Multimedia Đọc Báo in

Gia đình là môi trường tốt nhất trong hình thành kỹ năng sống cho trẻ

09:52, 22/05/2022

Giáo dục kỹ năng sống là một quá trình tác động có mục đích, có kế hoạch nhằm hình thành ở cá nhân những hành vi tích cực, lành mạnh và thay đổi những hành vi, thói quen tiêu cực.

Kỹ năng sống có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển cá nhân và xã hội. Người có kỹ năng sống tốt sẽ biết ứng xử phù hợp trong mọi tình huống, có khả năng làm chủ xúc cảm, tình cảm và hành vi, có thói quen và lối sống lành mạnh, vượt qua được khó khăn và đạt được nhiều thành công trong cuộc đời.

Câu chuyện giáo dục kỹ năng sống cho trẻ không còn là vấn đề mới. Thực tế, trong nhiều năm qua, những nội dung giáo dục kỹ năng sống đã và đang được lồng ghép vào các hoạt động giáo dục trong nhà trường ở các cấp học. Và mỗi dịp hè về, các khóa học kỹ năng sống cũng được mở ra đáp ứng nhu cầu xã hội.

Rõ ràng là không có một công thức chung nào trong việc giáo dục con nhưng luôn có điểm chung nơi những người làm cha mẹ là họ luôn mong muốn con mình có khả năng chuyển dịch kiến thức cùng thái độ, giá trị thành hành động thực tế trong những tình huống khác nhau của cuộc sống.

Hầu hết cha mẹ đều nhận thức được việc con mình thiếu kỹ năng sống sẽ khiến cuộc sống cá nhân trở nên khó khăn như thế nào. Có lẽ vì vậy, nhiều bậc cha mẹ chờ mỗi dịp hè về để cho con tham gia các khóa học kỹ năng sống và xem đó như là những cơ hội có thể mang lại “phép màu” cho con họ trở nên có nhiều kỹ năng.

(Ảnh minh họa: Minh Thông)
(Ảnh minh họa: Minh Thông)

Đây là mong muốn rất chính đáng của cha mẹ nhưng điều này có thể dẫn tới sự lãng phí về thời gian và tiền bạc, thậm chí phản tác dụng nếu như gia đình không đồng hành cùng trẻ trong quá trình hình thành, duy trì thực hành kỹ năng.

Giáo dục kỹ năng sống phải là quá trình giáo dục một cách có ý thức và đòi hỏi sự bền bỉ của những người tham gia.

Kỹ năng sống không thể được hình thành chỉ qua việc nghe thuyết giảng mà phải thông qua các hoạt động tương tác với người khác. Việc nghe giảng chỉ giúp cho trẻ thay đổi nhận thức về một vấn đề nào đó. Kỹ năng sống chỉ được hình thành khi trẻ được trải nghiệm qua các tình huống thực tế. Trẻ chỉ có kỹ năng khi các em tự làm việc đó, chứ không chỉ nói về việc đó.

Kinh nghiệm có được khi trẻ được hành động trong các tình huống đa dạng giúp các em dễ dàng sử dụng và điều chỉnh các kỹ năng phù hợp với điều kiện thực tế. Trong nhà trường cũng như ở gia đình, người lớn sống cùng trẻ cần thiết kế và tổ chức thực hiện các hoạt động sao cho trẻ có cơ hội thể hiện ý tưởng cá nhân, tự trải nghiệm và biết phân tích kinh nghiệm sống của mình và người khác.

Kỹ năng sống không thể hình thành trong ngày một ngày hai mà đòi hỏi phải có cả quá trình: nhận thức - hình thành thái độ - thay đổi hành động. Mục đích cao nhất của giáo dục kỹ năng sống là giúp trẻ thay đổi hay định hướng lại các giá trị, thái độ hành động của mình. Thay đổi hành vi thái độ và giá trị ở từng con người là một quá trình khó khăn.

Trong nhiều trường hợp, người lớn phải kiên trì chờ đợi và tổ chức các hoạt động liên tục để trẻ duy trì hành vi mới, có thói quen mới; tạo động lực cho trẻ điều chỉnh hoặc thay đổi giá trị, thái độ và những hành vi trước đây, thích nghi hoặc chấp nhận các giá trị, thái độ và hành vi mới.

Giáo dục kỹ năng sống cần thực hiện ở mọi nơi, mọi lúc và thực hiện càng sớm càng tốt. Giáo dục kỹ năng sống được thực hiện trong gia đình, trong nhà trường và cộng đồng. Về bản chất, những lớp học, khóa học kỹ năng sống chỉ mang tính hướng dẫn và gợi mở.

Để kỹ năng được hình thành và duy trì nơi trẻ thì mỗi cha mẹ cần làm gương cho con trẻ và trao cho con cơ hội để rèn luyện. Không thể khuyến khích trẻ đọc sách nếu cha mẹ không đọc cũng như không thể hình thành kỹ năng tự lập cho trẻ nếu người lớn vì quá sốt ruột mà làm thay. Gia đình có vai trò rất lớn trong việc hình thành cho trẻ những kỹ năng cơ bản như tự vệ sinh cá nhân, giao tiếp lễ phép, tự tin, tự học, kiểm soát cảm xúc…

Còn đối với những kỹ năng như vượt qua thất bại, chống xâm hại, thuyết trình... thì những lớp học ngoại khóa hay những hoạt động giáo dục chính thức trong nhà trường có vai trò định hướng rất rõ trong quá trình hình thành kỹ năng. Nhưng trong mọi trường hợp, gia đình luôn là môi trường giáo dục kỹ năng sống tốt nhất cho trẻ với nguyên tắc giáo dục bằng cách làm gương (quan sát, bắt chước và làm theo).

Trương Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.