Multimedia Đọc Báo in

“Cơn khát” thuốc, vật tư y tế: S.O.S (Kỳ 2)

07:04, 27/07/2022

Kỳ 2: Đâu là “điểm nghẽn”?

Thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế không phải là vấn đề mới, song tình trạng này đang diễn ra tại hầu hết các cơ sở y tế trong thời gian gần đây. Vậy, "điểm nghẽn" của tình trạng này là do đâu?

Công tác đấu thầu chậm trễ

Theo lãnh đạo nhiều bệnh viện, trung tâm y tế trong tỉnh, tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh có liên quan trực tiếp tới công tác đấu thầu.

Báo cáo của Sở Y tế Đắk Lắk cho thấy, thực hiện theo Thông tư 15/2020/TT-BYT ngày 10/8/2020 của Bộ Y tế ban hành Danh mục thuốc đấu thầu, danh mục thuốc đấu thầu tập trung, danh mục thuốc được áp dụng đàm phán giá. Trong đó, Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia và Đàm phán giá do Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia thực hiện; Danh mục thuốc đấu thầu cấp địa phương do Sở Y tế thực hiện và Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp cơ sở do các cơ sở khám chữa bệnh công lập trên địa bàn thực hiện.

Tuy nhiên, trên thực tế, đến thời điểm hiện tại Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia và Đàm phán giá để có thuốc sử dụng cho năm 2022 và năm 2023 vẫn chưa có kết quả. Với Danh mục thuốc đấu thầu cấp địa phương, gói thầu mua thuốc Generic thuộc Dự án mua thuốc đối với danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương năm 2019-2020 đã hết hiệu lực ngày 1/10/2021, Sở Y tế đã tập trung nhân lực thực hiện gói thầu năm 2021 - 2022, song do nhiều yếu tố khách quan gói thầu này mới đang ở giai đoạn lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Vì đấu thầu chậm trễ, bệnh viện thiếu thuốc, thiếu vật tư, thời gian qua, nhiều bệnh nhân vào điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên phải tự mua vật tư y tế phục vụ công tác điều trị.

Còn Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp cơ sở do các cơ sở khám chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh thực hiện, tuy nhiên, việc mỗi đơn vị tự tổ chức các gói thầu riêng lẻ dẫn đến số lượng quá ít, tổng giá trị từng mặt hàng thấp nên có nhiều mặt hàng không có nhà thầu tham gia dự thầu. Đặc biệt là các thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, thuốc cấp cứu có số lượng ít, giá kế hoạch thấp, chi phí vận chuyển cao nên không có hoặc có rất ít nhà thầu tham gia dự thầu.

Chẳng hạn gói thầu mua thuốc Generic năm 2021 của Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, đấu thầu rộng rãi lần 1 gồm 80 mặt hàng, trong đó trúng thầu 25 mặt hàng, rớt thầu 55 mặt hàng. Sau đó, bệnh viện đấu thầu lại 55 mặt hàng rớt thầu này nhưng tất cả đều không có nhà thầu tham gia dự thầu. Để có thuốc điều trị cho bệnh nhân, bệnh viện tiếp tục đấu thầu lại lần 3 với hình thức chỉ định thầu rút gọn cho 55 mặt hàng rớt thầu thì mới có thêm 36 mặt hàng được trúng thầu.

Tâm lý sợ sai, ngại đấu thầu

Cũng theo nhận định của Sở Y tế, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ khám chữa bệnh còn do tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra, không dám làm, không dám đấu thầu, mua sắm của một số địa phương và đơn vị. Trong khi đó, một số doanh nghiệp, nhà cung cấp cũng e ngại việc cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công do liên quan đến giá thuốc chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thủ tục thanh toán phức tạp, khó khăn.

Một số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhập viên tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên phải chuyển viện lên tuyến trên vì bệnh viện không có tiểu cầu để điều trị.

Trên thực tế, các luật, nghị định, thông tư hướng dẫn đấu thầu thuốc còn rất nhiều điểm bất cập, thay đổi liên tục, các văn bản hướng dẫn, pháp lý còn mang tính chung chung, chưa thực sự chi tiết, cụ thể. Sự bất hợp lý trong các quy trình, quy định và chưa có luật mang tính đặc thù cho ngành y dẫn đến việc đấu thầu mua sắm thuốc gặp nhiều trở ngại.

Đơn cử, tại thời điểm hiện tại, khi triển khai thực hiện Thông tư 38/2021/TT-BYT ngày 31/12/2021 của Bộ Y tế quy định về chất lượng dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền, các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh gặp một số vướng mắc và nhận thấy một số điểm bất cập. Sở Y tế đã có Công văn số 2094/SYT-NVYD ngày 12/6/2022 gửi Bộ Y tế đề nghị giải đáp vướng mắc trong quá trình thực hiện Thông tư 38 nói trên.

Tuy nhiên, đến nay Sở Y tế vẫn chưa được Bộ Y tế hướng dẫn, dẫn đến việc đấu thầu vị thuốc cổ truyền không thực hiện được, đồng thời cũng không thể sử dụng vị thuốc đã trúng thầu tại các gói thầu cũ. Không những thế, Sở Y tế đã 4 lần làm văn bản xin ý kiến Bộ Y tế giải đáp một số vướng mắc trong việc thực hiện đấu thầu theo Thông tư 15/2019/TT-BYT cũng như đề nghị hướng dẫn đánh giá nội dung phạm vi chứng nhận của cơ sở sản xuất thuốc đáp ứng tiêu chuẩn GMP, nhưng đến nay vẫn “bặt vô âm tín”. Chính vì không có cơ sở nào để tháo gỡ những vướng mắc, nếu các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện theo nhận định chủ quan của cá nhân tham gia công tác đấu thầu có thể sẽ dẫn đến sai phạm.

Một nguyên nhân khác của tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh được ngành y tế tỉnh nhà nhắc đến là sự khủng hoảng nhân lực trầm trọng. Trước đây, nhân sự chủ chốt có chuyên môn về dược thực hiện chính công tác đấu thầu gồm 4 biên chế, tuy nhiên một người đã bị khởi tố do liên quan đến vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sở Y tế Đắk Lắk năm 2014 - 2015, hai người khác đã xin nghỉ việc, còn lại một người thì đang nghỉ chế độ thai sản.

Vì vậy, hiện tại 3 người làm công tác đấu thầu của Sở đều được điều động tạm thời từ các đơn vị khác, chưa có kinh nghiệm tham gia đấu thầu, trong khi để nắm bắt về công tác đấu thầu cần phải có thời gian tìm hiểu, học hỏi và được đào tạo, dẫn đến gói thầu địa phương bị chậm trễ, tiềm ẩn nguy cơ sai phạm mang tính khách quan.

Tương tự, các gói thầu cơ sở cũng do không có nhân lực phụ trách chính, tổ thầu chủ yếu là kế toán, dược sĩ, bác sĩ, điều dưỡng kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên sâu về kiến thức đấu thấu, khiến cho việc triển khai đánh giá lựa chọn nhà thầu phải làm ngoài giờ, không kịp thời gian, phải gia hạn nhiều lần.

Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác y tế nhằm giải quyết một số nội dung liên quan đến thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các địa phương diễn ra ngày 29/6/2022, thời gian qua, Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố đã tiến hành từng bước ủy quyền, phân cấp thẩm quyền mua sắm để giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý.

Tuy nhiên, lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp công lập có tâm lý e dè, thận trọng hơn trong công tác đấu thầu, mua sắm. Điều này khiến cho họ có tư tưởng cầm chừng, chờ đợi và không dám mua sắm, dẫn tới việc mua sắm, đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế đang bị chậm lại, kết quả là một số cơ sở điều trị thiếu thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc.

(Còn nữa)

Kỳ cuối: Cần sớm tháo gỡ “điểm nghẽn” thiếu thuốc, vật tư y tế

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc