Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M’gar: Bảo hiểm y tế học sinh đạt thấp, vì sao?

08:22, 10/11/2022

Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) quy định rõ, học sinh, sinh viên (HSSV) là đối tượng bắt buộc phải tham gia BHYT, nhưng đến nay vẫn còn hơn 6.400 học sinh của huyện Cư M’gar chưa tham gia BHYT.

Tính đến tháng 10/2022, ngoài những học sinh được ngân sách nhà nước cấp 100% kinh phí mua BHYT, huyện Cư M’gar mới chỉ có 21.682/28.110 em tham gia BHYT, đạt tỷ lệ hơn 77% trên tổng số học sinh bắt buộc tham gia. Độ bao phủ BHYT học sinh trên địa bàn đạt khá thấp, nhất là ở những xã vùng xa, nơi đời sống của người dân còn khó khăn.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, BHYT đối với HSSV được nhà nước hỗ trợ với tỷ lệ 35%, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 30%, tỉnh hỗ trợ 5%; 65% còn lại học sinh bắt buộc phải đóng, tương ứng phí đóng BHYT là 522.996 đồng/em/năm. Tuy nhiên, với một bộ phận người dân có thu nhập thấp thì chi phí mua BHYT cho con là khoản chi không nhỏ.

Bảo hiểm xã hội huyện Cư M'gar tuyên truyền về chính sách bảo hiểm y tế cho học sinh tại Trường THPT Cư M'gar.

Tại Trường Tiểu học Ama Trang Lơng (xã Cư M’gar), tính đến hiện tại tỷ lệ học sinh tham gia BHYT không thuộc đối tượng ưu tiên mới chỉ đạt hơn 52%. Ban Giám hiệu nhà trường, thầy cô giáo đã kết hợp tuyên truyền chính sách BHYT cho phụ huynh trong buổi họp phụ huynh đầu năm; phân công giáo viên chủ nhiệm đến tận nhà tuyên truyền, vận động phụ huynh tham gia BHYT cho con em; thay vì mua BHYT cả năm, nhà trường vận động phụ huynh có thể tham gia BHYT 3 tháng hoặc 6 tháng để đỡ áp lực tài chính... Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh tham gia BHYT vẫn thấp. Trường có gần 100% học sinh dân tộc thiểu số (DTTS), do kinh tế khó khăn cộng với việc làm không ổn định nên phụ huynh chỉ đủ sức trang trải cuộc sống, lo cái ăn cho con.

Tương tự, dù đã nỗ lực vận động nhưng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (xã Quảng Hiệp) vẫn còn 60 học sinh không thể tham gia BHYT. Thầy Lê Anh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường đã tìm mọi cách thuyết phục, vận động nhưng “lực bất tòng tâm”. Trường đang tính đến phương án huy động nguồn xã hội hóa để hỗ trợ kinh phí tham gia BHYT cho các học sinh này.

Ông Trần Ngọc Quảng, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Cư M’gar cho hay, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ bao phủ BHYT đạt thấp trên địa bàn. Huyện Cư M’gar có đến 47% dân số là người DTTS nhưng theo Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ có 11 xã thoát khỏi vùng kinh tế, xã hội (KT-XH) khó khăn nên không còn được hưởng chính sách ưu tiên cấp 100% BHYT. Theo thống kê của BHXH huyện, có gần 14.000 học sinh là con, em đồng bào DTTS trên địa bàn không còn được ngân sách nhà nước cấp 100% kinh phí BHYT từ khi quyết định này có hiệu lực. Đây cũng là nguyên nhân của sự giảm sụt mạnh tỷ lệ học sinh tham gia BHYT trên địa bàn. Bên cạnh đó, có một bộ phận người dân không còn được cấp BHYT vẫn có tâm lý trông chờ, ỷ lại; một số người thì chưa nhận thức đầy đủ về chính sách BHYT nên chưa tham gia BHYT cho con, em mình.

Bảo hiểm xã hội huyện Cư M'gar tuyền truyền về chính sách bảo hiểm y tế cho học sinh tại Trường THCS Nguyễn Tất Thành.

Cũng theo ông Quảng, để đạt được tỷ lệ 100% học sinh tham gia BHYT như mục tiêu đề ra trong năm học 2022 - 2023, BHXH huyện phối hợp chặt chẽ với các trường học đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, chú trọng nội dung về quyền lợi hưởng khi tham gia BHYT để khuyến khích đối tượng học sinh tham gia.

Bên cạnh đó, quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng công tác y tế học đường để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh ngay tại nhà trường. Đồng thời, xem xét đưa chỉ tiêu về tỷ lệ học sinh tham gia BHYT là một trong những nhiệm vụ bắt buộc của năm học và là chỉ tiêu đánh giá thi đua, khen thưởng của nhà trường. Cùng với đó, tích cực huy động nguồn xã hội hóa tặng thẻ BHYT cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Huyện ủy Cư M’gar đã ban hành Chỉ thị số 15-CT/HU, ngày 20/9/2022 về việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn huyện. Theo đó, Ban Thường vụ Huyện ủy yêu cầu đưa chỉ tiêu phát triển số lượng người tham gia BHYT, BHXH vào nghị quyết của cấp ủy, trong kế hoạch công tác hằng năm. Đặc biệt, tập trung huy động các nguồn lực hợp pháp hỗ trợ cho đồng bào DTTS, học sinh ở các địa phương mới thoát khỏi vùng KT-XH khó khăn, tiến đến mục tiêu BHYT, BHXH  toàn dân.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.