Multimedia Đọc Báo in

Người dân vùng nông thôn hưởng lợi từ công trình cấp nước tập trung

07:12, 24/06/2022

Từ nhiều nguồn vốn được huy động, nhiều công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ở vùng nông thôn đã được đầu tư xây dựng. Qua đó, góp phần giải quyết một phần tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho các hộ dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, cải thiện điều kiện nước sạch và vệ sinh môi trường cho người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến nay, toàn tỉnh có gần 200 công trình cấp nước vùng nông thôn được đầu tư xây dựng. Trong đó, thực hiện Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới ở hợp phần cấp nước nông thôn, tính đến cuối năm 2021 tỉnh Đắk Lắk đã đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo 116 công trình cấp nước và vệ sinh trường học; nâng cấp, sửa chữa 62 công trình cấp nước và vệ sinh trạm y tế với tổng số hộ được đấu nối sử dụng nguồn nước từ các công trình lên 14.000 hộ.

Người dân xã Bông Krang sử dụng nguồn nước từ công trình cấp nước tập trung.

Đơn cử như Công trình cấp nước xã Bông Krang (huyện Lắk) là một trong những công trình được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động hiệu quả đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh của người dân trên địa bàn xã. Được biết, công trình có tổng nguồn vốn đầu tư trên 10,2 tỷ đồng từ Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” đi vào hoạt động từ năm 2019 với công suất thiết kế 500 m3/ngày đêm, cấp nước cho 900 hộ dân. Từ khi có công trình cấp nước, nỗi lo về nguồn nước sinh hoạt không bảo đảm an toàn vệ sinh trước đây đã được giải quyết; đặc biệt là nỗi lo thiếu nước vào mùa khô. 

 

Đến cuối năm 2021, tỉnh Đắk Lắk có 96,2% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; số hộ nghèo sử dụng nước hợp vệ sinh là 87,77%; số hộ dân tộc thiểu số sử dụng nước hợp vệ sinh là 93,5%.

Hay như Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung xã Ea Bông (huyện Krông Ana) được triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động từ đầu năm 2020, chi phí đầu tư trên 13 tỷ đồng cấp nước sạch cho gần 1.000 hộ dân ở 6 thôn, buôn trên địa bàn xã. Có nguồn nước sạch, người dân địa phương đều vui mừng bởi trước đây họ phải sử dụng nguồn nước giếng đào mà mỗi khi vào mùa khô đều cạn nước; đó là chưa nói đến việc họ không biết chất lượng nước giếng như thế nào. "Bây giờ, có nguồn nước sạch, việc sinh hoạt, kinh doanh buôn bán của người dân cũng thoải mái hơn, không phải lo lắng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô, cũng không phải tốn thêm tiền mua bình nước lọc về để nấu ăn, uống như trước đây", chị Nguyễn Thị Mai – một hộ dân ở thôn Hòa Tây, xã Ea Bông chia sẻ.

Thực tế cho thấy, Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” là một trong những chương trình nước sạch mang lại hiệu quả rõ nét. Các địa phương được thụ hưởng nguồn vốn xây dựng, cải tạo công trình, đấu nối cấp nước sạch không chỉ góp phần nâng cao chất lượng nước, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của người dân mà còn là cơ sở để triển khai hiệu quả tiêu chí về môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Cán bộ quản lý Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung xã Ea Bông (bên phải) kiểm tra nguồn nước cho người dân.

Để các công trình sau đầu tư hoạt động hiệu quả và bền vững, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đã thành lập các tổ vận hành, quản lý, hộ gia đình được cấp đồng hồ đo lưu lượng nước, đóng tiền sử dụng nước hằng tháng. Song song đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc sử dụng nguồn nước sạch đối với sức khỏe, sử dụng nước tiết kiệm, tham gia quản lý, sử dụng, bảo quản công trình nước sinh hoạt tập trung...

Có thể nói, các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được đầu tư xây dựng đã đem lại hiệu quả thiết thực, tăng tỷ lệ người dân được tiếp cận bền vững với nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh; góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân nông thôn. Hơn thế nữa, được sử dụng nước sạch đã giúp các hộ giảm bệnh tật, đặc biệt là các bệnh liên quan đến nguồn nước và vệ sinh, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.