ chức nào sai phạm đều sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đang củng cố hồ sơ vụ việc để khởi tố vụ án nhằm xử lý từng người có liên quan".
Việc thực thi luật thật nghiêm minh thì mới mong sớm chấm dứt được nạn phá rừng, bảo tồn được hệ sinh thái tự nhiên ở địa phương.
Nguyễn Duy Xuân
Ý kiến bạn đọc