Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả Chương trình quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn ở Krông Ana

07:51, 24/10/2022

Tham gia Chương trình "Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả" từ vốn vay Ngân hàng Thế giới, nhiều hộ dân, trường học, trạm y tế trên địa bàn huyện Krông Ana đã được hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh, thụ hưởng nguồn nước sạch trong sinh hoạt, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Thực hiện Chương trình “Mở rộng  quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” (gọi tắt là Chương trình), huyện Krông Ana có 6 xã được hỗ trợ xây dựng xã “Vệ sinh toàn xã”; trong đó có việc hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gồm: Quảng Điền, Bình Hòa, Dray Sáp, Băng Adrênh, Ea Na và Dur Kmăl.

Trước đây, việc xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh ở các địa phương không được nhiều người dân quan tâm, trong đó, một phần do điều kiện kinh tế khó khăn, nhất là những hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); phần khác là do tập quán, thói quen của người dân. Vì vậy, khi Chương trình triển khai, cán bộ chính quyền các xã phải đến từng thôn, buôn, gặp từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động để người dân tham gia nhằm thay đổi nhận thức, thói quen trong sinh hoạt.

Người dân xã Ea Bông sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung.

Tại xã Băng A Drênh, được sự hỗ trợ từ Chương trình, những năm gần đây tình hình xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh của người dân trên địa bàn xã nói chung và bà con đồng bào DTTS nói riêng đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần không nhỏ trong việc cải thiện các điều kiện vệ sinh cá nhân, hộ gia đình, vệ sinh môi trường cho người dân. Đến cuối năm 2021, toàn xã đã có 865/983 hộ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh (đạt tỷ lệ 88%). Tương tự, xác định việc giữ gìn vệ sinh môi trường, trong đó có việc làm nhà vệ sinh là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân cũng như thực hiện thành công tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, xã Bình Hòa đã tích cực triển khai, tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh không chỉ từ sự hỗ trợ của Chương trình mà còn chính gia đình tự bỏ kinh phí để làm, góp phần nâng tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh lên 87%.

Theo thống kê của UBND tỉnh, tính đến cuối năm 2021, Chương trình đã hỗ trợ huyện Krông Ana xây dựng 6 xã đạt “Vệ sinh toàn xã”; xây dựng công trình nước sạch – nhà vệ sinh cho 20 trường học và 2 trạm y tế; xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh cho 879 hộ gia đình. Để đạt được kết quả này, các ban, ngành và chính quyền địa phương trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; cung cấp kiến thức về vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng cho các hộ dân, giáo viên và học sinh các trường mầm non và tiểu học; các cán bộ trạm y tế, y tế thôn, buôn được tập huấn về các mô hình thúc đẩy vệ sinh, truyền thông thay đổi hành vi, kiểm tra, giám sát vệ sinh hộ gia đình, trường học… Với những nỗ lực đó, Chương trình đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải thiện điều kiện sống, nâng cao sức khỏe của nhân dân; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi giúp các xã thực hiện một số chỉ tiêu về tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới.

Cán bộ xã Bình Hòa kiểm tra công trình nhà tiêu của hộ dân sau khi được hỗ trợ xây dựng.

Bên cạnh hỗ trợ cải thiện vệ sinh môi trường, Chương trình đã hỗ trợ xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại xã Ea Bông. Công trình được triển khai xây dựng từ năm 2019, đến đầu năm 2020 chính thức đưa vào sử dụng với chi phí đầu tư trên 13 tỷ đồng. Bà H’Wina Triết, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Bông chia sẻ, toàn xã có 13 thôn, buôn với trên 3.000 hộ dân đều chung hoàn cảnh thiếu nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt. Vì thế, khi công trình cấp nước sinh hoạt tập trung được đầu tư và đưa vào hoạt động đã góp phần giải quyết bài toán nước sạch cho gần 1.000 hộ dân ở 6 thôn, buôn; giúp các hộ dân bớt nỗi lo thiếu nước mỗi năm khi bước vào mùa khô. Không chỉ thế, việc địa phương được đầu tư xây dựng công trình cấp nước đã góp phần giúp xã Ea Bông nâng tỷ lệ hộ dân được sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh (bao gồm nước sạch) lên 3.016/3.093 hộ (chiếm tỷ lệ 97,5%); trong đó, tỷ lệ hộ nghèo sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 90% và tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số gần 95%.

Cũng từ nguồn vốn Chương trình, hiện nay Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đang triển khai xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt tại xã Bình Hòa với tổng kinh phí khoảng 21 tỷ đồng; dự kiến sẽ đấu nối cấp nước cho khoảng 1.120 hộ dân trên địa bàn xã.

Có thể nói, việc sử dụng nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, thực hiện thói quen vệ sinh an toàn và giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp đã và đang góp phần đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng dân cư; thực hiện nếp sống văn minh, xoá bỏ dần tập quán sinh hoạt lạc hậu, thiếu vệ sinh; nâng cao ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường và góp phần xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.