Phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn
Vấn đề quyền của lao động nữ đã được Đảng, Nhà nước quan tâm và cụ thể hóa bằng nhiều chỉ thị, nghị quyết, nhất là trong Bộ luật Lao động năm 2019. Nhưng để những quy định đó được thực thi cần phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức Công đoàn, người sử dụng lao động và chính lao động nữ.
Nhiều quy định chưa được thực hiện triệt để
Các chính sách, quy định của pháp luật đã chỉ rõ những ưu đãi đối với lao động nữ như: vấn đề việc làm, bảo đảm quyền làm việc, ưu tiên tuyển dụng, thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, hỗ trợ trong thời gian mang thai, nuôi con nhỏ, phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc... Mặc dù vậy, việc thực hiện còn kém khả thi và chưa phát huy hiệu quả mong muốn.
Công ty TNHH May Tây Nguyên (TP. Buôn Ma Thuột) có 170 lao động, nữ chiếm 95%, đa số có tuổi đời từ 25 - 35 tuổi. Thời gian qua, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đơn đặt hàng của công ty giảm, công việc, lương của người lao động bấp bênh; thu nhập giảm, chi phí sinh hoạt tăng, chị em không có thời gian tham gia các hoạt động giải trí, tái tạo sức lao động.
Lao động nữ làm việc trong dây chuyền đóng gói sản phẩm của Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên. |
Chủ tịch Công đoàn Cơ sở (CĐCS) Công ty TNHH May Tây Nguyên Huỳnh Thị Len Tâm cho biết, thỏa ước lao động tập thể mới chỉ thực hiện cơ bản theo quy định, chưa có nhiều nội dung có lợi cho người lao động cao hơn quy định. Suất ăn cho người lao động còn thấp, chỉ 15.000 đồng. Chị em trong thời gian nuôi con nhỏ được nghỉ 60 phút/ngày nhưng không được hỗ trợ tiền lương trong thời gian này theo quy định...
Huyện Ea Kar hiện có 117 CĐCS với 4.150 công nhân, viên chức, lao động. Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Ea Kar Vũ Thị Mai Anh, cán bộ CĐCS là người hưởng lương của doanh nghiệp, hoạt động không chuyên trách, thường xuyên biến động, không có nhiều thời gian nghiên cứu chế độ, chính sách liên quan đến đoàn viên, người lao động để có cơ sở tuyên truyền, phối hợp với chủ sử dụng lao động xây dựng thỏa ước lao động tập thể, các chính sách có lợi cho lao động. Thêm vào đó, nếu bản thân họ đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho lao động thì sẽ xung đột lợi ích với chủ doanh nghiệp. Người lao động thì có tâm lý e ngại lên tiếng và hiểu biết pháp luật hạn chế nên một số doanh nghiệp cố tình lách luật, vi phạm quyền lợi của công nhân.
Nâng cao hiểu biết để đàm phán, thương lượng
Bà Trần Thu Phương, chuyên viên chính Ban Nữ công, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho hay, trong cơ chế thị trường, vấn đề lợi nhuận luôn được đặt lên hàng đầu, chủ sử dụng lao động đều không muốn phát sinh thêm chi phí, nhất là chi phí chăm lo, bảo đảm quyền lợi cho lao động nữ. Vì vậy, mỗi tổ chức Công đoàn cần đứng về phía người lao động, nâng cao kiến thức, hiểu biết pháp luật, tích cực đàm phán, thương lượng các chế độ, chính sách và linh hoạt trong triển khai thực hiện.
Lao động nữ đảm nhận hầu hết các khâu trong dây chuyền sản xuất quần áo xuất khẩu của Công ty Cổ phần May Tây Nguyên. |
Phát huy vai trò của mình, LĐLĐ huyện Ea Kar đã tích cực tuyên truyền các chính sách, văn bản pháp luật bằng nhiều hình thức. Bên cạnh các hội thi tìm hiểu pháp luật, tổ chức đối thoại giữa người lao động với UBND huyện, chủ doanh nghiệp, Ban Thường vụ LĐLĐ huyện chỉ đạo các CĐCS tổ chức tọa đàm, gặp mặt, game show, hái hoa dân chủ, thi tìm hiểu nội dung về quyền của lao động nữ. LĐLĐ huyện chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin để nắm bắt tình hình thực hiện chế độ, chính sách, tâm tư, nguyện vọng của lao động nữ, hoạt động của doanh nghiệp. Qua đó, phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát và có biện pháp can thiệp, bảo vệ quyền cho người lao động.
Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên (Cụm Công nghiệp Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) có gần 50% là lao động nữ. Phát huy vai trò của mình, Ban Nữ công đã tham mưu cho Ban Chấp hành Công đoàn xây dựng quy chế và thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với lao động nữ. Tất cả lao động nữ được khám sức khỏe, khám chuyên khoa phụ sản theo quy định; được bảo đảm quyền lợi trong thời gian mang thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng.
Bên cạnh đó, Công đoàn đã phối hợp với chủ doanh nghiệp tổ chức hội thao, các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, trợ giúp khó khăn, xây dựng nhà ở, hỗ trợ xe chở công nhân về quê ăn Tết... Qua đó, tạo niềm tin và chỗ dựa vững chắc cho người lao động.
Bà Trần Thu Phương, cho rằng, người lao động, nhất là lao động nữ có nhiều cơ hội nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Mỗi người lao động cần chú trọng nâng cao tay nghề, trình độ, tác phong làm việc chuyên nghiệp. Tổ chức Công đoàn cần phát huy hơn nữa vai trò, hiểu biết pháp luật, mềm dẻo, linh hoạt trong đàm phán, thương lượng với người sử dụng lao động những chính sách có lợi hơn cho người lao động”.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc