Multimedia Đọc Báo in

Thư viện số của Đoàn Thanh niên

07:03, 27/11/2022

Từ khi Đoàn phường An Bình (thị xã Buôn Hồ) triển khai mô hình Thư viện số, phong trào đọc sách của người dân trên địa bàn phường ngày càng lan tỏa, đặc biệt là trong các bạn đoàn viên thanh niên (ĐVTN), góp phần thúc đẩy văn hóa đọc.

Mô hình Thư viện số được Đoàn phường An Bình triển khai thực hiện từ tháng 7/2022, do các bạn ĐVTN cùng lên ý tưởng thực hiện trên nền tảng trang web có sẵn.

Cùng với đó, Đoàn phường đã liên hệ với các trang web lớn về ebook, sách miễn phí để liên kết; đối với đầu sách mất phí thì liên hệ với đơn vị để được mua với giá thấp nhất nhằm làm phong phú thêm đầu sách cho thư viện để phục vụ độc giả.

Đến nay, Thư viện số của Đoàn phường có khoảng 100 đầu sách với nhiều lĩnh vực phù hợp tất cả các đối tượng từ người già đến trẻ nhỏ như: văn hóa, lịch sử - chính trị, địa lý, pháp luật, công nghệ - thông tin, tâm lý – kỹ năng sống – khởi nghiệp, y học – sức khỏe, truyện thiếu nhi…

Đoàn viên thanh niên quét mã QR truy cập Thư viện số. 

“Không giới hạn thời gian, không gian mà chỉ với chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng Internet rồi quét mã QR, các bạn ĐVTN có thể ngồi ở nhà, hoặc quán cà phê, nhà văn hóa cộng đồng… lựa chọn những cuốn sách mình yêu thích để đọc”, anh Nguyễn Văn Trung, Bí thư Đoàn phường An Bình chia sẻ. Để tạo thuận lợi cho các ĐVTN cũng như mọi người dân có nhu cầu đọc sách, Đoàn phường đã in các mã QR của Thư viện số dán ở trụ sở UBND phường, nhà văn hóa cộng đồng của 6/6 tổ dân phố và 4 quán cà phê trên địa bàn phường.

Bạn Nguyễn Duy Thái chia sẻ, từ lâu bạn đã rất thích đọc sách nhưng bị hạn chế bởi nhiều nguyên nhân. Từ khi mô hình Thư viện số của Đoàn phường đi vào hoạt động, Thái có thể tìm được những cuốn sách ở lĩnh vực mình quan tâm một cách dễ dàng nên thường tận dụng những lúc rảnh rỗi để truy cập vào đọc, thư giãn. Bạn Nguyễn Tiến Nam cho hay: "Trước đây mỗi lần ngồi quán cà phê em thường lướt mạng xã hội hoặc chơi game, tuy nhiên thời gian gần đây em thường truy cập vào Thư viện số của Đoàn phường để đọc sách. Hơn thế nữa, em đã chụp ảnh mã QR và lưu lại nên những lúc rảnh rỗi đều có thể truy cập vào đọc sách, truyện".

Trong cuộc sống hiện nay, khi cả nước nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng đang đẩy mạnh việc chuyển đổi số thì mô hình Thư viện số của Đoàn phường An Bình không chỉ góp phần cung cấp những kiến thức hữu ích cho giới trẻ mà còn là tiền đề để kích thích văn hóa đọc trong cộng đồng.  Đây cũng là làn gió mới, là xu thế tất yếu của hội nhập. Anh Nguyễn Văn Trung bày tỏ: “Ngày nay, việc sử dụng điện thoại thông minh đã rất phổ biến, nhất là với giới trẻ, do đó mô hình Thư viện số này sẽ kích thích sự tò mò để ĐVTN cũng như người dân thử truy cập và tìm đọc sách trên thư viện ảo. Kết quả sau 4 tháng triển khai, mô hình đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực của cộng đồng dân cư. Sắp tới, Đoàn phường sẽ liên hệ để triển khai Thư viện số ở các trường học phục vụ ĐVTN học sinh”.

Hiện nay, Đoàn phường An Bình đang tiếp tục kết nối với các đơn vị, trang web để kết nối, mở rộng thêm nhiều đầu sách phục vụ nhu cầu của bạn đọc. Với cách làm hiệu quả và thiết thực này, hiện nay một số đoàn phường, xã trên địa bàn thị xã đang học tập để triển khai thực hiện ở đơn vị mình nhằm phát huy văn hóa đọc trong cộng đồng; đồng thời góp phần đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số của địa phương.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc