Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ Ea Kar năng động khởi nghiệp

06:36, 08/05/2022

Khởi nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh là giải pháp để phụ nữ hiện đại tự tạo việc làm, phát triển kinh tế. Bên cạnh sự hỗ trợ của các chương trình, đề án, hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện Ea Kar đã mạnh dạn phát huy nội lực đầu tư khởi nghiệp, biến những thử thách thành cơ hội để vươn lên khẳng định mình.

Để tạo tiền đề cho chị em khởi nghiệp, các cấp hội LHPN trên địa bàn huyện Ea Kar đã tăng cường phối hợp tổ chức đào tạo nghề, giới thiệu việc làm; triển khai các mô hình “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ”; hỗ trợ mô hình sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo; duy trì hiệu quả các hợp tác xã, tổ liên kết, câu lạc bộ buôn bán nhỏ, mô hình giúp nhau giảm nghèo, tổ phụ nữ tiết kiệm... nâng tổng số Quỹ Hội lên 24,2 tỷ đồng, giúp nhau phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, nhằm phát huy lợi thế của từng vùng và khuyến khích các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, Huyện Hội đã duy trì, phát triển Quỹ Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, vốn thực hành tiết kiệm và các nguồn lực khác để hỗ trợ 271 lượt hộ hội viên thực hiện dự án trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán, với tổng số tiền trên 2,26 tỷ đồng. Đồng thời, ký ủy thác giúp hội viên tiếp cận nguồn vốn vay của Ngân hàng Thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ gần 190 tỷ đồng. Nhờ vậy, phong trào khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trong các cấp hội ngày càng phát triển, hội viên tích cực tham gia Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo” do Hội LHPN tỉnh tổ chức và đã có nhiều dự án đoạt giải.

Các nguyên liệu chế biến món chè Mê Tô của chị Trần thị Út Nữ (tổ dân phố 3B, thị trấn Ea Kar) đều có nguồn gốc tự nhiên.

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành kế toán năm 2014, chị Trần Thị Út Nữ ở tổ dân phố 3B, thị trấn Ea Kar đi làm cho một số công ty tư nhân. Sau khi lập gia đình, chị nghỉ ở nhà phụ việc kinh doanh giò chả của bố mẹ chồng. Trong một lần đi Đồng Nai, chị Út Nữ được ăn thử các mòn chè với hương vị đặc trưng và đã nảy ra ý tưởng kinh doanh món chè này ngay tại quê hương Ea Kar. Sau khi học hỏi được các bí quyết, chị Nữ tự mày mò, vừa thực hành, vừa điều chỉnh dần hương vị cho phù hợp với khẩu vị của người dân địa phương. Trong điều kiện dịch COVID-19 năm 2021 diễn biến phức tạp, chị Nữ đã đưa các sản phẩm của mình lên trang Facebook, Zalo cá nhân với thương hiệu “Chè Mê Tô”, giới thiệu cách chế biến, nguyên liệu, công dụng từng món chè và giao hàng tận nơi.

Được Hội LHPN thị trấn Ea Kar động viên, chị Út Nữ mạnh dạn xây dựng dự án tham gia Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo” huyện Ea Kar năm 2022. Chị Út Nữ chia sẻ: “Nhằm hướng đến sự an toàn, bảo đảm sức khỏe, nguyên liệu chế biến các món chè Mê Tô đều có nguồn gốc từ thiên nhiên, sử dụng lá dứa, thanh long ruột đỏ, dâu tằm... để tạo màu sắc, mùi vị, được khách hàng đánh giá cao”.

Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo” cấp huyện đã thực sự lan tỏa khi thu hút được đông đảo cán bộ, hội viên tham gia bằng chính sản phẩm, thế mạnh của mình, trong đó có nhiều hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số. Đơn cử như chị H’Tâm Niê Kdăm, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ buôn Mrông B (thị trấn Ea Kar). Với dự án “Chế biến, sản xuất rượu cần, dệt truyền thống của dân tộc Êđê”, chị H’Tâm mong muốn qua cuộc thi quảng bá, giới thiệu sản phẩm rượu cần, thổ cẩm đến đông đảo người dân, hội viên và được Huyện Hội hỗ trợ về nguồn vốn để mở lớp tập huấn nhằm nâng cao kiến thức về kỹ thuật chế biến rượu cần và dệt thổ cẩm cho phụ nữ trong buôn, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, tạo thêm việc làm cho chị em.

Chị H'Tâm Niê Kdăm chuẩn bị nguyên liệu để ủ rượu cần.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Ea Kar Vũ Thị Thanh Giang cho biết, các hoạt động, phong trào thi đua, hỗ trợ, giúp đỡ nhau đã tạo “xúc tác” để hội viên phát huy nội lực, tiềm năng, thế mạnh trong khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Các dự án khởi nghiệp không chỉ bó gọn trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi mà đã lan tỏa với nhiều sản phẩm, dịch vụ mới như: thời trang may mặc, kinh doanh các món chè, chế biến rượu cần, dệt thổ cẩm...

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.