Multimedia Đọc Báo in

Tuổi trẻ Buôn Đôn: Chung sức vì môi trường xanh - sạch - đẹp

08:28, 07/11/2022

Chương trình đổi rác lấy cây xanh, hay ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường do tuổi trẻ huyện Buôn Đôn thực hiện trong thời gian qua đã mang lại những hiệu ứng tích cực trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về việc bảo vệ môi trường.

Nhằm lan tỏa ý thức về bảo vệ môi trường cho đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) và người dân, trong Ngày hội Tôi yêu Tổ quốc tôi được tổ chức vào tháng 10 vừa qua, Huyện Đoàn – Hội LHTN Việt Nam huyện Buôn Đôn đã chuẩn bị khoảng 1.000 chậu sen đá để đổi lấy… rác. Toàn bộ cây cảnh được đơn vị thu mua từ vựa cây cảnh ở TP. Buôn Ma Thuột, kinh phí triển khai chương trình do nhà hảo tâm ủng hộ.

Tuổi trẻ huyện Buôn Đôn tham gia làm sạch môi trường địa bàn xã Ea Wer.

Theo chương trình, cứ 2 kg giấy vụn, hay 10 lon bia, nước ngọt sẽ đổi được 1 chậu sen đá; 2 kg chai nhựa tương đương với 3 chậu cây, 1 kg sắt vụn đổi được 2 chậu cây. Dù mới lần đầu tổ chức nhưng chương trình đã thu hút đông đảo bạn trẻ, người dân, nhất là học sinh trên địa bàn cùng tham gia.

Đổi mớ vỏ chai lấy 5 chậu cảnh nhỏ, em Dương Thị Trinh (xã Ea Wer) cho hay, các loại phế liệu này không hề khó kiếm, thậm chí có rất nhiều xung quanh mỗi gia đình. Bởi vậy nên khi có chương trình, không chỉ Trinh mà các bạn trong xóm cũng rất thích thú hưởng ứng. Trinh cũng hiểu hơn rằng, bất cứ ai, độ tuổi nào cũng có thể hành động bảo vệ môi trường bằng những việc giản đơn như thu gom rác thải, trồng, chăm sóc cây xanh, giữ gìn cảnh quan gia đình.

Theo anh Nguyễn Quang Trung, Bí thư Huyện Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện thì thành công bước đầu này cũng là động lực để đơn vị tiếp tục triển khai chương trình với quy mô, số lượng đa dạng, phong phú hơn nhằm truyền tải thông điệp mỗi việc làm nhỏ của mọi người đều góp phần cho môi trường sống thêm xanh, sạch, đẹp…

Chương trình đổi rác lấy canh xanh của Huyện Đoàn Buôn Đôn.

Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nóng, tuổi trẻ Buôn Đôn đã thay đổi nhận thức người dân bằng các hành động thiết thực, đều đặn. Thông qua các chương trình như “Ngày thứ Bảy tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh”, “Tháng Thanh niên”; “Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè”, “Giờ trái đất”, từ 2017 đến nay, các cấp cơ sở Đoàn đã thực hiện trên 150 đợt hoạt động vệ sinh môi trường, thu gom 12 tấn rác thải, đào 34 hố xử lý rác thải, nạo vét, phát quang được trên 60 km kênh mương nội đồng, tu sửa được 35 km đường giao thông nông thôn. Đặc biệt, ĐVTN trong toàn huyện còn trồng mới và chăm sóc trên 5.300 cây xanh; xây dựng 7/7 con đường thanh niên tự quản với các tiêu chí sáng - xanh - sạch - đẹp - văn minh - an toàn. Ngoài ra, tuổi trẻ còn tham gia thực hiện các mô hình như thắp sáng đường quê, xây dựng đường giao thông nông thôn, làm sạch làng quê, xây dựng các tuyến đường hoa, cây xanh.

Đoàn xã Tân Hòa được đánh giá là một trong những đơn vị có nhiều hoạt động thiết thực trong bảo đảm vệ sinh môi trường, nhất là tham gia xóa 3 tụ điểm rác thải ở các thôn 13, 15 và xung quanh chợ Tân Tiến. Cùng với dọn dẹp vệ sinh, ĐVTN phải mất nhiều thời gian phối hợp tuyên truyền đến người dân, các chủ cơ sở buôn bán kinh doanh về việc giữ gìn vệ sinh môi trường chung. Địa phương cũng tích cực thông báo người dân chế tài xử phạt nghiêm khắc và lắp camera giám sát ở các khu vực này, nhờ đó, từ đầu năm đến nay, tình trạng xả rác bừa bãi gần như chấm dứt. Đoàn xã cũng đang có ý tưởng triển khai thùng rác tái chế từ lốp xe để đặt tại các cánh đồng nhằm nâng cao ý thức bà con trong việc sử dụng và vứt vỏ thuốc trừ sâu đúng nơi quy định.

Thời gian tới, Huyện Đoàn sẽ tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm trong phong trào “Chống rác thải nhựa”, chương trình “Vì một Việt Nam xanh”; các mô hình, công trình về bảo vệ môi trường; sáng tạo khởi nghiệp xanh trong ĐVTN; đồng thời vận động ĐVTN đảm nhận các công trình trồng cây, trồng rừng, sản xuất, nuôi trồng theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.