Nghề đan lát của người Thái Bình trên đất Tây Nguyên
Đến vùng đất Tây Nguyên hàng chục năm nay, nhưng một số người dân quê gốc ở tỉnh Thái Bình hiện đang sinh sống tại xã Buôn Tría (huyện Lắk) vẫn gắn bó và níu giữ chút hồn quê mộc mạc qua sản phẩm mây tre đan. Nghề đan lát đã và đang đem lại nguồn thu nhập ổn định cho họ ở quê hương mới.
Bén duyên với nghề đan lát từ lúc 7 tuổi, đến nay chị Nguyễn Thị Ngọc Anh quê ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, nay trú thôn Liên Kết 1, xã Buôn Tría đã có hơn 30 năm kinh nghiệm với nghề đan lát. Nghề này đã và đang đưa lại nguồn thu nhập khá ổn định cho gia đình chị. Nói về nghề, chị Ngọc Anh chia sẻ, khi còn nhỏ chị hay sang nhà bác dâu chơi, xem bác đan rổ, đan nia chị thấy rất thích thú. Để học đan, chị đã lượm lặt các nan bị hỏng, nan ngắn bác bỏ ra rồi nhìn cách luồn nan và làm theo. Cùng với sự trợ giúp của bác dâu, chị cũng có những sản phẩm rổ tre đầu tiên, dù không đẹp mắt nhưng cũng tạm dùng được. Niềm đam mê ngày càng lớn dần và chị theo nghề đến tận bây giờ.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Anh (thôn Liên Kết 1, xã Buôn Tría, huyện Lắk) đan nia để kịp giao cho bạn hàng ở tỉnh Lâm Đồng. |
Vừa trò chuyện, vừa thoăn thắt luồn từng sợi nan để hoàn thành sản phẩm nia lồ ô cho khách hàng tại tỉnh Lâm Đồng, chị Ngọc Anh bảo, nhìn đơn giản thế này thôi chứ để hoàn thiện một chiếc rổ, chiếc nia là cả một quá trình. Để có những cây lồ ô thẳng tắp, lóng dài, vợ chồng chị phải vào khu rừng cách nhà 30 km để tìm và phải lựa chọn cây không quá già mà cũng không quá non để nan, lạt có độ dẻo, độ bền, sản phẩm làm ra sẽ sử dụng được lâu năm. Khâu chẻ nan cũng phải thật tỉ mỉ, tất cả các nan phải đều nhau tránh nan dày, nan mỏng khi sản phẩm hoàn thiện sẽ không có thẩm mỹ. Hiện nay, giá bán rổ là 120.000 đồng/chiếc, nia giá 140.000 đồng/chiếc, trung bình mỗi tháng chị thu về khoảng 8 triệu đồng đủ để trang trải cuộc sống và nuôi hai con ăn học.
Tại thôn Liên Kết 3, dù đã bước qua tuổi 46, chị Nguyễn Thị Phượng cũng không “dứt” được với nghề đan lát. Biết đan từ năm 12 tuổi nhờ học nghề từ bà ngoại khi còn ở tỉnh Thái Bình, đến nay đã 34 năm gắn bó với nghề, chị không thể nhớ mình đã làm ra bao nhiêu sản phẩm rổ, nia từ mây, nứa, lồ ô. Chị bộc bạch, từ khi gia đình chị vào sinh sống tại xã Buôn Tría, đất đai ít, lại có chút vốn với nghề đan lát nên lớn lên chị quyết định theo nghề cho đến tận bây giờ. Cái nghề này không mang lại giàu sang, nhưng đổi lại cho chị một nguồn thu nhập ổn định. Công đoạn vất vả nhất để hình thành một sản phẩm mây tre đan đối với chị đó là khâu đi lấy nguyên liệu. Nhà neo người, chị phải một thân một mình đi vào rừng chặt nứa, lồ ô. Vất vả, nguy hiểm vậy nên nhiều khi chị cũng muốn bỏ nghề để tìm một công việc khác phù hợp với tuổi tác, sức khỏe của mình hơn, nhưng "máu nghề" đã ngấm vào người nên không sao bỏ được. Những dịp hè hay ngày nghỉ cuối tuần, mỗi lần vào rừng tìm nguyên liệu, chị phải nhờ mấy đứa cháu đi cùng cho vui, lỡ sa chân còn có người hỗ trợ. Lấy lồ ô về, chị tự tay chẻ nan, lạt, tự đan ra thành phẩm, lúc nào mệt thì nghỉ, lúc hàng nhiều thì thuê thêm người làm theo các công đoạn.
Chị Nguyễn Thị Phượng (thôn Liên Kết 3, xã Buôn Tría, huyện Lắk) giới thiệu các công đoạn để hoàn thành một chiếc nia bằng lồ ô. |
Để khoe về những thành quả của mình, chị Phượng lấy ra một chiếc nia đang gác bếp có màu nâu sẫm, chị bảo để có những chiếc nia màu đẹp, chắc chắn, bền màu, ngăn được mối mọt thì sau khi hoàn thiện phải gác bếp từ 7 - 10 ngày. Tất cả sản phẩm chị làm ra đều nhập cho lái buôn trong huyện, sau đó họ vận chuyển đi tỉnh Lâm Đồng bán cho các điểm, khu du lịch.
Bà Phạm Thị Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Buôn Tría cho hay, hiện nay trên địa bàn xã có khoảng 12 người theo nghề đan lát, chủ yếu là người từ huyện Hưng Hà, Đông Hưng thuộc tỉnh Thái Bình vào đây sinh sống. Trong số đó, phần lớn người biết đan lát từ khi còn ở tỉnh Thái Bình, sau vào Đắk Lắk lập nghiệp vẫn lưu giữ, gắn bó với nghề. Các sản phẩm mây tre của người dân trên địa bàn xã Buôn Tría hầu hết là những vật dụng gắn với hoạt động sản xuất lúa gạo và gùi để bán cho các điểm du lịch tại huyện Lắk và tỉnh Lâm Đồng.
Không chỉ ở xã Buôn Tría, tại một số địa bàn ở huyện Lắk như xã Đắk Phơi, Yang Tao vẫn còn một số người dân còn gắn bó với nghề đan lát. Các sản phẩm bằng tre, nứa mà họ làm ra đều gắn liền với sinh hoạt, sản xuất và nét truyền thống của quê hương nơi họ sinh ra, lớn lên. Với cuộc sống hiện đại ngày nay, việc phát triển mạnh của các sản phẩm từ nhựa có giá thành rẻ khiến mặt hàng mây tre đan khó cạnh tranh với thị trường nên những người gắn bó với nghề chủ yếu người lớn tuổi. Vì vậy, câu chuyện lưu giữ nghề đan lát vẫn là điều băn khoăn của nhiều thợ nghề lớn tuổi ở địa phương này.
Phạm Hoàng
Ý kiến bạn đọc