Multimedia Đọc Báo in

Giàu nghèo đâu cứ ở tài nguyên

09:14, 26/10/2022

Trên vùng hoang mạc cằn cỗi, một dân tộc Do Thái vẫn kiên cường xây dựng đất nước Israel; thường xuyên phải hứng chịu động đất và thiên tai, một Nhật Bản vẫn vươn mình mạnh mẽ thành cường quốc kinh tế; từ một đảo quốc nhỏ bé, Singapore vẫn đem đến sự giàu có, thịnh vượng cũng như vị thế to lớn cho người dân trên trường quốc tế. Vậy giàu nghèo có phải ở tài nguyên quyết định?

Thực tế chứng minh rằng tất cả những quốc gia nêu trên đều có chung đặc điểm là nghèo về nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhưng họ lại khai thác được tài nguyên lớn nhất chính là “con người”.

Nhật Bản là đất nước khan hiếm tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, “đất nước mặt trời mọc” vẫn phát triển với tốc độ thần kỳ, có nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới. Một trong những yếu tố góp phần làm nên sự lớn mạnh của đất nước Nhật Bản đó là con người. Giáo sư Kenji Cho, công tác tại Viện Đại học Kyushu Nhật Bản phân tích, Nhật Bản phát triển được như ngày hôm nay là do người Nhật có đặc tính được hun đúc từ nhỏ. Mỗi cá nhân được giáo dục rất cơ bản về đất nước của mình, phải phát huy tài nguyên con người, có trách nhiệm góp trí tuệ để phát triển đất nước. Trong trường học, người Nhật được dạy từ kỹ năng sống đến hiểu biết và ứng dụng những kiến thức đã học. Những đặc tính này đã trở thành thói quen, cách suy nghĩ, cách sống, cách làm việc của mỗi người.

Người Mông tại huyện Ea Súp có thu nhập cao nhờ dệt thổ cẩm. Ảnh: Thuận Huyền

Còn đối với Israel, đất nước có tổng diện tích hơn 22.000 km2, trong đó 3/4 diện tích là sa mạc, 1/4 là đồi núi, dân số chỉ khoảng 8,6 triệu người. Đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức, bất ổn và xung đột, nhưng Israel đã vươn lên mạnh mẽ, nổi tiếng toàn cầu về những thành tựu trong đổi mới và sáng tạo. “Quốc gia khởi nghiệp” là cụm từ chính xác để mô tả câu chuyện kinh tế thần kỳ của Israel. Theo thống kê của Start-up Nation Finder, với hơn 200 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, khoảng 1.100 - 1.380 doanh nghiệp khởi nghiệp ra đời hằng năm, các doanh nghiệp khởi nghiệp của Israel liên tục thu hút lượng vốn đầu tư khổng lồ từ trong và ngoài nước. Israel luôn đứng đầu thế giới về thu hút vốn đầu tư mạo hiểm trên đầu người và chỉ đứng sau Mỹ về số doanh nghiệp khởi nghiệp. Cựu Thủ tướng Shimon Peres khẳng định: “Ở Israel, một vùng đất thiếu tài nguyên thiên nhiên, lợi thế quốc gia lớn nhất của chúng tôi chính là trí tuệ con người”.

Tương tự, một đảo quốc hầu như không có tài nguyên thiên nhiên, Singapore đã có bước phát triển ngoạn mục trong hơn 50 năm qua, trở thành một trong những quốc gia có GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới. Các nhà nghiên cứu hàng đầu về Singapore nhận xét rằng, nhân tố chủ yếu của sự thành công ở đây chính là tri thức. Các chính sách về khai thác chất xám con người một cách hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực con người đã giúp quốc gia này trở nên giàu có và phồn thịnh.

Nhìn lại nước ta, một quốc gia được ví có “rừng vàng, biển bạc” nhưng sau bao nhiêu năm thu nhập bình quân đầu người vẫn thấp, đất nước vẫn nghèo so với thế giới. Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nhân lực tài của chúng ta đang tồn tại nhiều bất cập. Điều này đã khiến Việt Nam không những không khai thác tốt nguồn nhân lực giỏi mà còn bị tình trạng “chảy máu” chất xám ra nước ngoài.

Chính sách bồi dưỡng, thu hút nhân tài ở đâu, trong khi nhiều bạn trẻ tài năng du học nước ngoài và lựa chọn “bán chất xám”, không quay về quê hương? Trách nhiệm, niềm đam mê công việc đâu, khi số đông cán bộ, công chức viên chức 8 giờ sáng vẫn còn lảng vảng trong những quán cà phê; chiều chưa đến giờ tan tầm đã lê la vào các quán nhậu tới khuya... Không có tình yêu với công việc, nhưng nhiều người vẫn cứ thích vào làm trong cơ quan nhà nước, mặc dù lương thấp nhưng nhàn và ổn định. Rất hiếm người sẵn sàng bỏ một công việc không phù hợp để theo đuổi đam mê của mình.

Đồng bào M'nông thu hoạch lúa rẫy tại huyện Lắk. Ảnh: K. Huyền

Thái độ của con người được hình thành qua năm tháng bởi nền giáo dục và văn hóa. Theo nghiên cứu, tại những quốc gia giàu có họ tuân theo 9 nguyên tắc sống: đạo đức, tính chính trực, tinh thần trách nhiệm, tôn trọng các luật lệ và quy định, tôn trọng quyền của đa số công dân, tình yêu đối với công việc, nỗ lực tiết kiệm và đầu tư, mong muốn làm việc hiệu quả và tính đúng giờ. Bản thân mỗi người chúng ta hãy tự nhìn nhận xem mình có được bao nhiêu nguyên tắc sống đã kể trên?

Chung quy lại, tài nguyên lớn nhất không phải là “rừng vàng, biển bạc” mà là con người. Chú trọng xây dựng nền giáo dục vận hành theo kiến thức thực tế, có chính sách gìn giữ nhân tài, hình thành các văn hóa nền nếp sống trong mỗi người đó chính là những gì mà chúng ta cần để đất nước có một nền kinh tế hùng mạnh.

Minh Thuận - Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc