Multimedia Đọc Báo in

Dân di cư tự do - câu chuyện bao giờ chấm dứt? (kỳ 2)

08:04, 27/10/2022

Kỳ 2: Giúp dân an cư, lạc nghiệp

Thời gian qua, các dự án bố trí, sắp xếp, ổn định dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh đã góp phần ổn định chính trị, xã hội tại các địa phương, tạo điều kiện cho người dân yên tâm định cư trên vùng đất mới, gắn với vùng sản xuất của dự án.

Dấu ấn từ những dự án ổn định dân cư

Đến thời điểm này, huyện Ea Súp có 1.261 hộ, 5.834 khẩu dân di cư tự do vào địa bàn. Cụ thể, xã Cư M’lan: 667 hộ, 3.038 khẩu; xã Ea Lê: 174 hộ, 835 khẩu; xã Ea Rốk: 43 hộ, 211 khẩu; xã Cư Kbang: 372 hộ, 1.750 khẩu.

Thời gian qua, trên địa bàn huyện đã triển khai nhiều dự án đầu tư bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do. Nổi bật như, Dự án mở rộng sắp xếp tiếp nhận 400 hộ kinh tế mới tại xã Cư Kbang có tổng mức đầu tư ban đầu 33,7 tỷ đồng và được điều chỉnh lên 70,9 tỷ đồng (trong đó, ngân sách Trung ương 49,6 tỷ đồng, ngân sách địa phương 21,3 tỷ đồng) triển khai tại 4 tiểu khu, với diện tích 3.400 ha. Đến nay, dự án đã được bố trí gần 57 tỷ đồng, sắp xếp, tiếp nhận 714 hộ với 3.632 khẩu.

Dự án quy hoạch ổn định dân cư xã Ia Jlơi, với mục tiêu bố trí sắp xếp khoảng 600 - 800 hộ dân, với 3.250 khẩu, trên diện tích 2.000 ha, tổng nguồn vốn đầu tư gần 52 tỷ đồng (trong đó, vốn đầu tư phát triển hơn 46 tỷ đồng; vốn sự nghiệp và ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu 5,6 tỷ đồng). Địa phương đã tiếp nhận 185 hộ, 656 khẩu của xã Ia Jlơi, trong đó, bố trí ổn định tập trung cho 12 hộ, 38 khẩu thuộc đối tượng nằm trong vùng thiên tai; ổn định tập trung cho 173 hộ, 618 khẩu thuộc đối tượng giãn dân tách hộ ở vùng đặc biệt khó khăn. Có 167 hộ, 605 khẩu được bố trí đất ở với diện tích 480 – 500 m2. Người dân chưa được bố trí đất sản xuất do quỹ đất này chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Điện lưới quốc gia được Nhà nước đầu tư vào thôn Bình Lợi (xã Cư M'lan, huyện Ea Súp) từ năm 2018.

Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện Ea Súp còn có Dự án bố trí dân cư tại Tiểu khu 249 (xã Ea Lê), Tiểu khu 265 và Tiểu khu 271 (xã Cư M’lan). Mục tiêu của dự án là xây dựng phương án quy hoạch và hệ thống các giải pháp thực hiện bố trí, sắp xếp ổn định dân cư, khai thác có hiệu quả tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Dự án sắp xếp cho 597 hộ, với 2.820 khẩu, đã được phê duyệt từ năm 2009, nhưng đến nay chưa thực hiện được do các hộ dân tại Tiểu khu 249 không đồng thuận về vùng quy hoạch tại Tiểu khu 265, Tiểu khu 271 và người dân tại Tiểu khu 265, Tiểu khu 271 không chịu trả lại quỹ đất đang bao chiếm.

Theo ông Ngô Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp, việc thực hiện dự án ổn định, bố trí, sắp xếp dân cư cho các hộ dân di cư tự do theo quy hoạch đã hình thành các điểm, vùng bố trí ổn định dân cư tương đối tập trung theo địa giới hành chính của các xã. Trên cơ sở theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã hình thành nên hệ thống chính trị cơ sở (tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể, thôn, xóm), góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tạo nhiều chuyển biến mới về bộ mặt nông thôn.

Tại huyện Krông Năng, Dự án ổn định đồng bào Mông hai thôn Giang Đông và Giang Thanh (xã Ea Dăh) có quy mô 300 hộ, gần 2.000 nhân khẩu. Dự án được triển khai từ năm 2019, với tổng mức đầu tư là 168 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn thực hiện. Công trình bao gồm các hạng mục: 4 đập dâng, đường điện, các tuyến đường nội thôn, đường trục chính của thôn, hội trường thôn, trường học, công trình nước...

Chủ tịch UBND xã Ea Dăh Lê Văn Hiến cho biết, bà con ở hai thôn này chủ yếu là người dân di cư từ các tỉnh phía Bắc vào những năm 1996 - 1997. Ở thôn Giang Đông có hơn 800 hộ, trong đó 99% là đồng bào Mông; tại thôn Giang Thanh có trên 600 hộ, chủ yếu là người Mường và Thái. Trước đây, người dân sống trên đất lâm nghiệp, trồng khoai, sắn, ngô, đậu, lúa nước. Khi triển khai thực hiện dự án, cán bộ và người dân ai cũng vui mừng vì an sinh xã hội đảm bảo về mọi mặt. Đặc biệt, sau khi dự án hoàn thành, chắc chắn người dân sẽ được chuyển đổi mục đích sử dụng đất để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo Trưởng thôn Giang Thanh Vi Văn Lanh, hiện thôn có 133 hộ với hơn 600 nhân khẩu, bà con chủ yếu là người Mường và Thái từ vùng Bùng Lói (nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, tỉnh Thanh Hóa) di cư vào. Từ thôn ra trung tâm xã khoảng gần 20 km, đường đất lầy lội vào mùa mưa và bụi bặm vào mùa nắng khiến người dân đi lại khó khăn, nông sản bán ra luôn thấp hơn hai giá. Vì vậy, từ ngày có dự án, bà con ai cũng đồng thuận cao, không đòi hỏi đền bù về cây trồng, công trình để mở rộng đường.

Dự án ổn định đồng bào Mông tại hai thôn Giang Đông và Giang Thanh (xã Ea Dăh, huyện Krông Năng) đang được hoàn thiện.

Cần thêm nguồn lực

Theo số liệu của UBND tỉnh, đến năm 2021, các cấp đã bố trí vốn cho 13 dự án sắp xếp, ổn định dân di cư tự do, tổng mức đầu tư hơn 677 tỷ đồng (trong đó, ngân sách Trung ương hơn 474 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 196 tỷ đồng, còn lại là các nguồn vốn khác). Hiện có 10 dự án đã hoàn thành, 3 dự án tại các xã Cư Kbang (huyện Ea Súp) và Krông Nô, Đắk Nuê (huyện Lắk) được chuyển tiếp sang giai đoạn 2021 – 2025. Cũng trong giai đoạn này, trên địa bàn tỉnh sẽ mở mới 3 dự án bố trí ổn định dân di cư tự do tại các xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc), Cư Pui (huyện Krông Bông) và Ea Dăh (huyện Krông Năng), với tổng số vốn 643,6 tỷ đồng.

 

Đối với các dự án bố trí dân di cư tự do, kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 là hơn 260 tỷ đồng (trong đó, ngân sách tỉnh 172,7 tỷ đồng và ngân sách Trung ương hơn 87 tỷ đồng).

Đến nay, toàn tỉnh có 4.800 hộ dân di cư tự do đã sắp xếp bố trí ổn định, 2.604 hộ được bố trí đất ở và đất sản xuất, với tổng diện tích 674 ha (trong đó có 66 ha đất ở và 608 ha đất sản xuất). Hiện nhu cầu đất ở và đất sản xuất cho các khu vực dân di cư tự do là 13.565 ha, diện tích này chủ yếu là xâm canh, lấn chiếm đất lâm nghiệp không còn rừng cần xem xét, chuyển đổi.

Do khó khăn về nguồn vốn, các dự án bố trí dân cư mới đáp ứng sắp xếp được khoảng 50% số hộ di cư tự do. Ngoài thiếu nguồn lực, các dự án bố trí dân cư chủ yếu thực hiện ở vùng sâu, vùng xa, bà con áp dụng sản xuất thâm canh còn hạn chế; chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ theo nông hộ, đa phần phụ thuộc tự nhiên, hầu hết còn khó khăn, chưa đủ điều kiện phát triển sản xuất; nguồn lao động tuy dồi dào nhưng chủ yếu sản xuất nông nghiệp, lao động qua đào tạo chiếm tỷ lệ thấp, về cơ bản chỉ dựa vào kinh nghiệm truyền thống.

Liên quan đến giải quyết các vấn đề xã hội và tình hình an ninh trật tự tại những khu vực bố trí dân di cư tự do, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã rà soát, thống kê để nắm số hộ, nhân khẩu đến địa phương chưa đăng ký thường trú, tạm trú để đăng ký, quản lý cư trú; thu thập, kiểm tra, phúc tra thông tin phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ngành công an và tư pháp đã phối hợp xác minh thông tin về nhân thân, lai lịch; quá trình cư trú đối với dân di cư tự do tại các xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar), Vụ Bổn (huyện Krông Pắc), Cư M’lan và Ea Lê (huyện Ea Súp) để giải quyết đăng ký hộ tịch, cư trú. Bên cạnh đó, công an các địa phương cũng thường xuyên triển khai các đợt vận động quần chúng tại những khu vực có dân di cư tự do. Bà con được tuyên truyền, phổ biến về chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch để nâng cao cảnh giác cho quần chúng nhân dân. Đồng thời, lồng ghép với công tác dân vận để bà con tham gia xây dựng đời sống văn hóa mới, ký cam kết thực hiện không di cư trái pháp luật; không buôn bán, vận chuyển vũ khí, ma túy; không chặt phá rừng, săn bắn động vật hoang dã…

(Còn nữa)

Kỳ cuối: Để không ai bị bỏ lại phía sau

Minh Thông – Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.