Nghĩ về nguồn cội
“Thanh minh trong tiết tháng ba/ Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”. Đất nước đang tiết Thanh minh nên khí trời cũng như lòng người phơi phới.
Theo quan niệm của người Việt xưa, tiết Thanh minh chính là thời điểm trong lành nhất trong năm nên rất phù hợp với việc thực hành những nghi lễ quan trọng, điển hình là tảo mộ, để mộ phần của gia tiên khang trang, sạch sẽ, phù hộ cho cháu con mạnh khỏe, hạnh phúc.
Thời điểm này, những người con Lạc Rồng đang thực hiện những nghi thức thiêng liêng đó. Đặc biệt hơn, nhiều gia đình còn hành hương về đất Tổ Phú Thọ để thắp nén tâm nhang tưởng nhớ các Vua Hùng. “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba” - câu ca thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các thế hệ cha ông giữ nước.
Chương trình nghệ thuật “Linh thiêng nguồn cội - Đất Tổ Hùng Vương”. (Ảnh báo Phú Thọ) |
Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng ở Phú Thọ của dân tộc ta đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2012. Điều đặc biệt là những năm gần đây, Trung tâm liên văn hóa, Khoa học truyền thông quốc tế đều phối hợp tổ chức Lễ giỗ Tổ và vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Năm nay, sự kiện được phát trên các kênh Hung King TV Global, Truyền hình HITV - Truyền hình cáp Hà Nội, Future Now (có thành viên trên 178 quốc gia và vùng lãnh thổ)... Đây là sự kiện văn hóa có ý nghĩa đặc biệt không chỉ đối với người dân trong nước, cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập, nghiên cứu và làm việc ở nước ngoài, mà cả bạn bè quốc tế yêu mến Việt Nam. Có thể thấy, Ban tổ chức đang cố gắng tạo dựng lễ giỗ quốc tổ thành một ngày hội văn hóa chung - kết nối người Việt trên toàn cầu hướng về nguồn cội của mình. Đồng thời, xây dựng cây cầu văn hóa hữu nghị vững chắc, tình bạn chân thành giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Ngày Quốc khánh và Ngày giỗ Tổ Hùng Vương là hai thời điểm để người dân cảm thức và thấm thía hơn về giá trị của độc lập, tự do; sâu thẳm là nhớ về tổ tiên, nguồn cội của mình. Quan trọng hơn là tập hợp lòng dân, sức mạnh đoàn kết và trí tuệ của tất cả con dân Lạc Rồng để cùng nhau đưa đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh, sánh vai với các cường quốc.
“Rằng qua cơn lận đận/ Mới hiểu được lòng nhau”. Mỗi giai đoạn khó khăn của đất nước thì quan hệ giữa người với người càng sâu sắc. Hai năm dịch bệnh, khái niệm “đồng bào” được soi sáng bằng vô số tấm gương, hành động, nghĩa cử và cả sự hy sinh cao cả. Đồng bào trong nước đùm bọc nhau, “lá lành đùm lá rách” từ lúc căng thẳng nhất đến ngay cả lúc này, khi vắc xin đã phủ rộng, cuộc sống đã trở về bình thường. Bà con Việt kiều nước ngoài luôn hướng về Tổ quốc bằng việc quyên góp vật chất, vắc xin, thuốc điều trị.
Giữa những khó khăn do dịch bệnh, chiến tranh và biến đổi khí hậu, các dân tộc trên thế giới cũng xích lại gần nhau với nhiều sứ mệnh chung. Tất cả càng chứng minh, để tồn tại và phát triển, không chỉ người dân nước Việt phải yêu thương nhau hơn (với nghĩa đồng bào), mà rộng hơn là các quốc gia phải có trách nhiệm với người mẹ chung - Trái đất!
Hữu Quý
Ý kiến bạn đọc