Multimedia Đọc Báo in

Vắc xin phòng COVID-19: Góp phần bảo đảm phòng, chống dịch trong học đường

08:06, 28/09/2022

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 cùng sự xuất hiện của các biến chủng mới, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ bao phủ vắc xin phòng COVID-19, trong đó chú trọng đến nhóm trẻ từ 5 đến 17 tuổi nhằm góp phần bảo đảm phòng, chống dịch trong học đường.

Chủ động cho trẻ tiêm vắc xin

Học sinh bước vào năm học mới 2022 – 2023 trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 đang gia tăng trở lại cùng sự xuất hiện của một số biến chủng mới. Để phòng, chống dịch cho con em khi quay trở lại trường học, phần lớn phụ huynh đã chủ động đưa trẻ trong độ tuổi tiêm chủng đi tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Khoảng 5 tháng trước, hai con của chị Phạm Thị Vui (33 tuổi, phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột) là Võ Ngọc Hà (học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Ngô Nguyền) và Võ Ngọc Phương (5 tuổi) mắc COVID-19. Những tưởng mắc bệnh đồng nghĩa với việc đã tiêm 1 mũi vắc xin và cơ thể trẻ đã có kháng thể chống lại vi rút nên chị Vui khá thờ ơ trước những khuyến cáo của ngành y tế về tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Năm học mới đến trong bối cảnh dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng trở lại, sau khi tìm hiểu thông tin qua báo, đài cùng sự tư vấn của cán bộ y tế, chị Vui chủ động đăng ký cho các con tiêm chủng tập trung tại trường học để bảo đảm sức khỏe.

Khám sàng lọc trước tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi. 

Còn với ông Lê Ngọc Đông (phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột), ngay khi đến thời điểm tiêm nhắc mũi 2 vắc xin phòng COVID-19, ông đã chủ động đưa cháu là Nguyễn Lê Nhã Uyên (học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Phan Chu Trinh, TP. Buôn Ma Thuột) đến điểm tiêm để bảo đảm tính hiệu quả của vắc xin. Theo ông Đông, dù cháu Uyên đã mắc COVID-19 nhưng gia đình vẫn cho cháu tiêm vắc xin đầy đủ ngay khi cháu khỏi bệnh được 3 tháng, bởi dịch bệnh diễn biến khó lường không thể chủ quan, nhất là trong thời điểm năm học mới trẻ thường xuyên tiếp xúc đông người, nguy cơ lây lan dịch bệnh cao.

Cô Lê Thị Nhung (nhân viên y tế Trường THCS Phan Chu Trinh, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, ngay sau khi các cấp, ngành triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho nhóm đối tượng từ 12 đến 17 tuổi, các bậc phụ huynh rất quan tâm và tích cực hưởng ứng cho con em tham gia tiêm vắc xin mũi cơ bản. Tuy nhiên, sau thời gian dịch bùng phát, đa số học sinh đều đã mắc COVID-19 với triệu chứng nhẹ thì phụ huynh có tâm lý chủ quan khiến tỷ lệ tiêm mũi 3 có thời điểm bị chững lại. Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nhất là trước thông tin dịch có nguy cơ bùng phát trở lại, đa phần phụ huynh đã chủ động cho con em đến tiêm chủng tại trạm y tế phường, xã trong dịp nghỉ hè và đăng ký tiêm tại trường theo kế hoạch của nhà trường. Đến nay, tỷ lệ học sinh đã tiêm 3 mũi vắc xin phòng COVID-19 của trường đã đạt khoảng 70%.

Nỗ lực "phủ sóng" vắc xin

Trước diễn biến mới của dịch bệnh, thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường phối hợp triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các nhóm đối tượng theo kế hoạch đề ra, xác định việc tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả và có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, qua theo dõi tiến độ tiêm vẫn còn chậm, tỷ lệ tiêm cho nhóm đối tượng từ 5 đến 17 tuổi trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn thấp. Cụ thể: tỷ lệ tiêm mũi 3 ở lứa tuổi từ 12 đến 17 tuổi mới đạt 66,7%; tiêm mũi 2 ở lứa tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 43,9%, trong khi tiêu chuẩn đạt miễn dịch cộng đồng là trên 80%.

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 11 tuổi.

Để thực hiện mục tiêu “phủ sóng” vắc xin trong cộng đồng, mới đây UBND tỉnh đã tổ chức Lễ phát động Chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới nhằm nâng cao ý thức, hướng đến thay đổi hành vi cá nhân có lợi cho sức khỏe. Đồng thời tăng cường vai trò và trách nhiệm của các sở, ban, ngành các cấp, đoàn thể và chính quyền địa phương trong việc huy động sự đồng thuận của người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, góp phần thiết lập "lá chắn thép" bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Theo Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên Viên Chinh Chiến, tính đến ngày 22/9, khu vực Tây Nguyên đã ghi nhận 378.584 ca mắc COVID-19 với 438 trường hợp tử vong. Cho đến nay, Tổ chức Y tế thế giới và các quốc gia vẫn tiếp tục khẳng định tiêm vắc xin phòng COVID-19 là vũ khí chiến lược, là yếu tố quyết định, là biện pháp phòng dịch bệnh hiệu quả nhất kể cả với các biến chủng mới. Ông Viên Chinh Chiến khẳng định: “Hiện chưa có bất cứ một bằng chứng khoa học nào cho thấy vắc xin phòng COVID-19 ảnh hưởng tới sức khỏe người dân và trẻ em. Tuy nhiên, hiệu lực của vắc xin giảm tương đối nhanh sau 3 - 5 tháng. Vì vậy, để duy trì hiệu quả tác dụng bảo vệ cần tiêm vắc xin phòng COVID-19 đúng lịch và đầy đủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế".

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Đắk Lắk - Mảnh đất níu chân người
Với những kiến tạo địa chất phức tạp, trải qua hàng triệu năm phong hóa, mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho cao nguyên Đắk Lắk một hệ sinh thái đa dạng, phong phú với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, xinh đẹp, vùng đất trù phú, là quê hương, nơi định cư lâu đời của nhiều dân tộc bản địa và hiện tại cũng là miền “đất hứa” với rất nhiều người…