Chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm học
Bước vào năm học mới, các khoản thu ở các cơ sở giáo dục lại được xã hội quan tâm. Để làm rõ về những khoản thu và trách nhiệm của người liên quan, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có buổi phỏng vấn Giám đốc Sở GD-ĐT PHẠM ĐĂNG KHOA về vấn đề này.
Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa. |
* Thưa ông, học sinh đang bước vào những tuần đầu tiên của năm học mới 2022 - 2023, việc thực hiện các khoản thu đầu năm lại "nóng lên" sau mỗi buổi họp phụ huynh. Xin ông nói rõ về những khoản đầu năm học mà nhà trường được phép thu?
Để quán triệt về công tác thu chi của năm học tại các cơ sở giáo dục, Sở GD-ĐT đã ban hành Văn bản số 1364/SGDĐT-KHTC ngày 25/8/2022 về việc hướng dẫn thực hiện các khoản thu và chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh năm học 2022 - 2023 . Theo đó, các cơ sở giáo dục được phép thu những khoản thu theo quy định của Nhà nước (học phí; lệ phí tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp; dạy thêm, học thêm; thu tiền lệ phí giữ xe; bảo hiểm y tế học sinh) và các khoản thu khác (khoản thu của các tổ chức hội, đoàn thể trong nhà trường như: kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh; quỹ Đoàn, Hội, Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh).
Cùng với đó là các khoản thu tự nguyện phục vụ trực tiếp cho học sinh (bảo hiểm thân thể học sinh; tiền nước uống tinh khiết; mua ghế ngồi ở sân trường cho học sinh đầu cấp, bảng tên, đồng phục; tiền thuê dọn vệ sinh); Các khoản thu thỏa thuận với cha mẹ học sinh, thu các khoản tài trợ (nếu có).
* Khoản thu thỏa thuận là gì và việc thỏa thuận đó như thế nào, thưa ông?
Thu chi phục vụ bán trú và dạy học 2 buổi/ngày đối với các cơ sở giáo dục mầm non có tổ chức cho học sinh ăn bán trú. Nhà trường phải xây dựng kế hoạch, lập dự toán thu, chi đảm bảo nguyên tắc thu đủ bù chi, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; trao đổi thống nhất với cha mẹ học sinh và thỏa thuận (bằng văn bản) tại cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp, trường.
Riêng cơ sở giáo dục mầm non ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng khó khăn, kinh phí thuê người nấu ăn cho trẻ do ngân sách chi theo Nghị định 105/2020/NĐ-CP ngày 8/9/2020 của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non.
Đối với các cơ sở giáo dục tiểu học thì không thu tiền dạy học 2 buổi/ngày của học sinh để chi trả tiền dạy cho giáo viên ở các lớp thực hiện đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018; các trường tiểu học bảo đảm số giáo viên theo tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp.
Phụ huynh và học sinh tìm mua sách giáo khoa tại một nhà sách trên đường Lê Duẩn, TP. Buôn Ma Thuột. |
Thu tiền dạy học ngoại ngữ, tin học đối với các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học (lớp 1, 2) để học sinh được làm quen với ngoại ngữ và tiếp cận giáo dục tin học. Khi tổ chức phải đảm bảo sự tự nguyện của học sinh và sự đồng thuận của cha mẹ học sinh; có giải pháp, kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp cho học sinh không đăng ký học. Các cơ sở giáo dục lập dự toán thu, chi tài chính trên tinh thần thỏa thuận với phụ huynh học sinh, đảm bảo nguyên tắc thu đủ chi; thu dãn ra; thu sát với điều kiện thực tế địa phương…
* Trường hợp thực hiện các khoản thu đầu năm học 2022 - 2023 không đúng quy định sẽ chịu trách nhiệm thế nào, thưa ông?
Năm học 2022 - 2023 là năm học khó khăn của cả giáo viên, học sinh và phụ huynh bởi đời sống kinh tế của nhiều gia đình gặp khó do "tác động kép" của các làn sóng dịch bệnh COVID-19. Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 12/2022/NQ-HĐND ngày 24/8/2022 quy định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh, theo đó giữ nguyên mức thu học phí cũ, không tăng mức thu học phí mới theo Nghị định 81 hiện hành.
Đồng thời ban hành Công văn số 1364/SGDĐT-KHTC để phân cấp rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan khi thực hiện các khoản thu đầu năm học. Qua đó, Sở GD-ĐT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục phối hợp chỉ đạo việc chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn; tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát các khoản thu ngoài ngân sách nhà nước, đồng thời có hình thức xử lý nghiêm đối với đơn vị, cá nhân thực hiện trái quy định. Các phòng GD-ĐT quán triệt và tổ chức kiểm tra việc thực hiện thu tại các cơ sở giáo dục trực thuộc trong những tháng đầu năm học để chấn chỉnh kịp thời những sai phạm (nếu có). Sở GD-ĐT xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra thực hiện các khoản thu, chi hằng năm nhằm chấn chỉnh các khoản thu trái quy định. Khi phát hiện có sai phạm trong thu, chi thì kiên quyết xử lý đối với cá nhân, tổ chức vi phạm (lập biên bản sai phạm; căn cứ các quy định hiện hành để đề nghị xử lý kỷ luật đối với tập thể, cá nhân theo quy định).
* Xin cảm ơn ông!
Thanh Hường (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc