Hiệu quả công tác đào tạo nghề tại huyện Buôn Đôn
Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020", 10 năm qua (2012 - 2022), huyện biên giới Buôn Đôn tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp và đạt được những kết quả thiết thực, đào tạo nghề cho nhiều lao động nông thôn, giúp họ có việc làm, ổn định thu nhập…
Xác định ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nhất là đối với một huyện biên giới, tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 37%, ngay sau khi Đề án ra đời, UBND huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên.
Để công tác đào tạo nghề được hiệu quả, đạt chất lượng, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Chỉ thị số 04/CT-HU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, một trong những giải pháp then chốt để xóa đói giảm nghèo của địa phương, chỉ đạo cấp ủy các cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện những nội dung, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Học viên xã Ea Nuôl học nghề may dân dụng. |
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo đề án đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lồng ghép vào các hội nghị tập huấn, họp thôn, buôn, giúp người lao động, nhân dân trên địa bàn nắm bắt được những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, ý thức hơn về quyền, lợi ích của người lao động khi tham gia học nghề cũng như thường xuyên cập nhật thông tin về chế độ, chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn để người dân theo dõi, giám sát việc thực hiện.
Với trách nhiệm trực tiếp đảm nhận công tác đào tạo nghề, song song với việc tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đảm bảo 100% giáo viên có bằng cấp chuyên môn, có kinh nghiệm trong giảng dạy, truyền đạt kiến thức, kỹ năng cho học viên, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện chủ động phối hợp với các xã, khảo sát nắm bắt nhu cầu học nghề của người dân để tổ chức dạy nghề phù hợp, đúng theo nguyện vọng. Ngoài ra để học viên sau học nghề nhanh chóng có việc làm, Trung tâm phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài huyện giới thiệu, cung ứng lao động của địa phương vào làm việc. Trung tâm kết nối với các công ty có uy tín, chất lượng trong nước về lĩnh vực xuất khẩu lao động, như: Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hải Dương; Công ty Cổ phần Phát triển nguồn nhân lực Hoàng Long, chi nhánh miền Trung - Tây Nguyên; Công ty Cổ phần Đầu tư Vĩnh Cát, chi nhánh ở Thanh Hóa... sẵn sàng tiếp nhận lao động địa phương vào làm việc ngay sau khi được đào tạo.
Kết quả 10 năm qua, Trung tâm đã tổ chức đào tạo được 66 lớp dạy các nghề phi nông nghiệp, may mặc, sửa chữa máy nông nghiệp, điện dân dụng cho 2.153 học viên (trong đó có 1.684 học viên người dân tộc thiểu số). Sau khi được đào tạo nghề phù hợp, đa số đã tìm được việc làm ở các khu công nghiệp, mở cơ sở sửa chữa máy móc, sửa điện… có thu nhập ổn định. Riêng với đào tạo nghề nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt, Trung tâm tổ chức được 32 lớp, với 1.120 học viên, trong đó học viên là người dân tộc thiểu số chiếm 35,7%. Qua theo dõi học viên sau học nghề đã thay đổi tư duy, áp dụng hiệu quả kiến thức, kỹ thuật được học vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, mạnh dạn mở rộng quy mô chuồng trại, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử như: mô hình chăn nuôi heo của gia đình ông Nguyễn Văn Kế (thôn Tân Phú, xã Ea Nuôl) cho thu nhập 700 - 800 triệu đồng/năm; mô hình chăn nuôi heo, gà của hộ ông Trương Khắc Mận (thôn Thống Nhất, xã Krông Na) thu nhập bình quân 150 - 250 triệu đồng/năm.
Theo Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Buôn Đôn Hà Ngọc Hướng thì chắc chắn với những lợi ích thiết thực mà những người được đào tạo nghề được hưởng thụ từ đề án, thời gian tới, Trung tâm sẽ thu hút nhiều học viên tham gia học nghề hơn. Điều đó có ý nghĩa rất lớn bởi không chỉ tạo công ăn việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, tăng thu nhập cho chính người được đào tạo mà còn giải được "bài toán" khó về giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương.
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc