Multimedia Đọc Báo in

Chú trọng chăm sóc sức khỏe cho trẻ tại trường

07:50, 24/10/2022

Hiện thời tiết đang trong những ngày giao mùa, mưa nắng thất thường; cùng với đó là nguy cơ dịch bệnh tay chân miệng, COVID-19… Do đó, các trường mầm non trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột luôn chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ tại trường một cách toàn diện từ chế độ dinh dưỡng đến hướng dẫn kỹ năng chăm sóc bản thân của trẻ.

Trường Mầm non Quốc tế (phường Tân Lợi) có 20 phòng học, 1 phòng học dự bị và 6 phòng chức năng. Năm học 2022 – 2023, trường có 20 lớp với hơn 700 học sinh, hơn 70 giáo viên, nhân viên. Việc dạy và học tại trường được thực hiện từ thứ Hai đến thứ Sáu; riêng thứ Bảy hoạt động dạy học dựa vào điều kiện thực tế của nhà trường và nhu cầu của phụ huynh.

Bà Lê Thị Vui, Hiệu trưởng Trường Mầm non Quốc tế cho hay, công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ mầm non tại trường được thực hiện theo quy định của Bộ GD-ĐT và lồng ghép với phương pháp giáo dục STEAM (nhấn mạnh việc học tập dựa trên thực hành), giáo dục Montessori (thúc đẩy tiềm năng của trẻ thông qua việc tạo ra một môi trường học tập thân thiện, chuyên nghiệp với những giáo cụ học tập chuyên biệt). Các hoạt động giáo dục về kỹ năng sống được lồng ghép trong từng tiết học với mục đích để trẻ vừa hiểu biết và tự bảo đảm sự an toàn cho bản thân. Thực đơn được công khai tại bảng tin của trường và thay đổi hằng ngày để bảo đảm dinh dưỡng cho trẻ. Toàn bộ thực phẩm sử dụng trong trường được ký kết với doanh nghiệp trên địa bàn để truy xuất nguồn gốc khi cần thiết.

Giáo viên Trường Mầm non Quốc tế hướng dẫn trẻ rửa tay trước khi ăn.

Bà Phan Thị Cài, nhân viên y tế nhà trường cho hay, ngoài các loại thuốc căn bản của trường, nhà trường còn tiếp nhận thuốc phụ huynh đem đến gửi theo đơn để cho các cháu uống tại trường. Số lượng thuốc phòng y tế trường tiếp nhận từ phụ huynh tăng so với cùng kỳ năm trước. Khi tới lớp, trước và sau khi ăn, trẻ luôn được hướng dẫn rửa tay sạch sẽ để bảo đảm vệ sinh, sức khỏe. Những trường hợp đặc biệt như phát hiện trẻ bị bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, COVID-19 (trẻ hay người nhà), trường sẽ chuyển các cháu sang phòng học dự phòng; tổ chức phun khử khuẩn bằng hóa chất Cloramin B...

Bà Cài lưu ý, ngoài yếu tố dịch bệnh thì hiện nay đang là thời điểm giao mùa; trẻ dễ bị ho, sổ mũi, sốt siêu vi... Trong khi đó, lớp học, trường học là môi trường tập thể, công cộng, phụ huynh cần phối hợp chặt với nhà trường trong chăm sóc trẻ và báo với giáo viên khi các cháu bị ốm hay mắc bệnh truyền nhiễm để bảo đảm sức khỏe cho các cháu cùng lớp, cùng trường.

Tương tự, tại Trường Mầm non Tự An, việc chăm sóc trẻ cũng được thực hiện một cách toàn diện để bảo đảm sức khỏe cho trẻ và tiến độ chương trình giáo dục đã đề ra đầu năm. Cô Tô Thị Hoàng Duyên, giáo viên Trường Mầm non Tự An cho hay, cô chủ nhiệm lớp Lá 1 với 39 cháu; mùa này các cháu thường hay nghỉ ốm do thời tiết. Việc hướng dẫn các cháu tự bảo vệ chăm sóc bản thân theo định hướng lấy trẻ làm trung tâm được thực hiện thông qua hoạt động hướng dẫn trẻ thực hành rửa tay 6 bước, rửa mặt, khám phá giác quan, cách bảo vệ giác quan...

Buổi học làm quen chữ cái của trẻ tại Trường Mầm non Tự An.

Ngoài bảo đảm phòng học sạch sẽ, các cơ sở giáo dục mầm non còn phối hợp với giáo viên thường xuyên nhắc nhở phụ huynh mang áo ấm cho trẻ khi trẻ đi ra ngoài; đem thêm quần áo dự phòng để các cháu thay khi cần thiết; trao đổi thông tin tình hình sức khỏe của cháu tại trường để phụ huynh nắm; cập nhật thực đơn của trường để điều chỉnh chế độ ăn uống tại nhà của trẻ... Giáo viên cũng thường xuyên hướng dẫn phụ huynh và lưu ý với phụ huynh về tình hình sức khỏe, hoạt động của cháu tại trường.

Theo thống kê của Phòng GD-ĐT TP. Buôn Ma Thuột, thành phố hiện có 58 trường mầm non (23 trường mầm non công lập; 35 trường mầm non tư thục) với hơn 20 nghìn học sinh. Trước khi bước vào năm học mới, ngành giáo dục đã triển khai các lớp tập huấn, phổ biến thông tin về công tác phòng, chống dịch bệnh để giáo viên cập nhật; trao đổi với gia đình cách thức phối hợp chăm sóc trẻ tại nhà và trường; thực hiện nghiêm túc việc phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại trường học bằng cách diệt lăng quăng/bọ gậy, khơi thông cống rãnh, thường xuyên vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ, đảm bảo an toàn. Ngành giáo dục cũng tăng cường phối hợp với trạm y tế và chính quyền địa phương trong công tác tiêm chủng, theo dõi sức khỏe của học sinh trước, trong và sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19; thực hiện nghiêm việc báo cáo, cập nhật thông tin về công tác phòng, chống dịch COVID-19…

Thanh Hường

 


Ý kiến bạn đọc