Ngừa đuối nước trẻ em: Bắt đầu từ người lớn
Dịp hè, số lượng trẻ em bị đuối nước trên cả nước vẫn không ngừng tăng. Thực trạng này đã được cảnh báo nhiều lần nhưng nỗi đau đuối nước vẫn âm ỉ tái diễn.
Theo thống kê, mỗi năm, tình trạng đuối nước đã cướp đi sinh mạng của 360.000 người trên toàn thế giới. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển. Ước tính trung bình, cả nước có trên 2.000 trẻ em tử vong mỗi năm.
Hướng dẫn các động tác bơi và kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ. |
Là một trong những địa phương thường xuyên xảy ra tai nạn đuối nước, tại Đắk Lắk, số trẻ em tử vong do ngạt nước không ngừng tăng. Đơn cử, từ đầu năm đến nay đã xảy ra hàng chục vụ, với hàng chục trẻ em đuối nước. Đau đớn hơn, nhiều gia đình bất ngờ mất một lúc hai, ba đứa con thơ, khiến nỗi mất mát, ám ảnh thêm kéo dài cả cuộc đời của họ. Mới đây nhất, ngày 3/8/2022, hai chị em họ ở xã Hòa An (huyện Krông Pắc) theo bà ngoại đi cắt cỏ cho bò, rồi không may trượt chân rớt xuống hồ và tử vong tại chỗ…
Trước thực trạng báo động này, nhiều biện pháp tăng cường bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã được triển khai. Mới đây, đầu tháng 5/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Về phía tỉnh, các ngành, các tổ chức, đoàn thể đã triển khai sôi nổi chương trình, hoạt động nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ em, nhất là kỹ năng phòng, chống đuối nước dịp hè. Nhưng liệu như vậy đã đủ?
Trong vô vàn cuộc nói chuyện liên quan đến các tình huống đuối nước, nhiều phụ huynh khẳng định có phần lỗi rất lớn của chính mình. Do mải mê làm ăn, nhiều cha mẹ đã gửi con cho ông bà, người thân trông coi, thậm chí để con ở nhà một mình, tự “bơi” trước nhiều mối nguy rình rập. Thiếu kiến thức phòng, chống đuối nước, thiếu thực hành làm gương, một số phụ huynh dẫu tham gia cùng con nhưng lại chểnh mảng, thiếu giám sát việc trẻ khi xuống sông suối, hồ ao, kênh rạch. Cho con học bơi, nhưng phụ huynh cũng cần hoàn thiện kỹ năng bơi lội, cứu hộ của mình để phòng ngừa những bất trắc xảy ra. Nhưng thật tiếc khi nhiều người còn bảo thủ, chủ quan cho rằng chỉ cần cho con đi học và biết bơi là đủ…
Trẻ em trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột tham gia học bơi. |
Thầy Trần Đình Hiệu (giáo viên Trường THPT Trần Đại Nghĩa, huyện Buôn Đôn), người có thâm niên hơn 10 năm dạy bơi khẳng định, biết bơi rất tốt, nhưng đừng quên rèn kỹ năng phòng, chống đuối nước trong mọi hoàn cảnh, môi trường. Dù biết bơi, nếu gặp phải nước xiết, quá sâu, hoặc bị chuột rút, căng cơ nếu không biết cách cũng rất dễ bị chìm dưới nước. Quá trình học, trẻ cần được rèn bơi kỹ năng bơi bền, không đeo kính bơi, kỹ năng sống ở độ sâu trên 2 m (đứng nước, nằm ngửa, bơi vào bờ), kỹ năng cứu người bị đuối nước...
Có một thực tế, phụ huynh rất yên tâm khi con mình biết bơi và cả trẻ em vị thành niên cũng rất chủ quan khi ứng cứu các trường hợp bị đuối. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, để cứu được người khác, người biết bơi phải thực sự bình tĩnh, chuẩn bị đầy đủ các phương án, cách ứng cứu phù hợp, bởi bất trắc dưới nước vẫn thường bất ngờ rình rập mạng sống con người.
Song Quỳnh
Ý kiến bạn đọc