Multimedia Đọc Báo in

Huyện Lắk: Nguy cơ sạt lở đe dọa tính mạng người dân

08:17, 01/08/2022

Vụ sạt lở khiến 1 căn nhà bị sập, 4 người bị thương nặng trên địa bàn xã Buôn Tría, huyện Lắk vào trung tuần tháng 7 vừa qua là hồi chuông cảnh báo về nguy cơ mất an toàn đối với các hộ dân có nhà cạnh các chân đồi tại địa phương trong mùa mưa lũ.

Với đặc thù 85% là đất lâm nghiệp nên một số người dân trên địa bàn huyện Lắk xây dựng nhà cửa cạnh các chân đồi. Mỗi mùa mưa lũ đến họ đều sống trong sự bất an vì sạt lở có thể ập đến bất cứ lúc nào.

Hiểm họa rình rập

Tối 15/7/2022, tại thôn Liên Kết 1, xã Buôn Tría, huyện Lắk xảy ra 1 vụ sạt lở đất, khiến căn nhà của hộ bà Trần Thị Liễu bị vùi lấp hoàn toàn, 4 người trong gia đình bị thương nặng phải đưa đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cấp cứu. Sau hơn 10 ngày xảy ra sự cố sạt lở đất tại địa bàn, người dân vẫn chưa hết bàng hoàng. Chị Nguyễn Thị Ngọc Anh, có nhà cạnh gia đình bà Liễu kể lại, khoảng 23 giờ tối 15/7, đang ngủ chị bỗng nghe một tiếng rầm lớn, lúc đó nghĩ rằng bồn nước của nhà mình bị đổ nên cầm đèn pin ra xem. Khi mở cửa ra thì thấy nhà bà Liễu bị sập, vùi lấp trong đống đất đá, mọi người đang nỗ lực để đưa bà Liễu và các con đi cấp cứu. Từ tối đó, gia đình chị và một số hộ có nhà gần vị trí sạt lở đều phải di chuyển đến nhà người thân để ở tạm.

Một vị trí sạt lở tại xã Buôn Triết, huyện Lắk.

Chủ tịch UBND xã Buôn Tría Nguyễn Trọng Biết cho hay, ngay trong tối 15/7 khi nhận được thông tin gia đình bà Liễu bị thương, địa phương đã huy động lực lượng đưa các thành viên đi cấp cứu kịp thời. Sáng 16/7, địa phương đã huy động lực lượng 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, con người tại chỗ) tiến hành dọn dẹp hiện trường, thu gom tài sản, di dời các hộ dân sống liền kề đến nơi ở an toàn. Đồng thời thăm hỏi, động viên và hỗ trợ gia đình bà Liễu, báo cáo vụ việc với UBND huyện, làm thủ tục hồ sơ hỗ trợ theo quy định.

Theo thống kê, toàn xã Buôn Tría có trên 17 vị trí có nguy cơ sạt lở cao, tập trung chủ yếu ở các thôn: Liên Kết 1, Liên Kết 3, Hưng Giang, Đông Giang 1, Đông Giang 2 và thôn Buôn Tría. Trong đó, thôn Liên Kết 1, xã Buôn Tría có 4 hộ dân (gồm nhà bà Liễu và 3 hộ liền kề) làm nhà sát chân đồi – trong diện nguy cơ sạt lở rất cao, việc di dời là hết sức cần thiết.

Tương tự, tại xã Buôn Triết cũng có 6 khu vực, khoảng 13 hộ dân trong vùng xung yếu. Thực tế vào mùa mưa lũ hằng năm, một số vị trí này đã bị sạt lở, may mắn không gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Đơn cử như đợt mưa lớn kéo dài vào giữa tháng 7 vừa qua, tại xã Buôn Triết đã xảy ra sạt lở đất khu vực hộ bà Nguyễn Thị Hạnh (buôn Tung 3) và hộ ông Y Nhân Bkrông (buôn Ja Tu). Trong đó, hộ ông Y Nhân có mái nhà bị ảnh hưởng do cây đổ đè lên mái tôn, địa phương đã kịp thời hỗ trợ kinh phí khắc phục.

Giải pháp an toàn cho người dân vùng nguy cơ

Là một trong những địa phương có nguy cơ sạt lở cao, ông Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch UBND xã Buôn Triết thông tin, hầu hết đồi trên địa bàn là đồi đất nên biện pháp trước mắt địa phương cũng chỉ khơi thông rãnh nước để hạn chế nước đọng dẫn đến gây sạt lở. Thực tế hiện nay địa phương rất khó khăn về quỹ đất để bố trí giãn dân nên cần nguồn ngân sách hỗ trợ để hạ thấp mái dốc của đồi vừa hiệu quả nhanh, vừa tránh được thiệt hại khi thiên tai xảy ra.

Máy hạ thấp chân đồi tại khu vực sạt lở ở thôn Liên Kết 1, xã Buôn Tría, huyện Lắk.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Lắk Nay Y Phú cho biết, sau sự việc xảy ra vụ sạt lở đất ở xã Buôn Tría, huyện đã chỉ đạo UBND xã Buôn Tría và các tổ chức đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động các gia đình ở vùng nguy cơ di dời đến nơi an toàn. Trước mắt, vận động người thân, họ hàng và tận dụng các nhà văn hóa thôn để các hộ dân có nơi ở tạm trong mùa mưa lũ. Về phía UBND huyện sẽ cân đối một phần kinh phí để hạ thấp khu vực sườn đồi nhằm bảo đảm an toàn cho các hộ dân. Tuy nhiên, do kinh phí của huyện hạn chế, về lâu dài huyện đề nghị UBND tỉnh bố trí thêm để kè mái ta-luy ở khu vực có nguy cơ sạt lở, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi thiên tai xảy ra.

Cùng với đó, UBND huyện cũng chỉ đạo UBND các xã Buôn Tría, Buôn Triết tiếp tục rà soát, thống kê các vị trí xung yếu nhằm cảnh báo cho người dân biết, chủ động di dời về nơi an toàn trong mùa mưa lũ. Đồng thời, chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn, thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ khi có sự cố bão lũ xảy ra. Mặt khác, UBND các xã căn cứ vào quỹ đất của địa phương để đề xuất phương án bố trí giãn dân, đặc biệt ưu tiên cho các hộ dân sống ven chân đồi.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.