Multimedia Đọc Báo in

Nhung nhớ món quê...

09:33, 27/11/2022

Không phải là cao lương mĩ vị, chỉ là món ăn dân dã với nguyên liệu dễ tìm thấy trong vườn nhà, cách chế biến cũng đơn giản chân chất theo kiểu... nhà nông mà làm xao xuyến bao tâm hồn xa quê phải đau đáu nhớ về. Đó là những món ăn mang hồn quê xứ, không nơi nào có được, đủ để phảng phất phong vị của những ngày xưa cũ.

Thí dụ như món mít non kho ngò gai vậy. Quả mít non ban đầu chỉ là món “trợ đói nghèo” ấy thế mà đã trở thành món “nhớ đời” từ lúc nào chẳng hay.

Ở nông thôn, không trong vườn thì ngoài rẫy, nhà nào cũng trồng vài ba cây mít, bơ hoặc ổi. Quả mít non thường được mẹ hái về, cắt vỏ, xử lý sạch nhựa rồi cắt thành những khoanh tròn, chiên sơ và đem kho. Gia vị cũng chẳng lấy gì làm cầu kỳ: nước mắm, xì dầu, sả, ớt... um trên bếp nhưng phải canh lửa liu riu đến độ nồi mít mềm nhưng không nhũn, có màu vàng ngã sang nâu nhẹ trên lớp mặt, nhìn mà ham lắm! 

Mẹ kho mít non thì nhất định khi gần tắt bếp phải ra vườn hái bằng được nắm lá ngò gai cũng mọc hoang đâu đó để cho vào, rồi rắc thêm ít hạt tiêu. Mùi thơm dậy lên, những hôm trời mưa gió, bới chén cơm nóng, ăn với khoanh mít non thì có một dư vị rất lạ, “đưa cơm” ngon lành.

Mít non kho, món ăn làm nhung nhớ bao người.

Cũng là mít non nhưng mẹ mang đi luộc, cắt nhỏ rồi trộn với gia vị, đậu phụng và rau thơm, hôm nào sang hơn nữa thì cho thêm ít thịt ba chỉ cắt sợi. Gỏi mít xúc với bánh tráng đã trở thành sản vật, ăn ngon không gì bằng.

Hay như món canh lá ớt gợi nhớ nhung bao người. Nghe có vẻ lạ, nhưng đó là “đặc sản” biểu trưng cho một vùng địa lý đầy chất “chân quê” mà con nhà nông nào cũng rất nhớ mùi vị này.

Trong các khu rẫy ở Tây Nguyên, thường có loài ớt xiêm mọc hoang trong lô cà phê. Ngọn ớt non, mẹ hái về, rửa sạch, vò nhẹ rồi phi dầu thơm, cho một ít tôm khô giã nhuyễn hoặc hôm nào “xôm tụ” hơn thì nấu với một ít thịt bò bằm. Đợi nước sôi, cho ngọn ớt vào, nước sôi bùng lên lần nữa thì tắt bếp. Canh lá ớt có vị chát nhẹ nhưng nước canh ngọt thanh, húp bát canh nóng hổi mà đã... không gì bằng. Những hôm trời mùa khô nóng bức và ngột ngạt, mấy đứa con nít trong nhà xúm xít chan canh vào chén cơm mà nghe mát từ miệng xuống cổ.

Nhờ sống ở nông thôn, tôi biết ăn mít non, nghiện mùi canh lá ớt, biết hái rau sam mọc dại trong rẫy về luộc, lấy nước làm canh, biết hái mấm mối về làm bánh xèo... Những món ăn không phải ra chợ mua mới có được. Đó là những món quê dung dị chứa đựng cả một miền ký ức để nhớ về những nếp nhà, những ấm áp bên mâm cơm chiều bốc khói. Nơi đó có thơm mùi bếp củi, mùi khói, mùi ngai ngái của rau dại mới kịp hái về.

Ngày trước mẹ tôi hay nói “ăn theo thuở, ở theo thời”. Sống ở nông thôn, các nguyên liệu để nấu ăn đều có sẵn trong vườn nhà. Tùy vào hoàn cảnh mà có cách sống sao cho phù hợp, có thứ gì thì nghĩ ra cách chế biến món ấy, không tốn tiền mua nhưng vẫn có thể nấu cho chồng con bữa cơm ngon lành.

Trưa nay, ngồi nói chuyện Facetime với đứa bạn đã bao năm rời quê lên thành phố lập nghiệp. Nó bảo, thèm nồi canh ở quê. Vì ngày trước bữa cơm nhà nó không mấy khi mẹ phải tốn tiền mua rau ngoài chợ, chỉ dùng toàn rau trong vườn nhà hoặc hái trong rẫy cà phê. Nó nhớ vì nồi canh ấy, toàn là rau sạch, rất dễ tìm, chỉ mọc hoang mà không cần ai chăm sóc. Nồi canh của tuổi thơ, của đứa con nhà nông, đạm bạc đơn sơ. Những món ăn nó chỉ có thể tìm thấy ở một nơi mà không tìm thấy ở đâu ngon bằng. Càng nghĩ đến lại càng thèm, lại nhớ quê đến “cháy lòng”.

Bạn tôi, cũng như nhiều đứa con xa quê khác, đi Đông đi Tây nhưng có những món quê vẫn “nhớ đời” cho dù “không giống ai” đối với thời bây giờ. Những món ngon xuất phát từ hoàn cảnh quê nhà, có mùi thơm ruộng đồng hấp dẫn đủ để nhận ra cả một trời quê hương nồng thơm trong đó.

... Đôi khi, thầm ước, chỉ cần ăn lại một lần, nhâm nhi dư vị của ngày cũ sẽ thấy thời tuổi thơ tóc cháy nắng ngang qua bao mùa rẫy, thỏa lòng những kẻ xa quê.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.