Multimedia Đọc Báo in

Giữ nghề truyền thống ở Krông Pắc

07:16, 06/11/2022

Huyện Krông Pắc đã có nhiều nỗ lực để nghề truyền thống tự vận động và mang lại lợi ích kinh tế, vừa góp phần bảo tồn văn hóa vừa giúp người dân sống vui với nghề.

Vui với nghề

Nhiều năm qua, người dân buôn Kala (xã Krông Búk) luôn cố gắng gìn giữ nghề dệt thổ cẩm của người Êđê. Chị H'luôr Bỹa cho biết đã theo mẹ mình học nghề dệt thổ cẩm từ nhỏ nhưng rồi lại bỏ nghề suốt một thời gian khá dài. Cách đây vài năm, trong một lần tình cờ được người quen làm trong ngành du lịch nhờ mua khăn thổ cẩm cho khách du lịch, chị đã học lại nghề dệt từ mẹ và các chị trong buôn để dệt khăn cung cấp theo đơn đặt hàng. Hiện tại, chị vừa dệt, vừa trưng bày thổ cẩm bán tại nhà kiếm thêm thu nhập. Đồng thời, trực tiếp đứng ra nhận đơn hàng của các đơn vị du lịch để chị em trong buôn cùng dệt.

Chị H’dhuen Bỹa tập trung hoàn thành tấm thổ cẩm của mình.

Có mặt tại Ngày hội văn hóa và thể thao các dân tộc trong khuôn khổ Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ I – năm 2022 đầu tháng 9 vừa qua, người dân và du khách dễ dàng cảm nhận được sự tươi mới, hứng khởi của các nghệ nhân. Họ bước ra từ buôn làng, đến sân chơi thổ cẩm toàn huyện với những kỳ vọng, khát khao và sự hòa mình vào dòng chảy văn hóa thổ cẩm của các dân tộc. Tỉ mẩn với từng đường chỉ trên tấm thổ cẩm dang dở, chị H’dhuen Bỹa (SN 1991) tỏ vẻ tự hào khi chị là người trẻ nhất trong buôn Kala biết dệt thổ cẩm và cũng là người nhỏ tuổi nhất tham dự hoạt động dệt thổ cẩm này. Ngày hội đã đem đến những xúc cảm khó tả và cơ hội tìm hiểu cách dệt thổ cẩm của các dân tộc khác trên địa bàn huyện.

 

Nhiều hoạt động như ngày hội văn hóa các cấp, hội thi, hội thao, hội diễn văn nghệ... đã giúp người dân có thêm cơ hội được thể hiện nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình và tìm hiểu về văn hóa các dân tộc khác trên địa bàn. Qua đó, bà con hiểu được giá trị và có ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình".

 
Ông Y Siết Niê, Phó Chủ tịch UBND xã Krông Búk

Tương tự, chị Trang, nghệ nhân dệt thổ cẩm dân tộc Xê Đăng (xã Ea Yiêng) bày tỏ, thổ cẩm truyền thống của người Xê Đăng dệt công phu và mất nhiều thời gian. Muốn có vải đẹp, nghệ nhân phải tâm huyết, hiểu biết về thổ cẩm của dân tộc mình từ màu sắc đến hoa văn và cả ý nghĩa của từng hoa văn. Một tấm thổ cẩm dài 1,5 m chị phải dệt trong 5 ngày. Tuy vất vả nhưng chị vẫn kiên trì làm với mong muốn giữ nghề truyền thống của dân tộc.

Đa dạng hóa các hoạt động bảo tồn văn hóa

 Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định nhiệm vụ tiếp tục nâng cao chất lượng toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội; đẩy mạnh phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; thường xuyên triển khai các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao các cấp nhằm tạo sân chơi lành mạnh cho người dân… Theo đó, huyện đã tổ chức thành công các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao từ cấp thôn, buôn đến cấp xã, thị trấn để lựa chọn những hạt nhân văn hóa tiêu biểu tham gia, tạo được nét đặc trưng riêng cho địa phương.

Đơn cử như nhắc đến hát then - đàn tính là người dân nghĩ ngay đến các nghệ nhân ở thôn Thạch Lũ, xã Ea Yông; biểu diễn cồng chiêng đặc sắc có nghệ nhân ở xã Tân Tiến, Vụ Bổn… Nghệ nhân chế tác đàn tính Ngân Văn Lẩn, thôn Thạch Lũ (xã Ea Yông) cho biết, thôn Thạch Lũ chủ yếu người Nùng từ các tỉnh phía Bắc vào. Dù xa quê nhưng bà con còn giữ được nhiều bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Nùng, trong đó đàn tính, hát then là tiêu biểu nhất. Do đó, ông cùng các nghệ nhân đã tích cực tham gia các hoạt động văn hóa địa phương tổ chức, cũng như đứng lớp truyền dạy về đàn tính, hát then cho thế hệ trẻ.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch UBND huyện tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nghệ nhân về việc gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc cho biết, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian vừa góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, vừa tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc giao lưu, học hỏi, phát huy truyền thống tốt đẹp, gắn kết cộng đồng; góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện.

 

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.