Multimedia Đọc Báo in

Nghề thu gom... rơm

06:36, 08/05/2022

Cùng với không khí hối hả thu hoạch lúa vụ đông xuân trên khắp các cánh đồng, những chiếc máy thu rơm cũng hoạt động hết công suất để tận dụng tối đa phụ phẩm của mùa vụ, mang lại nguồn thu nhập cao cho những người làm công việc này.

Mặt trời đứng bóng làm cái nóng thêm phần oi ả trên cánh đồng Buôn Trấp (huyện Krông Ana). Ruộng lúa đã gặt xong từ hai ngày trước, những sợi rơm khô giòn được anh Đoàn Đức Tuấn (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) điều khiển máy thu gom lại. Máy đi đến đâu, những đụn rơm ngổn ngang được thu gọn gàng đến đấy. Chỉ trong vòng chưa đến một giờ, máy đã dọn sạch rơm trên thửa ruộng rộng cả héc ta, trả lại đất cho chủ ruộng chuẩn bị vụ canh tác mới.

Anh Đoàn Đức Tuấn (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) điều khiển máy thu rơm khô thành từng cuộn gọn gàng.

Anh Tuấn làm nghề thu rơm đã hơn mười năm qua và là một trong những người đầu tư máy thu rơm sớm nhất huyện. Anh chia sẻ, trước khi có máy thu rơm, bà con thường huy động sức người để gom rơm mang về trữ cho gia súc ăn. Nhà nào không dùng thì đốt bỏ, rất lãng phí. Vốn làm dịch vụ gặt đập liên hợp, anh Tuấn chủ động tìm hiểu các loại máy thu rơm và phải đi đến tận các tỉnh miền Tây Nam bộ để học hỏi rồi mua máy. Nhờ có sự tiện lợi của máy thu rơm, hầu hết rơm rạ sau mùa gặt đều được tận dụng. Nhà nào nuôi trâu, bò thì thuê máy đến cuốn rơm để tiện vận chuyển, tích trữ. Nhà không nuôi trâu, bò thì bán luôn rơm theo diện tích ruộng lúa cho anh Tuấn. Từ một chiếc máy ban đầu, anh dần đầu tư thêm lên đến bốn chiếc, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.

Nghề thu rơm thuận lợi nhất là khi tiết trời nắng ráo. Rơm được phơi trên cánh đồng từ 2 - 3 ngày cho khô hẳn mới có thể cuốn được. Nếu làm việc liên tục từ 10 giờ sáng đến 6 giờ chiều, một máy thu rơm có thể cuốn được hàng nghìn cuộn rơm mỗi ngày, mang lại thu nhập từ 500.000 đồng – 1 triệu đồng/ngày cho một nhân công thu rơm.

Anh Đoàn Đức Tuấn (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) điều khiển máy thu rơm khô thành từng cuộn gọn gàng.

Tại cánh đồng xã Ya Tờ Mốt (huyện Ea Súp), chị Trần Thị Huyền cũng bận rộn hơn nhiều mỗi khi vào vụ thu rơm. Chị cho biết, do gia đình không làm dịch vụ thu hoạch lúa nên chị phải thường xuyên theo các máy gặt đập để đặt cọc thu rơm với các chủ ruộng. Mỗi sào rơm có giá từ 50.000 – 100.000 đồng. Ruộng lúa tốt, rơm đẹp, chị có thể thu khoảng 20 cuộn/sào, lãi mỗi cuộn sau khi trừ chi phí nhân công từ 5.000 đồng – 7.000 đồng, thu nhập cả vụ khoảng 100 triệu đồng.

Nếu như những năm trước, trên thị trường máy móc nông nghiệp, máy thu rơm có giá trên 300 triệu đồng thì vài năm trở lại đây đã có những chiếc máy nhỏ gọn, ít tính năng hơn và giá cũng “mềm” hơn rất nhiều, chỉ từ 50 triệu đồng/chiếc. Chính vì vậy, số người làm dịch vụ thu rơm tăng nhanh, giá mua rơm tại ruộng cũng tăng gấp đôi so với trước. Nhiều chủ máy phải tính đến các phương án khác để không ảnh hưởng đến thu nhập. Với anh Tuấn, việc xây dựng kho chứa là một giải pháp hiệu quả. Anh đầu tư kho chứa rộng hơn 1.000 m2 với sức chứa khoảng 30.000 cuộn, có thể trữ rơm đến những tháng trước và sau Tết Nguyên đán. Lúc này, nguồn rơm làm thức ăn cho gia súc khan hiếm, giá mỗi cuộn rơm bán tại kho có thể lên đến 45.000 đồng/cuộn, anh Tuấn thu lãi gấp đôi so với bán ngay sau vụ thu hoạch lúa.

Rơm khô hiện được sử dụng vào nhiều mục đích trong nông nghiệp. Rơm khô, sạch, đẹp có giá cao nhất, thường dùng làm thức ăn cho trâu, bò. Các loại rơm xấu hơn do ẩm mốc, thu hoạch vào thời điểm có mưa hay lúa bị rầy hại thường rẻ hơn và được dùng để phủ gốc giữ ẩm cho cây ăn trái, làm nấm rơm hoặc lót dưa hấu trong quá trình vận chuyển. Công việc thu rơm thường chỉ kéo dài khoảng một tháng theo vụ thu hoạch lúa đông xuân và hè thu. Hiệu quả của nghề thu rơm không chỉ làm tăng hiệu suất cơ giới hóa nông nghiệp mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn, khiến niềm vui thu hoạch thêm phần rộn rã trên những cánh đồng.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.