Multimedia Đọc Báo in

Bảo hiểm xã hội Krông Búk: Nỗ lực phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội

08:22, 08/11/2022

Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Krông Búk đã nỗ lực mở rộng và nâng cao chất lượng các đại lý thu, đồng thời tăng cường công tác phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong việc triển khai, vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), BHXH tự nguyện.

Không may bị khuyết tật, giảm sút khả năng lao động nhưng anh Đinh Thế Dũng (SN 1992, ở thôn 8, xã Pơng Drang), vẫn nỗ lực vươn lên lao động bằng nghề may. Thu nhập hằng tháng không quá nhiều, nhưng sau khi được nhân viên BHXH huyện Krông Búk tư vấn về lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện nhất là với đối tượng yếu thế, anh Dũng quyết định dành dụm một khoản tiền để đóng. Sau 2 năm tham gia BHXH tự nguyện, với mức đóng 539.000 đồng/tháng, đây là không chỉ là “của để dành” mà còn là động lực để anh Dũng vượt qua khó khăn, chăm chỉ làm việc, tích lũy cho hành trang tương lai.

Tư vấn chính sách tham gia BHXH tự nguyện cho tiểu thương trên địa bàn huyện Krông Búk.

Chị Nguyễn Thị Thương, phụ trách chuyên quản BHYT, BHXH tự nguyện Bưu điện huyện Krông Búk cho hay, nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền nên việc tiếp cận tư vấn người dân tham gia BHYT, BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện có nhiều điểm thuận lợi. Qua tuyên truyền, đa phần người dân đã hiểu rõ lợi ích, từ đó tham gia BHYT, BHXH tự nguyện. Nhiều khách hàng là người cao tuổi, người khuyết tật cũng đã mạnh dạn tham gia, xem đây là khoản dự phòng trước những phát sinh của cuộc sống.

Theo ông Phạm Anh Vũ, Phó Giám đốc BHXH huyện Krông Búk, bám sát chỉ đạo của BHXH tỉnh, BHXH huyện Krông Búk đã quán triệt triển khai các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHYT, BHXH tự nguyện đến 100% cán bộ công nhân viên chức. Công tác truyền thông cũng có nhiều đổi mới, thông điệp truyền tải ngắn gọn, dễ hiểu và chia nhỏ các nhóm đối tượng để có cách thức tiếp cận cho phù hợp. Hiện, số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện Krông Búk đã tăng gấp 15 lần so với năm 2017, từ hơn 70 người tăng lên trên 1.000 người.

Cùng với những nỗ lực không ngừng của ngành BHXH, thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện Krông Búk đã tập trung lãnh đạo, ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển nhanh và bền vững số người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn huyện với mục tiêu đến năm 2025 đạt 20% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện khoảng 17% lực lượng lao động trong độ tuổi, trên 95% người dân tham gia BHYT.

Người dân huyện Krông Búk tìm hiểu chính sách và lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện.

Để công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT ở địa phương đạt hiệu quả, các mục tiêu, chỉ tiêu về BHXH, BHYT đều được đưa vào nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của huyện và các xã. Ngoài ra để nâng cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò trách nhiệm của từng cá nhân, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn.

UBND huyện cũng thường xuyên chỉ đạo Phòng Giáo dục  và Đào tạo huyện phối hợp BHXH huyện kiểm tra việc thực hiện BHYT học sinh tại các cơ sở giáo dục, gắn trách nhiệm và đánh giá xếp loại của thủ trưởng các đơn vị trong việc thực hiện chỉ tiêu học sinh tham gia BHYT. Ngoài ra, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện thực hiện rà soát việc cấp thẻ BHYT cho đối tượng được ngân sách nhà nước đóng để thực hiện cấp đúng, cấp đủ tránh bỏ sót đối tượng. Tăng cường công tác phối hợp giữa BHXH huyện với các ban, ngành, đoàn thể với nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú như đăng tải các chuyên trang, chuyên mục, tổ chức hội nghị tập huấn, đối thoại, hội nghị giao ban; xây dựng pa nô, áp phích, tờ rơi, băng rôn nhằm kịp thời truyền tải thông tin đến các đối tượng tham gia hiểu về các quy định của Đảng và Nhà nước, tính nhân văn, nhân đạo của chính sách BHXH, BHYT.

UBND huyện cũng đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện và các cơ sở khám chữa bệnh đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tổ chức tiếp nhận, khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT đảm bảo quy trình và hạn chế thời gian chờ đợi, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh. Đồng thời chỉ đạo Phòng Tài chính – Kế hoạch và các đơn vị có liên quan thực hiện phân bổ ngân sách hợp lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ngân sách về BHXH, BHYT; ban hành nhiều văn bản nhằm huy động sự hỗ trợ tài chính của các cá nhân, doanh nghiệp, các mạnh thường quân để mua BHYT cho các đối tượng chính sách, người nghèo, người dân vùng khó khăn trên địa bàn các xã.

Nhờ việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên đến nay nhận thức về chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp, người lao động và người dân trên địa bàn huyện Krông Búk đã có những chuyển biến rõ nét, tạo niềm tin cho tổ chức và cá nhân đang tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn.

Tính đến ngày 30/9, số người tham gia BHYT trên địa bàn huyện Krông Búk là 55.458 người, đạt 92,53% kế hoạch UBND tỉnh giao, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân đạt 87,22% dân số, tăng 7,76% so với cùng kỳ năm 2021; tham gia BHXH tự nguyện có 1.034 người, đạt 96,64% kế hoạch, tăng 21,79% so với cùng kỳ năm 2021.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.