Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Pắc: Tìm giải pháp bảo đảm chất lượng dạy và học trước bài toán thiếu giáo viên

08:14, 15/11/2022

Ngành giáo dục huyện Krông Pắc đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo duy trì và nâng cao chất lượng dạy học trước tình trạng thiếu giáo viên cục bộ, thiếu cơ sở vật chất phòng học và thiết bị dạy học.

Giáo viên tình nguyện bám trường

Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo nằm ở địa bàn xa xôi nhất của xã vùng III Vụ Bổn. Toàn trường có 20 lớp với 390 học sinh, trải khắp 4 điểm trường nằm cách nhau hàng chục kilômét. Phần đông học sinh nơi đây là người dân tộc thiểu số, khả năng nói, đọc, viết tiếng phổ thông rất hạn chế.

Giờ dạy của cô Hoàng Thị Huyền với học sinh lớp 1A4, Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo.

Cô Hoàng Thị Huyền, giáo viên chủ nhiệm lớp 1A4 ở điểm trường thôn Thanh Thủy là một trong số 12 giáo viên viết đơn tình nguyện xin chuyển công tác vào Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo trong vòng 3 năm qua. Ba mươi năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục, động lực lớn nhất để cô Huyền tình nguyện chuyển từ một trường ở khu vực trung tâm huyện về một trường vùng III chính là tấm lòng mến trẻ, yêu nghề. Cô Huyền tâm sự, lớp 1A4 chỉ có 15 học sinh nhưng có đến 5 dân tộc khác nhau là Kinh, Tày, Vân Kiều, Thái và Mông. Nhiều em đến trường còn chưa nghe được tiếng phổ thông, phải mất đến 2 tháng “vừa dạy vừa dỗ” cả cô và trò mới dần hiểu nhau, duy trì tốt nền nếp lớp học.

Lớp 1 được xem là lớp vất vả nhất đối với giáo viên tiểu học, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Với bề dày công tác, cô Huyền không ngừng đổi mới, sáng tạo trong cách truyền đạt và khích lệ, động viên để các em ngày một nỗ lực học tập, kiên trì vượt qua những khó khăn, trở ngại ban đầu.

Thầy Hồ Văn Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo cho biết, nhà trường hiện có 25 giáo viên trực tiếp giảng dạy, trong đó chỉ có 6 giáo viên tại địa phương còn 19 giáo viên được luân chuyển từ các trường khác đến. Tuy nhiên, năm học này, trường vẫn thiếu 2 giáo viên đứng lớp, phải điều động giáo viên âm nhạc (có văn bằng 2 sư phạm tiểu học) phụ trách. Hầu hết, các thầy cô nơi đây thường xuyên đi sớm, về trễ, chủ động tăng tiết để có thêm thời gian kèm cặp, phụ đạo cho học sinh mà không đòi hỏi quyền lợi gì. Ngoài ra, còn có các thầy cô tình nguyện kiêm nhiệm vai trò Tổng phụ trách Đội, quản lý thư viện dù không được nhận chế độ thanh toán thêm giờ. Nhờ tinh thần đoàn kết, trách nhiệm ấy, công tác dạy và học của nhà trường được đảm bảo ổn định, chất lượng giáo dục không ngừng nâng cao với tỷ lệ lên lớp hằng năm đạt bình quân 98,7%, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%.

Linh động bố trí giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc luân chuyển giáo viên từ nơi thừa đến nơi thiếu, nhưng năm học này, bậc học tiểu học ở huyện Krông Pắc vẫn còn có 11 trường thiếu 22 giáo viên đứng lớp, 3 trường chưa có giáo viên tiếng Anh và 5 trường chưa có giáo viên Tin học. Tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng nhất là ở Trường Tiểu học Hoàng Diệu (xã Vụ Bổn), do chưa điều chuyển được giáo viên và số lượng học sinh lớp 1 tăng đột biến. Còn ở bậc THCS cũng ghi nhận thiếu hơn 20 giáo viên ở 10 trường, chủ yếu là các môn học: Toán, Địa lý, tiếng Anh, Tin học. Bậc mầm non còn thiếu đến 65 giáo viên.

Giờ học Mỹ thuật được tổ chức ngoài trời của học sinh Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo.

Thầy Huỳnh Hồng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Pắc cho biết, tâm lý giáo viên thường muốn ổn định, gắn bó với môi trường quen thuộc nên việc thuyên chuyển, điều động gặp không ít trở ngại. Chính vì thế, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tăng cường vận động giáo viên tình nguyện chuyển công tác về trường thiếu giáo viên, đặc biệt là các trường vùng sâu, vùng xa để tránh việc học sinh gặp thiệt thòi vì phải học ghép lớp. Từ năm 2019 đến nay, Phòng đã điều động 39 giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu. Các trường cũng linh động sắp xếp giáo viên đứng lớp, giáo viên bộ môn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ năm học, chủ động tháo gỡ những khó khăn tạm thời do thiếu giáo viên và hạn chế về cơ sở vật chất.

Để giáo viên an tâm công tác, thay vì điều động giáo viên, ngành giáo dục huyện đang nghiên cứu triển khai phân công giáo viên dạy liên trường, đưa giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu trong thời gian từ 1 – 2 năm nhưng không thay đổi đơn vị quản lý. Bên cạnh đó, ngành giáo dục huyện vẫn còn hơn 100 chỉ tiêu biên chế chưa tuyển dụng. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tham mưu thực hiện việc tuyển dụng trong thời gian tới, lấp khoảng trống về giáo viên các bộ môn ở các trường học.

Năm học 2022 – 2023, ngành giáo dục huyện Krông Pắc có hơn 38.800 học sinh từ mầm non đến THCS. Hiện, các trường còn thiếu 163 phòng học, 322 phòng chức năng và bộ môn. Rất nhiều trường thiếu ti vi và dàn máy vi tính để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.