Multimedia Đọc Báo in

Duy trì và củng cố hệ giá trị gia đình trong xã hội hiện đại

08:35, 23/10/2022

Dựa trên những nghiên cứu khảo sát về giá trị gia đình, các nhà nghiên cứu hiện nay đang khuyến nghị 4 giá trị gia đình Việt Nam là an toàn, thịnh vượng, trách nhiệm và bình đẳng.

Giá trị an toàn rất quan trọng khi mà trong bối cảnh hiện nay, nhiều người cao tuổi ở Việt Nam đang sống dựa vào gia đình và tự hỗ trợ bản thân. Đồng thời, hiện tượng bạo hành gia đình ở Việt Nam cũng không phải là hiếm gặp.

Ở khía cạnh an sinh xã hội, các chỉ báo đo lường cho các biểu hiện của giá trị thịnh vượng như kiểu nhà ở, tiện nghi, thu nhập, chi tiêu… là những yếu tố đảm bảo thêm một lớp an sinh từ gia đình, tăng khả năng chống chịu rủi ro mang lại an toàn cho gia đình. Giá trị trách nhiệm được thể hiện trong các hoạt động gia đình như chăm sóc con, chăm sóc người lớn tuổi, giáo dục con cái và trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.

Hiện nay, khái niệm bình đẳng giới đã trở nên phổ biến cho dù vẫn còn một số những tranh luận xã hội về mục tiêu cho các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới. Phần nhiều các cuộc tranh luận xuất phát từ việc không cùng lối tiếp cận hoặc không thống nhất với nhau trong cách hiểu. Mặc dù cả nam và nữ đều tham gia vào mọi hoạt động của đời sống xã hội nhưng mức độ tham gia cũng như giá trị của những công việc mà họ làm có thể đang được đánh giá khác nhau theo hướng bất lợi cho người nam hoặc người nữ. Cho tới nay, nhiều người vẫn có quan điểm cho rằng, khi phụ nữ đã được đi học, được đi bầu cử, được làm việc… thì coi như đã đạt được bình đẳng giới. Thực ra, nếu một dự án giúp phụ nữ và nam giới thực hiện tốt hơn các vai trò vốn có của mình mà không làm thay đổi thực tế phân công lao động theo giới thì đó chỉ mới đáp ứng nhu cầu giới thực tế. Nếu dự án tạo điều kiện cho phụ nữ và nam giới thực hiện những công việc vốn được coi là của giới khác, giúp họ đổi mới các vai trò truyền thống của mình, qua đó nâng cao bình đẳng nam - nữ thì đó là đáp ứng nhu cầu giới chiến lược, từ đó rút ngắn khoảng cách giới. Việc thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực gia đình là yếu tố quan trọng để thúc đẩy bình đẳng giới trong các lĩnh vực khác.

Ảnh minh họa. Nguồn: freepik.com

Một vấn đề đặt ra là, làm thế nào để xây dựng và phát huy hệ giá trị gia đình trong điều kiện mới? Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 với đặc điểm là sự kết hợp một cách sâu rộng các lĩnh vực khoa học công nghệ có những ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ hôn nhân và gia đình Việt Nam.

Ở cấp độ gia đình, giải pháp người lớn làm gương có thể được xem là hữu hiệu trong việc định hướng và duy trì giá trị gia đình.

Từ khi cá nhân được sinh ra, lớn lên cho tới trưởng thành, mỗi người tiếp thu, nhập tâm hệ giá trị xã hội, từ đó có khả năng tự điều tiết hành động của mình sao cho đạt được giá trị xã hội đó. Đó là một quá trình bền bỉ, lâu dài và được thực hiện một cách có ý thức.

Rõ ràng, cha mẹ không thể định hướng giá trị học vấn cho con nếu hằng ngày trẻ được nghe cha mẹ bàn nhau chuyện đi xin trường, xin điểm. Trẻ rất khó tiếp thu và nhập tâm giá trị trách nhiệm khi cha mẹ thường xuyên quên đón con hay không quan tâm tới đời sống tinh thần của con. Trong bối cảnh xã hội có quá nhiều biến đổi, khi mà hệ giá trị mới chưa định hình rõ mà hệ giá trị cũ đang có những xáo trộn, rối loạn nhất định thì sẽ dẫn tới những hoang mang trong định hướng giá trị. Nhiều gia đình lúng túng trong xác định nội dung và phương pháp giáo dục con cái.

Ví dụ, hiện nay không ai ủng hộ cho phương pháp dạy con theo kiểu “thương cho roi cho vọt” nhưng làm thế nào để giữ được gia phong, nền nếp mà không cần tới bạo lực là điều không phải gia đình nào cũng làm được. Thực sự, việc làm gương rất khó để duy trì nếu bản thân người lớn cũng đang hoang mang, mất định hướng giá trị. Lẽ dĩ nhiên, khi mà mỗi cá nhân đã định hình rõ hệ giá trị thì việc làm gương cũng không quá khó và người lớn nào cũng có thể làm được.

 Ở cấp độ xã hội, cần có những thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến xã hội, củng cố hệ giá trị. Đối với giải pháp này, truyền thông đại chúng được xem là bên liên quan đóng vai trò quan trọng.

Xu hướng vừa chấp nhận những giá trị gia đình hiện đại, vừa muốn duy trì những giá trị gia đình truyền thống đang đặt ra các vấn đề hỗ trợ về dịch vụ, tư vấn xã hội làm sao đạt được mục tiêu đảm bảo phát huy sự tự do cá nhân nhưng hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của chủ nghĩa cá nhân, lối sống hưởng thụ, ích kỷ.

Trương Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.