Huyện Krông Pắc: Xây dựng nền giáo dục mở, thích ứng trên nền tảng số
Những năm gần đây, ngành giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) huyện Krông Pắc đang từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm; ứng dụng tiến bộ công nghệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, nâng cao chất lượng, xây dựng nền giáo dục mở, thích ứng trên nền tảng số.
Xây dựng trường học thông minh
Năm học 2021 - 2022, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều tháng liền Trường Tiểu học Nguyễn Văn Bé (xã Hòa Đông) phải thực hiện dạy - học trực tuyến. Tuy nhiên, đây cũng được coi là tiền đề để trường tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý và dạy học.
Thầy Bùi Công Bình, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, nhà trường đã chủ động đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cho việc ứng dụng CNTT. Trong đó, đáng chú ý là việc nâng cấp đường truyền Internet toàn trường; trang bị máy chiếu kết hợp bảng tương tác điện tử hoặc tivi thông minh cho 100% các lớp khối 1, 2, 3.
Các giáo viên cũng tự trang bị thiết bị và phần mềm dạy trực tuyến trong thời gian giãn cách xã hội. Thậm chí, khi học sinh đi học bình thường trở lại nhưng phát sinh một số ca mắc COVID-19, các em vẫn có thể ngồi tại nhà học trực tuyến.
Một tiết học trên nền tảng số tại lớp 3A, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Bé (huyện Krông Pắc). |
Cô Cao Thị Mỹ Trang, giáo viên Trường Tiểu Ngọc Nguyễn Văn Bé chia sẻ: Từ định hướng chuyển đổi số của ngành, các giáo viên của nhà trường đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, học hỏi thông qua việc tham gia các lớp tập huấn của ngành, tìm hiểu trên mạng Internet, hay từ đồng nghiệp... Bản thân giáo viên cũng tự đầu tư phương tiện dạy học, tự trang bị laptop để khai thác dữ liệu, soạn bài giảng điện tử, giảng dạy trong môi trường số.
Với Trường THCS thị trấn Phước An, việc ứng dụng CNTT trong hoạt động dạy học, quản trị nhà trường cũng đã đem lại hiệu quả tích cực. Hiện nay, ngoài hai phòng tin học, nhà trường còn đầu tư lắp đặt tivi thông minh tại 100% phòng học để sử dụng bài giảng điện tử, hệ thống wifi toàn trường, thuận tiện cho việc kết nối hoặc tìm kiếm thông tin. Trên lớp, giáo viên có thể giảng bài thông qua các phần mềm, mô hình, hình ảnh trực quan, giúp giờ học trở nên sinh động, tạo được hứng thú cho học sinh, gia tăng tương tác giữa người dạy và người học...
Thầy Đặng Như San, Phó Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phước An cho biết, những năm qua, nhà trường đã áp dụng phần mềm trực tuyến Smas phục vụ cho quá trình lưu trữ, quản lý hồ sơ giáo viên, học sinh, quá trình giảng dạy và học tập; từ đó nhà trường tiết kiệm được thời gian làm công tác thống kê, báo cáo, chi phí mua sắm văn phòng phẩm. Ngoài ra, Smas còn có chức năng nổi bật là nhắn tin tích hợp đến số điện thoại phụ huynh đã đăng ký để thông báo kết quả học tập của học sinh... Qua đó, giúp phụ huynh nắm bắt tình hình học tập của con em mình, phối hợp cùng thầy, cô giáo và nhà trường trong việc quản lý, giáo dục học sinh.
Tạo sự thông suốt, đồng bộ
Thầy Huỳnh Hồng, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Krông Pắc cho biết, Phòng hiện đang quản lý 98 trường học trên địa bàn (từ mầm non đến THCS). Nếu trước đây, công tác quản lý trong giáo dục chủ yếu thông qua hồ sơ, sổ sách, thì hiện nay đã được đơn giản hóa bằng các ứng dụng CNTT. Các dữ liệu của ngành giáo dục đều được cập nhật vào hệ thống phần mềm, giúp cán bộ quản lý, giáo viên thuận tiện ứng dụng trên nền tảng số.
Trong công tác giảng dạy, trước đây, giáo viên mầm non phải vất vả tìm kiếm rồi cắt dán những hình ảnh, biểu tượng, đồ dùng phục vụ bài giảng. Hiện nay, chỉ cần vài “click chuột” là trên màn hình tivi đã xuất hiện hình ảnh những con vật ngộ nghĩnh, bông hoa đủ màu sắc, hàng chữ, số biết đi, biết nhảy theo nhạc hiện ra, thu hút sự chú ý và tạo hứng thú học tập của học sinh. Với bậc học khác cũng vậy, những bài giảng từ giáo án điện tử ở các môn học như toán, sinh học, hóa học, lịch sử, địa lý... đã tạo sự hấp dẫn, tư duy nhiều chiều trước một vấn đề cho cả người dạy và người học.
Học sinh Trường THCS thị trấn Phước An học bài qua tivi thông minh. |
Để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong toàn ngành, những năm qua, Phòng đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, học sinh về sự cần thiết, tính cấp bách của việc ứng dụng công nghệ số trong dạy và học. Đồng thời, phát động phong trào thi đua, thúc đẩy các tập thể, cá nhân phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề xuất sáng kiến, giải pháp hữu ích, góp phần vào công cuộc chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, Phòng cũng tham mưu UBND huyện bố trí kinh phí đầu tư trang thiết bị hiện đại như: máy chiếu, máy tính, tivi thông minh, mạng Internet tốc độ cao… đáp ứng nhu cầu dạy và học cho các trường. Đồng thời trang bị các phần mềm về: quản lý nhân sự, chống tin tặc, bài giảng điện tử, thiết lập website của Phòng GD-ĐT huyện kết nối với trang thông tin điện tử của các trường. Nhờ vậy, công tác chỉ đạo, điều hành của Phòng đến các trường kịp thời, thông suốt, đồng bộ, nhất là việc triển khai các văn bản quy phạm pháp luật mới có liên quan.
100% các trường học tại huyện Krông Pắc đã có đường truyền Internet tốc độ cao; 100% các trường tiểu học, THCS có phòng Tin học và được trang bị thiết bị CNTT hỗ trợ giảng dạy như máy tính, máy chiếu, tivi... Đặc biệt, 100% trường học đã lắp đặt hệ thống camera ở những nơi xung yếu bảo đảm an ninh, an toàn trường học. |
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc