Cuộc sống mới của phụ nữ ở buôn Sút H’Luôt
Nhờ có việc làm và thu nhập ổn định, những người phụ nữ Êđê ở buôn Sút H’Luôt (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar) đang dần tự tin, tự chủ hơn trong cuộc sống của mình.
Sinh năm 1989, chị H’Mứt Êban là chị đầu của hai người em và cũng là con gái duy nhất trong gia đình. Chính vì vậy, vợ chồng chị có bổn phận phải ở cùng và chăm lo cho cha mẹ lúc tuổi già. Kinh tế gia đình chỉ dựa vào 5 sào rẫy cà phê, thu nhập không đáng kể nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Nhiều lúc chị cũng đánh liều bàn với chồng đi vào các tỉnh thành phía Nam tìm công việc nhưng chồng chị không tán thành vì sợ cha mẹ già và hai con nhỏ không ai chăm sóc.
Cuối năm 2021, chị tình cờ biết được thông tin Công ty Cổ phần Ban Mê Greenfarm tại Cụm công nghiệp Tân An (TP. Buôn Ma Thuột) tuyển dụng lao động phổ thông nên làm hồ sơ xin ứng tuyển và được bố trí công việc sơ chế, chế biến trái cây phục vụ các đơn hàng xuất khẩu.
Chị chia sẻ, so với làm nông, công việc tại công ty có phần nhẹ nhàng hơn, khung giờ và địa điểm làm việc cố định nên chị vừa có thể quán xuyến tốt công việc hằng ngày của gia đình, vừa có được thu nhập ổn định. Chị còn thêm phần yên tâm khi được công ty tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo các quyền lợi sau này.
Bình quân mỗi tháng, chị H’Mứt nhận lương hơn 5 triệu đồng, có tháng hơn 8 triệu đồng, kinh tế gia đình không còn quá chật vật như trước. Chị cũng quan tâm hơn đến chế độ dinh dưỡng, việc học hành của hai con đang tuổi ăn tuổi lớn và lo khám chữa bệnh cho cha mẹ.
Chị H’Măng Byă trong ca làm việc tại Công ty TNHH May mặc Lực Thiêm Đắk Lắk. |
Còn chị H’Măng Byă (SN 1991), tìm được việc làm có thu nhập ổn định đã giúp cuộc sống gia đình thoát dần khỏi vòng luẩn quẩn của nghèo đói. Trước khi lập gia đình, chị cũng từng học nghề may ở Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên. Thế nhưng, từ khi lấy chồng, có con, kinh tế gia đình chị chỉ dựa vào 2 sào rẫy được cha mẹ chia cho và làm thuê đắp đổi qua ngày. Khó khăn nhất phải nhắc đến các đợt giãn cách xã hội, cả hai vợ chồng không có việc làm, nhiều lúc gia đình chị hết sạch cả gạo ăn, phải đi mượn nhờ họ hàng xung quanh.
Thấy nhiều chị em trong buôn tìm được việc làm tại Cụm công nghiệp Tân An, chị đã mạnh dạn đi xin việc làm. Chị H’Măng tâm sự, ban đầu chị cũng khá áp lực khi làm việc trong môi trường tập thể, phải tuân thủ nhiều quy trình lao động. Nhưng sau một khoảng thời gian thử việc, chị đã bắt đầu quen với máy móc, làm việc thành thạo hơn. Đến nay, chị đã bước vào tháng thử việc thứ ba tại Công ty TNHH May mặc Lực Thiêm Đắk Lắk với mức lương gần 5 triệu đồng/tháng.
Buôn trưởng H’Đàn Niê cho biết: Buôn Sút H’Luôt hiện có 253 hộ với gần 1.600 nhân khẩu, 18% là hộ nghèo và cận nghèo. Phần lớn lao động nữ tại buôn khi lập gia đình thường không muốn đi làm xa do không được chồng ủng hộ, phải gánh vác trọng trách chăm lo cho gia đình. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, Ban tự quản buôn đã phối hợp cùng các đoàn thể thường xuyên tuyên truyền, giải thích, giúp lao động nữ chủ động tìm cơ hội làm việc ở các doanh nghiệp ngay tại địa phương và các vùng lân cận để họ có thể làm trọn hai vai, vừa chăm lo tốt cho gia đình, vừa có nguồn thu nhập ổn định, phát triển bản thân, cải thiện cuộc sống. Từ những người đầu tiên xin được việc làm trong các nhà máy, xưởng sản xuất sau khi dịch bệnh được kiểm soát, đến nay đã có hơn 50 phụ nữ tại buôn đang có việc làm và thu nhập ổn định tại các cơ sở.
Đinh Nga
Ý kiến bạn đọc