Dạy bơi, phòng, chống đuối nước cho trẻ em: Hiệu quả từ huy động, lồng ghép nguồn lực
Khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất trong việc tổ chức dạy bơi và kỹ năng phòng, chống đuối nước, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, huyện Ea Kar đã tập trung chỉ đạo, huy động, lồng ghép các nguồn vốn xã hội hóa đầu tư xây dựng bể bơi cho các trường học, đem lại hiệu quả thiết thực.
Niềm vui ngày hè
Đều đặn các ngày trong tuần, trừ thứ tư và chủ nhật, em Hoàng Mai Tiến Phát, học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (xã Ea Păl) lại cùng các bạn đến tập bơi tại bể bơi nổi của Trường THCS Phan Chu Trinh (xã Ea Păl).
Trước khi xuống nước, các em được huấn luyện viên truyền dạy kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước, hướng dẫn khởi động, làm nóng cơ thể. Trong thời gian tập bơi, các em được dạy kỹ năng thở dưới nước, bơi ếch, nổi ngửa. Chỉ sau hơn 2 tuần tập luyện đều đặn, hầu hết các em đều biết bơi cơ bản.
Em Tiến Phát bày tỏ: “Trước đây chúng em muốn học bơi cũng không thể vì trong xã và khu vực lân cận không có hồ bơi nào. Nhưng mấy mùa hè gần đây, chúng em vui lắm vì có nơi để vui chơi, học thêm kỹ năng sống”.
Đại diện Quỹ cộng đồng Phòng tránh thiên tai TP. Đà Nẵng và lãnh đạo UBND huyện Ea Kar bàn giao Công trình bể bơi phòng, chống đuối nước cho Trường Tiểu học Tô Hiệu (xã Ea Tih). |
Cuối năm 2017, Trường THCS Phan Chu Trinh được tài trợ xây dựng một bể bơi nổi, đem lại niềm vui cho rất nhiều học sinh trên địa bàn các xã: Ea Păl, Ea Ô và Cư Ni. Theo thầy Phạm Nguyễn Thiện, Hiệu trưởng nhà trường, để phát huy hiệu quả của công trình này, nhà trường đã phân công nhân viên trông coi, bảo quản, thay nước định kỳ 2 lần/tuần, tổ chức tuyên truyền cho phụ huynh và học sinh về lợi ích của việc học bơi, phòng, chống đuối nước, khuyến khích các em đăng ký học bơi, nhất là vào dịp hè. Nhờ vậy, rất nhiều học sinh thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa đã biết bơi.
Đóng chân trên địa bàn đặc biệt khó khăn, Trường Tiểu học La Văn Cầu (xã Ea Sar) có trên 610 học sinh, trong đó học sinh dân tộc thiểu số chiếm 42%. Đầu năm 2020, thầy và trò nhà trường đón nhận niềm vui khi được Quỹ cộng đồng Phòng tránh thiên tai TP. Đà Nẵng hỗ trợ 600 triệu đồng, UBND huyện Ea Kar đối ứng 150 triệu đồng để đầu tư xây dựng bể bơi. Nhờ vậy, mùa hè của các em thêm bổ ích, lý thú.
Thầy Nguyễn Đình Quân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học La Văn Cầu cho hay, xác định việc phổ cập bơi lội và kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh rất quan trọng để các em có một mùa hè an toàn, trong năm học, Ban Giám hiệu nhà trường đã triển khai dạy bơi cho học sinh theo từng lứa tuổi và được đưa vào thời khóa biểu. Các học sinh từ lớp 1 đã được làm quen với nước, tập thở nổi, được hướng dẫn kỹ năng tự bảo vệ mình. Trong thời gian nghỉ hè, hoạt động dạy bơi sẽ được tăng cường. Với lộ trình này, nhà trường hướng đến mục tiêu toàn thể học sinh sau khi tốt nghiệp Tiểu học đều biết bơi.
Vì sự an toàn của trẻ
Hằng năm, trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh và ngành giáo dục, huyện Ea Kar đã ban hành và triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động cao điểm về công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em, học sinh bằng nhiều hình thức.
Bên cạnh đó, trong dịp hè, các trường học đều tổ chức bàn giao học sinh về địa phương tham gia sinh hoạt hè; phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương thống kê, rà soát số lượng ao, hồ, sông, suối... có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để cảnh báo cho phụ huynh, học sinh và đề xuất các giải pháp khắc phục. UBND huyện cũng đã tổ chức lễ phát động và ký cam kết dạy bơi phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh.
Học sinh được học kỹ năng bơi, phòng, chống đuối nước tại hồ bơi của Trường THCS Phan Chu Trinh (xã Ea Păl). |
Cùng với công tác chỉ đạo, huyện Ea Kar đặc biệt quan tâm huy động các nguồn lực, nhất là xã hội hóa việc đầu tư, hỗ trợ xây dựng bể bơi cho các trường học. Qua đó, 8 xã của huyện gồm: Cư Huê, Ea Kmút, Cư Ni, Ea Đar, Ea Sô, Ea Păl, Cư Prông, Cư Bông đã được chọn triển khai Dự án “Hỗ trợ triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em Việt Nam” do Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu, Hoa Kỳ (GHAI) tài trợ.
Dự án đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho giáo viên, học sinh, trẻ em và phụ huynh thuộc các xã kể trên; tổ chức các lớp dạy bơi cho gần 1.000 học sinh; hỗ trợ xây dựng bể bơi cho các trường học.
Bên cạnh đó, UBND huyện đã kết nối với Quỹ cộng đồng Phòng tránh thiên tai TP. Đà Nẵng hỗ trợ kinh phí xây dựng bể bơi với đầy đủ các thiết bị xử lý nước, hệ thống cấp điện chiếu sáng, cấp thoát nước, hệ thống chống sét, khung sàn và nhà vòm bảo vệ cho các trường học. Để hoàn thiện các công trình này, ngoài nguồn vốn tài trợ trung bình 600 triệu đồng/công trình, UBND huyện Ea Kar đều đối ứng thêm vốn từ nguồn ngân sách huyện từ 150 - 300 triệu đồng/công trình.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Kar Trần Đức Lương cho biết: Từ sự quan tâm, chỉ đạo của UBND huyện, sự vào cuộc tích cực của các phòng, ban chức năng trong công tác xã hội hóa, đến nay, huyện Ea Kar đã có 11 trường Tiểu học và THCS được đầu tư xây dựng bể bơi. Nhờ đó, học sinh ở nhiều địa bàn, nhất là vùng sâu, vùng xa đã từng bước được phổ cập bơi lội chứ không còn phải học kỹ năng trên giấy như trước.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc