Huyện Krông Ana: Người dân chung sức làm đường giao thông nội đồng
Nhằm chuẩn bị tốt nhất cho việc đi lại, vận chuyển lúa vụ đông xuân 2021 – 2022, hàng chục hộ dân xã Bình Hòa (huyện Krông Ana) và vùng lân cận đã tham gia ca máy, ngày công sửa chữa các tuyến đường nội đồng bị hư hỏng.
Cuối năm 2021, mưa lớn kéo dài, nhiều tuyến đường đến khu vực thôn 6, xã Bình Hòa bị sạt lở nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc khắc phục cần theo các bước quy trình nên hiện tại chưa thực hiện được. Trong khi sắp thu hoạch lúa vụ đông xuân 2021 - 2022 nên việc sửa chữa đường tạm thời là hết sức cần thiết. Trước thực trạng trên và nhu cầu thực tế, UBND xã Bình Hòa đã huy động người dân địa phương và hộ dân có đất canh tác trên địa bàn cùng góp sức để đổ đất trên các tuyến đường nội đồng.
Người dân huyện Krông Ana đưa phương tiện vận chuyển đất làm đường nội đồng. |
Ông Trần Đăng Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa cho biết, cơn lũ cuối năm 2021 xảy ra làm nhiều tuyến đường nội đồng trên địa bàn xã bị hư hỏng nặng. Đặc biệt, một số tuyến đường bê tông bị sạt mái taluy, ảnh hưởng đến việc đi lại, sản xuất của người dân địa phương. Trong lúc chờ nguồn ngân sách để sửa chữa các vị trí hư hỏng, được sự thống nhất của Đảng ủy, HĐND, UBND xã đã huy động nhân dân trên địa bàn và người dân ở địa phương khác có đất canh tác tại xã Bình Hòa tham gia đổ đất, xà bần trên các tuyến đường hư hỏng, phục vụ việc đi lại thu hoạch lúa vụ đông xuân năm 2021 – 2022 và những năm tiếp theo.
“Mỗi người dân góp sức một chút thì sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực, trước mắt là để mọi người đi lại thuận tiện, dễ dàng trong thu hoạch lúa vụ đông xuân sắp tới và vụ hè thu năm 2022". anh Trần Văn Luận (xã Quảng Điền) |
Theo đó, địa phương huy động người dân sử dụng xe máy cày chở đất đến các tuyến đường hư hỏng, còn xã hỗ trợ bằng ca máy san gạt đất. Sau ba ngày phát động, khoảng 5 km đường giao thông nội đồng trên địa bàn xã Bình Hòa đã được người dân tiến hành đổ đất, san gạt. Cụ thể, các tuyến đường gồm: đường lạch Tò Te đi Trạm bơm III, chiều dài 2 km; tuyến từ cánh đồng Bầu Đen đến cánh đồng Bầu Sen, dài hơn 2 km và tuyến từ xóm lúa đi cánh đồng Bầu Cỏ, dài khoảng 1 km. Qua ba ngày huy động, đã có 11 hộ dân đưa xe máy cày thực hiện vận chuyển khoảng 100 xe đất đổ trên các tuyến đường ở các cánh đồng trên địa bàn xã.
Anh Trần Văn Luận ở xã Quảng Điền (huyện Krông Ana) có 10 ha đất canh tác tại địa bàn xã Bình Hòa chia sẻ, vừa rồi nghe thông tin xã huy động tham gia ngày công đổ đất làm đường nội đồng, anh rất phấn khởi. Vì mùa thu hoạch lúa cận kề nhưng các tuyến đường trên địa bàn xã bị hư hỏng nặng, nếu không sửa chữa tạm thời thì việc đi lại sẽ cực kỳ khó khăn, thậm chí rất nguy hiểm khi phương tiện chở lúa lưu thông qua những vị trí gồ ghề, sạt lở. Do vậy, khi xã phát động làm đường, anh không ngần ngại đưa xe máy cày sang vận chuyển đất. Theo anh, mỗi người dân góp sức một chút thì sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực, trước mắt là để mọi người đi lại thuận tiện, dễ dàng trong thu hoạch lúa vụ đông xuân sắp tới và vụ hè thu năm 2022.
Đoạn đường khu vực cánh đồng Trạm bơm III (xã Bình Hòa, huyện Krông Ana) vừa được địa phương huy động người dân đổ xà bần. |
Tranh thủ ngày cuối tuần anh Nguyễn Văn Hùng, nhà ở thôn 1, xã Bình Hòa đã đưa xe máy cày của gia đình tham gia vận chuyển đất để đổ trên các tuyến đường nội đồng bị hư hỏng. Anh cho hay, nhà anh có 10 ha lúa, trong khi mùa thu hoạch sắp đến nhưng thấy các tuyến đường nội đồng bị hư hỏng nặng anh cũng rất lo lắng. Bởi tuyến chính bê tông thì sạt lở nghiêm trọng, trong khi hầu hết các tuyến đường đất lồi lõm, nếu không khắc phục thì việc vận chuyển lúa, phân bón sẽ rất khó khăn và nguy hiểm. Do đó, khi địa phương vận động ca máy vận chuyển đất làm đường, gia đình anh sẵn sàng tham gia. Đây là chủ trương đúng đắn, phục vụ thiết thực cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản của người dân, do vậy anh sẽ đưa máy móc, tham gia ngày công đến lúc hoàn thành.
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa cho biết, vụ đông xuân 2021 - 2022, diện tích lúa nước trên địa bàn xã Bình Hòa gần 1.700 ha. Do đó, việc sửa chữa các tuyến đường hư hỏng là yêu cầu bức thiết để việc đi lại, vận chuyển nông sản, phân bón của bà con thêm phần dễ dàng, thuận tiện. Đây cũng là giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất việc xe chở hàng, nông sản lưu thông qua các vị trí đường bê tông bị sạt lở vào cuối năm 2021, tránh tác động vào kết cấu đường, dẫn đến tốn nhiều chi phí, gây khó khăn cho việc khắc phục, sửa chữa sau này. Tuy nhiên, đây chỉ là cách khắc phục tạm thời, về lâu dài địa phương kiến nghị huyện sớm bố trí kinh phí sửa chữa các tuyến đường bị sạt lở để bà con yên tâm đi lại, sản xuất.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc