Multimedia Đọc Báo in

Nghĩa tình từ những “giọt hồng”

07:53, 12/06/2022

Với tâm niệm “hiến giọt máu đào - trao đời sự sống”, những tình nguyện viên hiến máu trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã góp phần không nhỏ trong việc sẻ chia yêu thương, chung tay khắc phục tình trạng khan hiếm máu, mang lại hy vọng sống cho người bệnh.

Sau cuộc gọi lúc nửa đêm vào tháng 8/2021: “Alo, anh Chiến hả, người thân của tôi đang trong cơn nguy kịch cần nhóm máu AB+ gấp, anh có thể tới bệnh viện vùng Tây Nguyên giúp được không ạ?”, anh Nguyễn Đình Chiến (trú phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) chỉ kịp hỏi địa chỉ khoa, phòng nào rồi vội tắt máy chạy ngay đến bệnh viện để kịp thời hiến máu cho bệnh nhân.

Thời điểm ấy, cả thành phố đang thực hiện Chỉ thị 16 phòng, chống dịch COVID-19 nhưng anh vẫn bất chấp sự nguy hiểm của dịch bệnh, không quan tâm đến việc ra ngoài đường có bị phạt hay không mà trong đầu chỉ suy nghĩ đến kịp thời để hiến máu cho người bệnh đang nguy kịch. Đến bây giờ, anh vẫn không quên khoảnh khắc tim đập thình thịch sau khi hiến máu chờ bệnh nhân qua cơn nguy kịch để được thở phào nhẹ nhõm trở về nhà. Tuy nhiên, khi hỏi về thông tin bệnh nhân, anh lắc đầu cười: "Những ca cấp cứu thường vào lúc nửa đêm, chỉ cần nghe tin bệnh nhân cần máu của mình, tôi sẵn sàng giúp nên chỉ cần biết địa điểm để có mặt nhanh chóng, vì chậm một phút là có thể không giữ được tính mạng cho họ nên chẳng cần biết tên tuổi...".

Lần thứ 16 tham gia hiến máu của anh Nguyễn Đình Chiến (trú phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột).

Là một người có nhóm máu hiếm nên anh Chiến ý thức được, không phải lúc nào trong "ngân hàng máu sống" cũng có sẵn nhóm máu này, do đó nếu không kịp thời thì đồng nghĩa với việc một sinh mạng có thể ra đi. Vì vậy, ngoài tham gia 2 câu lạc bộ hiến máu tình nguyện trên địa bàn tỉnh, anh thường xuyên cung cấp thông tin cho những ai cần máu của mình trên trang Facebook cá nhân để sẵn sàng chia sẻ giọt hồng đặc biệt này tới cộng đồng. Anh tâm sự, đêm nào đi ngủ anh cũng nhớ để điện thoại cạnh mình kẻo lỡ ngủ quên, bởi nếu có một cuộc gọi bất chợt lúc nửa đêm cần máu mà không có mặt kịp và một sinh mạng ra đi sẽ khiến anh hối hận. Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại, anh còn thở là còn cống hiến. Chính vì vậy, mỗi năm, ít nhất anh sẽ tham gia hiến máu 4 lần.

Với nghĩa cử hiến máu cứu người cao đẹp đó, anh Chiến đã nhiều lần được Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tỉnh tặng Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc tham gia hiến máu tình nguyện.

Là một cán bộ Hội Phụ nữ của thôn nên chị Nguyễn Thị Thanh Xuân (trú thôn 6, xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) hiểu rõ được những lợi ích từ việc hiến máu. Chị chia sẻ, hiến máu thường xuyên 3 tháng/lần không chỉ giúp cơ thể kiểm soát được hàm lượng sắt, cải thiện hệ tim mạch và đặc biệt là giúp ích cho đời, cho mọi người nhờ một việc làm đơn giản, nhỏ bé. Chính vì vậy, sau khi nghe cán bộ thôn tuyên truyền có đợt hiến máu ở địa điểm nào là chị sẵn sàng bỏ cả công việc để đi hiến máu. Ngoài ra, chị còn tuyên truyền cho bà con để họ cùng tham gia, lan tỏa yêu thương sự sống đến mọi người.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh Xuân (trú thôn 6, xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) tham gia hiến máu tại UBND phường Tân Tiến.

Hơn ai hết, chồng chị là người đứng sau ủng hộ chị. Trong đợt hiến máu ngày 17/5/2022 tại UBND phường Tân Tiến mới đây, hai vợ chồng lần đầu tham gia hiến máu cùng nhau. Anh Triều Văn Đông (chồng chị Xuân) bộc bạch, hiến máu tình nguyện là một việc làm rất tốt, mang ý nghĩa nhân văn cao cả là cứu người. Vì vậy, anh rất ủng hộ vợ với việc làm ý nghĩa này. Biết đâu có lúc nào đó chính bản thân hay người nhà của mình cũng phải cần đến những giọt máu tình nguyện như anh đã hiến để vượt qua cơn hiểm nghèo. Do vậy, hôm đấy nghe tin vợ đi hiến máu, anh rất háo hức khi cùng tham gia.

Do cùng chung quan điểm là còn sức khỏe, còn khả năng chia sẻ cho người khác thì còn hiến máu nên cứ có ai cần máu là vợ chồng chị Xuân sẵn sàng giúp đỡ. Hai anh chị luôn quan niệm, thuốc có thể mua nhưng máu thì không thể, anh chị chỉ hy vọng góp phần nhỏ bé của mình giúp ích cho đời.

Những "giọt hồng" trao đi tuy nhỏ bé nhưng rất quý giá, mang lại hy vọng sống cho nhiều bệnh nhân kém may mắn cần máu điều trị bệnh. Hy vọng, sẽ có thêm nhiều cá nhân với tấm lòng đáng trân quý cùng cho đi giọt máu đào để mang lại cơ hội sống cho nhiều người hơn nữa.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.