Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M’gar: Tập trung duy trì “Vệ sinh toàn xã” bền vững

08:00, 07/10/2022

Được hưởng lợi từ Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” (gọi tắt là Chương trình), từ năm 2016 đến nay, huyện Cư M’gar đã tích cực triển khai các hoạt động giải ngân nguồn vốn và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm thực hiện và duy trì các xã đạt “Vệ sinh toàn xã” bền vững.

Xã Ea M’nang hiện có trên 1.900 hộ với gần 8.500 khẩu. Thời điểm được chọn tham gia Chương trình năm 2019, toàn xã chỉ có khoảng 70% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, trên 78% số hộ có điểm rửa tay với nước sạch và xà phòng.

Theo ông Nguyễn Văn Quang, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ea M’nang, để đáp ứng các tiêu chí kiểm đếm đầu ra của Chương trình, sau khi UBND xã tổ chức lễ phát động, Trạm Y tế xã đã phối hợp với các đoàn thể, ban tự quản, cộng tác viên y tế thôn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện vệ sinh môi trường bằng nhiều hình thức. Đồng thời, tổ chức họp từng thôn, từng nhóm dân cư, khảo sát tại hộ gia đình về vấn đề nước sạch, nhà vệ sinh, điểm rửa tay, vẽ biểu đồ vệ sinh từng thôn làm căn cứ triển khai thực hiện và cơ sở để kiểm đếm.

Công trình vệ sinh của Trường Mầm non Ea M'nang (xã Ea M'nang, huyện Cư M'gar) được hỗ trợ xây dựng từ nguồn vốn của Chương trình.

Ngoài các hộ được chọn hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhà vệ sinh từ nguồn vốn của Chương trình (50 USD/hộ), xã Ea M’nang tập trung tuyên truyền, vận động các hộ trên địa bàn đầu tư xây dựng công trình vệ sinh đạt chuẩn. Cùng với đó, 4 trường học trên địa bàn xã cũng đã được Chương trình hỗ trợ xây dựng, sửa chữa, nâng cấp công trình vệ sinh. Đơn cử như Trường Mầm non Ea M'nang, trước đây, có 2 lớp chồi và 2 lớp lá chưa có công trình vệ sinh khép kín, gây nhiều bất tiện trong quá trình chăm sóc trẻ.

 

Năm 2022, huyện Cư M’gar được phân bổ trên 462 triệu đồng từ nguồn vốn của Chương trình để thực hiện hợp phần nâng cao năng lực, truyền thông, giám sát, theo dõi và đánh giá Chương trình nhằm tập trung duy trì xã đạt “Vệ sinh toàn xã” bền vững sau 2 năm tại 4 xã gồm: Cư M’gar, Cuôr Đăng, Ea Tar, Cư Dliê M’nông.

Sau khi khảo sát, trường được hỗ trợ 309 triệu đồng từ nguồn vốn của Chương trình để xây dựng công trình vệ sinh khép kín và khu rửa tay cho các cháu. Công trình được nghiệm thu, đưa vào sử dụng từ cuối tháng 10/2019, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ và hoàn thành các tiêu chí để được công nhận trường học đạt chuẩn quốc gia.

Sau gần 4 năm triển khai Chương trình, xã Ea M’nang đã được công nhận duy trì “Vệ sinh toàn xã” bền vững giai đoạn 2019 - 2021 với trên 76,9% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, 85,2% số hộ có điểm rửa tay với xà phòng và nước sạch, 100% các trường học và trạm y tế đạt tiêu chí hợp vệ sinh.

Giai đoạn 2016 - 2022, huyện Cư M’gar đã khảo sát, chọn 7 xã gồm: Ea Kpam, Quảng Hiệp, Cư M’gar, Ea Tar, Cuôr Đăng, Cư Dliê M’nông để tập trung thực hiện các tiêu chí của xã “Vệ sinh toàn xã”. Các đơn vị chức năng cấp huyện, chính quyền, đoàn thể và trạm y tế các địa phương đã tích cực phát huy vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, huy động, lồng ghép nguồn lực và truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân vùng nông thôn về vấn đề nước sạch, vệ sinh môi trường.

Trạm Y tế xã Quảng Hiệp (huyện Cư M'gar) tổ chức cho trẻ em uống vitamin A.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar Y Wem Hwing cho biết, khi triển khai Chương trình, huyện đã rà soát, đánh giá rõ hiện trạng và những khó khăn của địa phương để có hướng chỉ đạo các đơn vị liên quan tích cực vào cuộc, hướng dẫn, phối hợp với các xã xây dựng kế hoạch triển khai và thực hiện giám sát Chương trình. Huyện tăng cường tổ chức tập huấn cho các đối tượng; triển khai các hoạt động truyền thông, vận động nhằm cải thiện hành vi rửa tay, chấm dứt tình trạng phóng uế bừa bãi ra môi trường, đầu tư xây dựng và sửa chữa nhà vệ sinh, công trình cấp nước… Đồng thời, tổ chức ký văn bản cam kết thực hiện Chương trình, phối hợp kiểm đếm các chỉ tiêu và giám sát để duy trì tính bền vững với các xã đã thực hiện “Vệ sinh toàn xã”. Nhờ vậy, đến năm 2020, các xã được chọn tham gia Chương trình đều đã được UBND tỉnh công nhận đạt “Vệ sinh toàn xã”, trong đó có 2 xã gồm: Quảng Hiệp và Ea M’nang đạt duy trì “Vệ sinh toàn xã” bền vững sau hai năm.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.