Multimedia Đọc Báo in

Báo chí góp phần tích cực trong tuyên truyền bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

06:17, 21/06/2022

Cùng với lực lượng chức năng, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh đã góp phần đắc lực đối với công tác tuyên truyền bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh.

Nhiều bài viết nhấn mạnh các giải pháp, cách làm hay trong công tác bảo đảm TTAGT của lực lượng chức năng, hội đoàn thể, từ đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc chấp hành quy định khi tham gia giao thông.

Chẳng hạn như bài viết đăng trên Báo Đắk Lắk: “Tuyên truyền lưu động: Thêm giải pháp bảo đảm an toàn giao thông thời COVID-19”; “Bảo đảm an toàn giao thông gắn với phòng, chống dịch bệnh”… Bên cạnh đó, cũng có những bài viết phản ánh tình trạng bất cập về hạ tầng giao thông, điểm mất ATGT, góp phần nâng cao tính cảnh giác cho người tham gia giao thông và toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ Phòng CSGT (Công an tỉnh) tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho người dân.

Ông Bùi Văn Ngọc, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết, lực lượng Thanh tra giao thông và lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) của tỉnh quân số mỏng, lại đảm nhận nhiệm vụ trên tuyến, địa bàn rộng. Do đó, các thông tin, bài viết mà báo chí phản ánh đã góp phần tích cực cho lực lượng chức năng kịp thời điều chỉnh tuyến, địa bàn kiểm tra để công tác tuần tra, kiểm soát phù hợp với tình hình thực tế, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm hành chính về TTATGT, nâng cao hiệu quả hoạt động trong thi hành công vụ. Cùng với đó, báo chí đã kịp thời viết và đăng tin, bài phản ánh về những tồn tại, bất cập của hệ thống đường giao thông trên toàn tỉnh, tình trạng xuống cấp của hạ tầng giao thông tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT… Qua đó giúp các cơ quan chức năng quan tâm bố trí vốn đầu tư duy tu, sửa chữa, điều chỉnh phương án bảo đảm giao thông thông suốt.

Thượng tá Vũ Tiến Thăng, Trưởng Phòng CSGT (Công an tỉnh) khẳng định, báo chí và lực lượng công an nói chung, lực lượng CSGT nói riêng luôn có sự gắn kết, tương trợ lẫn nhau. Các thông tin, bài viết mà báo chí phản ánh đã góp phần hỗ trợ lực lượng CSGT trong quá trình tuần tra kiểm soát các hành vi vi phạm. Địa bàn rộng, lực lượng CSGT không thể dàn trải và có mặt ở mọi nơi, mọi lúc nên không thể kiểm soát, phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm đang diễn ra. Bởi vậy, có những hành vi vi phạm, Phòng xây dựng kế hoạch triển khai, xử lý nhờ thông tin từ các bài viết mà báo, đài phản ánh trước đó.

Phóng viên báo Trung ương và địa phương phỏng vấn lãnh đạo Phòng CSGT (Công an tỉnh).

Bên cạnh công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, Phòng CSGT đã tích cực đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT cả về nội dung, hình thức để phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Theo đó, các quy định của pháp luật về TTATGT được cán bộ, chiến sĩ Phòng CSGT lồng ghép qua các trò chơi vận động, hỏi đáp, cuộc thi vẽ tranh. Đặc biệt, từ năm 2021 trang Zalo “Phòng CSGT Công an tỉnh” hình thành – đây cũng là một “kênh” tuyên truyền về công tác bảo đảm TTATGT rất hiệu quả, phù hợp với xu hướng phát triển mạnh của mạng xã hội.

Thượng tá Vũ Tiến Thăng cho biết thêm, trong công tác tuyên truyền bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh, báo chí đã sử dụng nhiều thể loại phong phú như: tin, bài phản ánh, phỏng vấn, phóng sự, chùm ảnh, video... góp phần tạo hiệu ứng cao trong dư luận. Thời gian tới, mong rằng các cơ quan báo chí tiếp tục đa dạng hóa hơn nữa hình thức tuyên truyền pháp luật về TTATGT để tạo chuyển biến tích cực về hành vi của người tham gia giao thông, lan tỏa các thông điệp, giải pháp, mô hình hiệu quả, từ đó góp phần thực hiện mục tiêu kiềm giảm TNGT trên địa bàn tỉnh, như nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình từng khẳng định: “Tác phẩm của các bạn chính là động lực để biến những quy định pháp luật vốn dĩ khô khan, khó hiểu thành những thông điệp dễ nghe, dễ hiểu, dễ làm theo, giúp bạn đọc và đông đảo nhân dân nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, dần hình thành văn hóa giao thông trong toàn xã hội”.

Phạm Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.