Multimedia Đọc Báo in

Quan tâm phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin

08:16, 15/04/2022

Để thực hiện chuyển đổi số (xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số), một trong những nội dung quan trọng cần ưu tiên là phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT).

Theo đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông, hiện nay nguồn nhân lực CNTT của tỉnh Đắk Lắk vẫn còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng dẫn đến khó đảm bảo được hoạt động thông suốt các hệ thống CNTT của Nhà nước khi xảy ra sự cố dẫn đến nguy cơ về mất an toàn thông tin, ngưng trệ các hoạt động quản lý nhà nước.

Hạn chế về nguồn nhân lực CNTT trong cơ quan nhà nước là do còn nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng cán bộ; việc tuyển dụng không đánh giá hết được trình độ, khả năng về CNTT. Mặt khác, do chế độ đãi ngộ chưa tương xứng nên dẫn đến tình trạng nhân lực CNTT từ cơ quan nhà nước chuyển sang khối tư nhân...

Các thí sinh đoạt giải tại Hội thi ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả cải cách hành chính tỉnh năm 2018.

Theo thống kê, tiền lương khởi điểm của cán bộ chuyên trách CNTT có trình độ đại học ở các cơ quan nhà nước rất thấp, ở mức gần 3,5 triệu đồng mỗi tháng, trong khi nếu họ chuyển sang làm cho doanh nghiệp như ngân hàng, doanh nghiệp tư nhân, viễn thông… thì mức lương có thể đạt từ 9 - 15 triệu đồng/tháng, thời gian tăng lương 1 - 2 năm/lần với mức tăng lương từ 2 - 3 triệu đồng/lần, cộng với nhiều chế độ đãi ngộ hấp dẫn khác. Cán bộ chuyên trách CNTT tại các cơ quan, đơn vị còn thiếu về số lượng, hạn chế chất lượng, kiêm nhiệm thêm nhiều công việc, nhiệm vụ khác nhau (như tổng hợp, báo cáo...). Trong số các đơn vị sở, ngành cấp tỉnh, có đơn vị bố trí cán bộ CNTT tại văn phòng, có đơn vị lại bố trí cán bộ CNTT làm việc tại một trong các phòng chuyên môn, lại có đơn vị có phòng tin học cho cán bộ CNTT…

 

Sở Thông tin và Truyền thông đang xây dựng dự thảo Kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk với mục tiêu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của lãnh đạo và cán bộ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số; phổ cập kỹ năng số cho các đối tượng tham gia vào quá trình chuyển đổi số địa phương.

Theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 06/2016/TTLT-BTTTT-BNV ngày 10/3/2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Nội vụ thì Phòng Văn hóa và Thông tin có chức năng tham mưu giúp UBND cấp huyện thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực thông tin truyền thông trong đó có CNTT, tuy nhiên thực tế tại các huyện, thị xã thuộc tỉnh thì công việc của Phòng Văn hóa và Thông tin hiện nay chủ yếu thực hiện chức năng quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch, thiếu hoặc chưa bố trí được cán bộ chuyên trách CNTT. Cán bộ chuyên trách vận hành hệ thống CNTT tại UBND các huyện gần như chưa có, hoặc nếu có thì chủ yếu làm việc kiêm nhiệm...

Thời gian gần đây, xác định được vai trò quan trọng của những người làm công tác về CNTT trong việc triển khai chuyển đổi số, một số bộ, ngành, địa phương trên cả nước đã có nhiều chính sách ưu đãi cho cán bộ chuyên trách CNTT; ban hành chế độ phụ cấp đặc thù áp dụng đối với cán bộ, công chức viên chức làm công tác chuyên môn về CNTT tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp để thu hút và giữ chân nguồn nhân lực CNTT có chất lượng; đồng thời nhằm hạn chế tình trạng công chức, viên chức CNTT từ cơ quan nhà nước chuyển sang khối doanh nghiệp. Do vậy, thiết nghĩ để tỉnh Đắk Lắk phát triển theo kịp sự tác động mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thực hiện chuyển đổi thành công, rất cần có những chính sách chế độ ưu đãi điều kiện làm việc của người hoạt động chuyên trách về ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn; thu hút nguồn nhân lực CNTT có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về làm việc tại địa phương.

Bá Thăng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.