Gia tăng bệnh nhân nặng và tử vong do COVID-19
Trong những tuần gần đây, số ca mắc mới và bệnh nhân COVID-19 nhập viện, nặng trên địa bàn tỉnh đang gia tăng. Cùng với đó, số tử vong do COVID-19 cũng tăng. Trong khi tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4 tại nhiều địa phương trong tỉnh còn thấp.
Phần lớn bệnh nhân tử vong có bệnh lý nền
Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát Bệnh tật tỉnh (CDC) trong một tháng trở lại đây (từ 6/9 đến 6/10), toàn tỉnh ghi nhận 1.119 trường hợp mắc COVID, tăng gấp khoảng 5 lần so với tháng trước đó. Đáng chú ý, trong tháng qua, toàn tỉnh cũng ghi nhận 8 bệnh nhân COVID-19 tử vong và số bệnh nhân nặng chiếm 1/3 trong tổng số hơn 300 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế.
Ghi nhận tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, trước đây, trung bình mỗi ngày chỉ tiếp nhận điều trị khoảng 2-3 bệnh nhân COVID-19. Nhưng trong những ngày gần đây, lượng bệnh nhân nhập viện tăng cao, số bệnh nhân nặng, nguy kịch cũng gia tăng. Bác sĩ Phạm Hồng Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, vài tuần gần đây số bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng từ tuyến huyện chuyển về bệnh viện có xu hướng tăng nhiều so với trước đây. Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng của khoa hiện có khoảng 20 giường đều đã kín bệnh nhân. Đặc biệt, một số ca bệnh rất nặng phải chuyển lên khoa Hồi sức tích cực - chống độc để cấp cứu điều trị.
Bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. |
Thực tế cho thấy, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên hiện là đơn vị tiếp nhận bệnh nhân mắc COVID-19 nặng của tỉnh. Còn các ca mắc COVID-19 nhẹ hơn thì điều trị tại khu cách ly điều trị COVID-19 tại bệnh viện, trung tâm y tế của các huyện, thị xã, thành phố. Hầu hết các ca mắc COVID-19 nhập viện bị suy hô hấp nặng, tử vong rơi vào đối tượng lớn tuổi, nhiều bệnh lý nền và phần nhiều trong số này lại không tiêm vắc xin hoặc mới chỉ tiêm 1-2 mũi vắc xin phòng COVID-19.
Đơn cử như trường hợp của bệnh nhân P.V.T. (sinh năm 1933, trú thôn Tân Bình, xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắc) mắc COVID-19 nhập viện ngày 1/10 và tử vong ngày 3/10 vừa qua. Bệnh nhân lớn tuổi, có tiền sử bệnh lao phổi cũ và chưa tiêm vắc xin nên khi mắc COVID-19 bị mệt nhiều, kèm khó thở. Bệnh diễn tiến nhanh, chuyển nặng, bệnh nhân tử vong trong tình trạng sốc tim/nhồi máu cơ tim cấp/suy đa cơ quan/viêm phổi nặng/nhiễm SARS-CoV-2 mức độ nặng/lao phổi cũ/suy kiệt.
Cũng theo bác sĩ Phạm Hồng Lâm, những người có bệnh nền khi nhiễm COVID-19 dễ khiến bệnh trở nặng khó kiểm soát, thời gian điều trị lâu hơn do cơ thể suy giảm giảm miễn dịch, đáp ứng kém với thuốc điều trị. Do vậy, những người trên 60 tuổi có nhiều bệnh lý nền thường gặp (tiểu đường, cao huyết áp, phổi mãn tính, bệnh thận nặng và người bị HIV, ung thư) nên tiêm đầy đủ vắc xin phòng COVID-19 (đủ liều cơ bản và mũi nhắc lại) để tăng cường miễn dịch.
Người dân hiểu sai, chủ quan sau khi khỏi bệnh
Thời gian qua, mặc dù ngành y tế đã phối hợp các các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Đặc biệt, cuối tháng 9 vừa qua, tỉnh đã tổ chức lễ phát động Chiến dịch tiêm chủng với chủ đề “Vì một Việt Nam vững vàng và khỏe mạnh” để đẩy nhanh chiến dịch cao điểm tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn. Song, trên thực tế, vẫn có không ít người dân chủ quan, không mặn mà với các mũi tiêm nhắc lại.
Số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho thấy, tính đến hết ngày 30/9/2022, toàn tỉnh đã tiêm 4.598.708 liều vắc xin. Trong đó, nhóm đối tượng từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi 1, mũi 2 đạt 100%, mũi 3 đạt 88,3% và mũi 4 đạt 77,1%. Với nhóm đối tượng từ 12-17 tuổi, tỷ lệ tiêm mũi 1, 2 cũng đạt 100%, mũi 3 đạt 81,7%, chưa tiêm mũi 4. Riêng nhóm đối tượng từ 5-11 tuổi, tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 97,9%, nhưng tiêm mũi 2 chỉ đạt 54,6% và chưa tiêm mũi 3, mũi 4.
Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho học sinh trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. |
Theo đánh giá của Sở Y tế, tiến độ triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại một số địa phương còn chậm, chưa đạt chỉ tiêu đề ra, trong khi vắc xin chỉ có hạn sử dụng sau rã đông 30 ngày (đến ngày 30/9, toàn tỉnh còn tồn 18.480 liều vắc xin Sinopharm). Nguyên nhân là do các đối tượng mắc COVID-19 trong tháng qua có xu hướng tăng, một số đối tượng đã tiêm 3 mũi vắc xin vẫn mắc COVID-19 lần 2 nên có tâm lý chủ quan và không muốn tiêm liều vắc xin tiếp theo; một số người dân sợ phản ứng của mũi tiêm tiếp theo (vì từng bị phản ứng ở mũi tiêm trước) kèm theo bối cảnh số ca mắc COVID-19 trên cả nước giảm, số ca nặng và tử vong ở mức thấp so với lúc cao điểm nên nảy sinh tâm lý chủ quan, không muốn tiêm; ở một số địa phương, các cơ quan, ban, ngành hiện không còn quyết liệt tham gia hỗ trợ y tế trong quá trình triển khai tiêm chủng…
Trước tình hình này, thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Hải Phúc, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho rằng, nếu không đẩy mạnh công tác tiêm chủng, có thể dịch COVID-19 vẫn sẽ kéo dài và gia tăng trong thời gian tới. Do đó, để bảo vệ sức khỏe của mình và cộng đồng trước dịch COVID-19 trong tình hình mới, người dân vẫn cần tuân thủ nghiêm những quy định chống dịch do Bộ Y tế đề ra, đồng thời chủ động tham gia tiêm vắc xin để tạo miễn dịch cộng đồng, hạn chế nguy cơ chuyển nặng khi nhiễm bệnh.
Tính từ ca bệnh đầu tiên (ngày 8/5/2020) đến ngày 6/10, toàn tỉnh ghi nhận 173.125 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 274 bệnh nhân COVID-19 tử vong. |
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc