Multimedia Đọc Báo in

Những khó khăn trong thực hiện cải cách hành chính ở Cư Drăm

09:08, 14/09/2022

Cải cách hành chính (CCHC) được xem là một trong những nhiệm vụ, giải pháp tạo sự chuyển biến, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tại xã vùng sâu Cư Drăm (huyện Krông Bông) việc triển khai thực hiện CCHC còn gặp nhiều khó khăn.

Cư Drăm là một xã vùng III, có hơn 2.100 hộ dân với trên 10.200 nhân khẩu, trong đó hơn 75% là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) còn gặp nhiều hạn chế.

Mặc dù lãnh đạo UBND xã thường xuyên quan tâm chỉ đạo việc triển khai thực hiện cơ chế một cửa, tăng cường trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu cơ quan hành chính trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện, lựa chọn, bố trí cán bộ, công chức; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao hiểu biết của cán bộ, công chức và người dân về cơ chế một cửa... nhưng công tác CCHC của địa phương vẫn còn nhiều vướng mắc. Các TTHC hiện nay đang trong giai đoạn rà soát, thường xuyên có sự thay đổi đã gây ra những khó khăn nhất định trong quá trình giải quyết.

Đặc biệt là nhận thức trong nhân dân về CCHC còn nhiều hạn chế, một bộ phận người dân vì tâm lý nóng vội muốn được giải quyết nhanh chóng các TTHC nên cố tình hiểu sai quy trình giải quyết, đưa ra thông tin sai lệch gây khó khăn cho việc giải quyết của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa của UBND xã Cư Drăm.

Mặc dù chỉ đến làm Giấy xác nhận đăng ký kết hôn nhưng vợ chồng anh Sùng A Hà (trú thôn Cư Dhiắt, xã Cư Drăm) phải đợi hơn một tuần mới xử lý xong. Anh Hà cho hay, do anh lấy vợ ở khác xã nên phải xin giấy xác nhận từ địa phương nơi vợ sinh sống rồi mang về tại UBND xã mới được giải quyết. Cách đây một tuần, anh với vợ cùng nhau đến UBND xã Cư Drăm để đăng ký kết hôn. Lúc đầu do không hiểu vấn đề và nguyên nhân chậm trễ nên anh có đôi co với cán bộ địa phương, nhưng sau khoảng 30 phút được hướng dẫn, anh đã hiểu và thực hiện theo.

Theo ông Nguyễn Công Tân, cán bộ tư pháp xã, địa phương là vùng trung tâm của các xã vùng sâu nên người dân đến giải quyết TTHC với số lượng tương đối đông. Hiện nay, Chính phủ đang thực hiện CCHC cấp độ 3, cấp độ 4, tuy nhiên người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, biết nói và viết tiếng phổ thông rất ít dẫn đến nhiều hạn chế trong thực hiện. Bà con có trình độ dân trí thấp, đa số không có khả năng tiếp cận thông tin cũng như ứng dụng công nghệ khiến việc giải quyết các TTHC chậm.

“Bởi vậy không chỉ có trường hợp của anh Sùng A Hà mà còn nhiều trường hợp khác hỏi đến 3 - 4 lần cái gì cũng không biết, đa số phải điểm chỉ bằng tay vì không biết chữ. Vì vậy, mặc dù làm việc theo giờ hành chính nhưng tôi thường xuyên phải đến sớm và về muộn hơn khoảng 2 tiếng. Có những ngày, giờ làm việc của tôi phải bắt đầu 6 giờ sáng, kết thúc lúc 18 giờ tối mới có thể hoàn thành xong công việc”, anh Tân chia sẻ thêm.

Ngoài ra, mặc dù Bộ phận một cửa đã được đầu tư xây dựng nhưng còn chật hẹp, gây khó khăn trong giải quyết các thủ tục, việc tiếp nhận phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức về TTHC còn thụ động. Trong khi đó, máy móc làm việc thiếu thốn, lạc hậu, có những máy tính trên 20 năm tuổi; một số hệ thống phần mềm chưa được tích hợp liên thông khiến cán bộ, công chức khó khăn trong việc khai thác, sử dụng. Các cán bộ phải mất nhiều thời gian để nhập cùng một thông tin lên các hệ thống khác nhau, chẳng hạn như công chức Tư pháp hộ tịch xã phải nhập các thông tin khi người dân đến làm thủ tục hộ tịch cùng một lúc lên sổ hổ tịch, phần mềm hộ tịch và phần mềm iGate.

Cán bộ Bộ phận một cửa của UBND xã Cư Drăm hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính.

Ông Trịnh Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Cư Drăm cho biết, để khắc phục những khó khăn trên, trong thời gian tới, UBND xã sẽ tăng cường chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện CCHC một cách đồng bộ, thống nhất. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về CCHC nhằm tăng cường sự tham gia của người dân đối với công tác này, góp phần cùng với chính quyền thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ về CCHC. Bên cạnh đó, địa phương cũng kiến nghị UBND huyện quan tâm đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TTHC, cũng như cán bộ công chức phụ trách công tác CCHC. Đồng thời, đề xuất UBND huyện quan tâm đầu tư kinh phí, trang bị phòng làm việc một cửa hiện đại, đáp ứng được nhu cầu của công tác tiếp nhận và trả kết quả theo đúng quy định.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.