Multimedia Đọc Báo in

Giữ gìn nếp sống gia đình

07:45, 26/06/2022

Hạnh phúc của mỗi tổ ấm nhỏ luôn có sự kế thừa từ nếp sống, truyền thống của gia đình lớn và của thế hệ ông bà đi trước.

Gìn giữ và phát huy những nếp sống tốt đẹp ấy sẽ thắt chặt thêm mối dây gắn kết giữa các thế hệ, vun đắp tình cảm và làm động lực để con cháu phấn đấu xây dựng đời sống ngày một tốt đẹp hơn.

Vốn theo nếp sống mẫu hệ của người Êđê, lại có sự chênh lệch nhất định về ngoại hình, tuổi tác nhưng vợ chồng anh Y Thih Niê và chị H’Nhẹ Mlô (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn luôn dành cho nhau những tình cảm nồng ấm nhất.

Chị H’Nhẹ không còn nhớ căn nguyên của chứng cong vẹo cột sống mình mắc phải, song căn bệnh đã khiến cơ thể chị lệch hẳn sang một bên, đi lại rất khó khăn. Không chỉ sống chung với những cơn đau nhức, chị còn bị hở van tim, cơ thể gầy gò, thấp bé. Nhưng điều thường trực ở chị là tinh thần lạc quan, giọng nói nhỏ nhẹ và nụ cười luôn rạng rỡ. Có lẽ, đây chính là điểm thu hút anh Y Thih, chàng thanh niên nhỏ hơn chị đến 5 tuổi về cùng một mái nhà sau nhiều năm tìm hiểu, yêu thương. Đến nay, anh chị đã có hai người con ngoan ngoãn, khỏe mạnh, một tổ ấm đầy ắp niềm vui.

Vợ chồng chị H’Nhẹ Mlô (bên trái) tham gia Hội thi Gia đình hạnh phúc xã Hòa Thắng năm 2018. Ảnh: Đ.Nga

Thấy con gái út chịu nhiều thiệt thòi, bố mẹ chị H’Nhẹ luôn sẵn lòng chở che, giúp sức song vợ chồng chị luôn xác định phải tự lập, tự vun đắp cho cuộc sống bằng những nỗ lực của chính mình. Anh Y Thih ngày ngày chăm chỉ làm rẫy, trồng cà phê và sầu riêng, còn chị H’Nhẹ thì tất bật buôn bán trái cây, tạo ra nguồn thu nhập khá cao so với nhiều gia đình trẻ trong vùng. Nhờ vậy, năm 2020, anh chị đã tích lũy được khoản vốn để xây dựng căn nhà khang trang trên phần đất được bố mẹ chia cho.

Chị H’Nhẹ tâm sự, tiếng là ở riêng, nhưng cả ba gia đình gồm bố mẹ, chị H’Nhẹ và chị gái vẫn quây quần trên mảnh đất xa xưa ông bà để lại. Các con, các cháu lúc nào cũng ríu rít bên nhau khiến ông bà dường như xua tan hết những lo âu của tuổi già. Vợ chồng chị H’Nhẹ và vợ chồng chị gái luôn ý thức được bổn phận phải hiếu kính với cha mẹ để làm gương cho con cái noi theo cũng như học hỏi sự yêu thương, nhường nhịn lẫn nhau giữa vợ và chồng theo cách bố mẹ chị đã chung sống, xem đó là một trong những bí quyết để giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Gia đình anh Đặng Văn Huy và chị Lý Thị Ân (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar) là người dân tộc Dao. Từ thời ông bà của anh đã di cư từ tỉnh Quảng Ninh vào đây sinh sống và lập nghiệp. Dù xa quê đã lâu nhưng vốn văn hóa truyền thống của dân tộc Dao vẫn được gia đình anh giữ gìn, tiếp nối và trở thành là một trong những sợ dây gắn kết tình cảm của nhiều thế hệ.

Anh Huy cho hay, bố mẹ anh có mười người con, tất cả đều nhận được sự dạy bảo nghiêm khắc, chỉn chu ngay từ  bé. Hơn thế nữa, khi thấy bố mẹ dù trải qua khó khăn đến mấy vẫn đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, nuôi mười con trưởng thành nên tất cả các con khi lập gia đình cũng theo đó mà học hỏi, gìn giữ và nuôi dưỡng hạnh phúc của gia đình nhỏ.

Gia đình anh Huy nhiều năm liền được công nhận là gia đình văn hóa tiêu biểu ở xã Cư Suê. Ảnh: M.Sao

Là con út nên anh Huy ở cùng bố. Việc chung sống nhiều thế hệ dưới một mái nhà không tránh khỏi những bất đồng trong quan điểm, tư tưởng. Cũng có khi, việc nhắc nhở, chỉ bảo của ông khiến vợ chồng anh cảm thấy bị bó buộc, nhưng khi hiểu ra sự góp ý đó là đúng đắn, chuẩn mực thì đã vui vẻ tiếp thu. Những việc lớn trong gia đình đều được vợ chồng anh bàn bạc với nhau và cùng tham khảo ý kiến bố để có được quyết định đúng đắn nhất.

Từ nguồn nông sản của gia đình, vợ chồng anh Huy mở cơ sở chế biến nông sản, công việc bận rộn luôn tay. Nhưng anh chị luôn xác định việc đồng hành cùng con, lớn cùng con là quan trọng nhất. Ngay từ khi các con còn nhỏ, vợ chồng anh Huy đã dạy cho con ý thức tự học, tự lập, đặc biệt là biết phụ giúp bố mẹ những công việc của gia đình vào ngày cuối tuần. Khoảng thời gian này sẽ giúp anh chị có thời gian trò chuyện để hiểu con hơn, chia sẻ với các con về truyền thống của gia đình. Bên cạnh đó, anh Huy, chị Ân cũng tranh thủ theo dõi các chuyên mục về cách nuôi dạy con cái trên các phương tiện thông tin để khéo léo lồng ghép giáo dục con cái trong các sinh hoạt thường ngày.

Có thể thấy, môi trường gia đình chính là môi trường giáo dục đầu tiên có ảnh hưởng mạnh mẽ và lâu dài đến tính cách, lối sống của mỗi người từ thuở ấu thơ. Một nếp nhà êm ấm, thuận hòa sẽ góp phần nuôi dưỡng và bồi đắp những nhân cách tốt, những tâm hồn đẹp, hình thành nên những tế bào khỏe mạnh trong mạch sống hiện đại của cộng đồng, xã hội hôm nay.

Đinh Nga – Bình Minh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.