Đưa văn hóa truyền thống vào đời sống đô thị
Đưa văn hóa truyền thống vào trong đời sống đô thị hiện đại là vấn đề xã hội quan tâm, nhưng không dễ thực hiện.
Lý do đơn giản chính là những mâu thuẫn trong ứng xử và nhận thức, giữa các thế hệ cư dân, cộng đồng xã hội lâu nay. Tháo gỡ, điều chỉnh những mâu thuẫn ấy là hướng xử lý cần thiết, để đời sống văn hóa mới ở các khu đô thị trở nên gần gũi với mục tiêu phục hồi, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Với những đô thị có tính đặc thù vùng miền, như TP. Buôn Ma Thuột, yêu cầu hội nhập văn hóa cũ và mới lại càng gặp nhiều khúc mắc. Bởi lẽ, thành phố cao nguyên này không chỉ tiếp nạp những thị dân hiện đại, mà còn phải cân bằng được nếp sống, cách nghĩ, tập tục của rất nhiều thế hệ cư dân, những nhóm đồng bào dân tộc ít người, và cả tư duy mẫu hệ vốn dĩ đã ăn sâu vào cộng đồng nơi đây.
Xung đột cũ - mới…
Câu chuyện xung đột văn hóa truyền thống với cách nghĩ, lối sinh hoạt của các cư dân đô thị đã tồn tại từ lâu. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, nếp sinh hoạt của người dân luôn có chênh lệch giữa tư duy văn hóa và thực tiễn đời sống, nhất là với các thế hệ trẻ, thói quen sinh hoạt đề cao tự do cá nhân ngày càng đối lập những nếp sinh hoạt, lễ nghi truyền thống. Nên việc đưa văn hóa truyền thống, đặc biệt là văn hóa có tính chất bản địa của các dân tộc, của từng vùng miền vào trong các đô thị hiện nay thật không hề dễ dàng.
Nhà văn hóa cộng đồng và trường mẫu giáo, là những hạng mục văn hóa cơ sở được đầu tư tại khu đô thị Ân Phú (TP. Buôn Ma Thuột). |
Đối với những đô thị ở Đắk Lắk, mà tiêu biểu là TP. Buôn Ma Thuột và thị xã Buôn Hồ, mâu thuẫn văn hóa đời sống truyền thống và hiện đại cũng có sẵn, nhất là trong giai đoạn phát triển kinh tế gần đây. Khi diện tích đô thị mở rộng, nếp sống mới xâm nhập vào tận từng buôn làng, tư duy và hành động của cộng đồng dân cư đã biến chuyển khác hẳn. Trong khi đó, yêu cầu gìn giữ văn hóa cộng đồng truyền thống lại ngày một được quan tâm đề cao hơn. Cho đến nay, Đắk Lắk lại đặc biệt là địa phương có đến ba di sản văn hóa phi vật thể có tính chất truyền thống và dị biệt. Vậy làm sao vừa phải giữ gìn, tái hiện được những không gian văn hóa đó tại chính những vùng đất, gốc rễ văn hóa đã có, vừa phải lan tỏa, tương tác được những giá trị văn hóa với người dân hiện nay, biến di sản văn hóa thành tài sản văn hóa để phát huy hiệu quả, đóng góp tích cực vào giáo dục cộng đồng xã hội? Câu hỏi này, thực sự không dễ trả lời.
Ba bước đưa văn hóa truyền thống vào đời sống đô thị
Ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk nhìn nhận, áp lực đối với ngành văn hóa địa phương, với các tiêu chí vận động, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống vào đời sống khu đô thị, khu dân cư mới, thật sự rất lớn. Nếu bắt buộc cộng đồng phải chấp nhận có những khoảng không gian tôn tạo riêng cho các hoạt động văn hóa truyền thống, mà không kết nối hài hòa, không tạo được sự chấp nhận tự nguyện của các cư dân, thì mọi sự vận động đều chỉ ở hình thức bên ngoài. Nhưng nếu không tổ chức đưa văn hóa truyền thống vào các điểm đô thị mới, tương tác với các thị dân mới, chắc chắn càng đi càng xa, mọi giá trị sẽ bị mai một.
Do đó, ngành văn hóa Đắk Lắk đang phải tính đến một hoạch định “dài hơi” về tổ chức đưa văn hóa truyền thống vào cộng đồng các khu đô thị, khu dân cư. Có ba điều cần thiết để làm được việc này.
Thứ nhất, các điểm đầu tư đô thị mới cần phải có thiết chế văn hóa cộng đồng cơ sở, có công trình văn hóa được đầu tư nghiêm túc, tiến đến vận hành hoạt động hiệu quả. Đó có thể là những nhà sinh hoạt cộng đồng, khu văn hóa chung được hình thành trong các khu đô thị mới, cũng có thể là những nhà văn hóa cơ sở được đầu tư trong cộng đồng dân cư, các thư viện sách cho người dân, bảo tàng địa phương hoặc di chỉ văn hóa lịch sử… Yêu cầu của các nhà quản lý hiện nay, là các dự án đầu tư phát triển khu, cụm đô thị mới đều phải dành hạng mục cho hướng đầu tư này.
Thế hệ trẻ cần được hướng dẫn, thông tin nhiều hơn về văn hóa truyền thống. |
Thứ hai, tổ chức truyền thông, thông tin các giá trị văn hóa truyền thống một cách thỏa đáng, đi sâu vào đời sống người dân. Đây là vấn đề thường được nói đến, nhưng thực chất lâu nay lại ít diễn ra, hay chỉ diễn ra một cách hình thức. Một khi cư dân các khu đô thị nắm được những thông tin ở chính khu vực sinh sống của họ, có những giá trị, tập tục văn hóa nào đáng phát huy, họ sẽ có sự tìm hiểu và kết nối cần thiết. Nhất là với giới trẻ, nếu biến được các hoạt động văn hóa truyền thống thành sự kiện liên tục, quen thuộc, điểm nhấn sinh hoạt cộng đồng trẻ trung, hào hứng, chắc chắn sự hưởng ứng của họ sẽ rất tích cực. Càng là sự kiện văn hóa có giá trị, chất lượng thu hút này sẽ càng cao.
Thứ ba, hợp tác giữa các cấp chính quyền cơ sở, cơ quan quản lý văn hóa, với chính các chủ đầu tư dự án khu đô thị, khu dân cư, trong vận hành hoạt động về sau, khi các dự án đô thị mới chính thức thành hình, là điều cực kỳ quan trọng. Khi chủ đầu tư nhận thức rõ, xây dựng được văn hóa truyền thống trong cộng đồng thị dân đô thị mới, mới là cơ sở để các đô thị vững bền, tăng giá trị đầu tư, để cùng địa phương thiết kế được các kế hoạch phát huy văn hóa bản địa, đồng hành cùng địa phương tổ chức hiệu quả hoạt động văn hóa, chất lượng các khu đô thị sẽ được nâng cao, giá trị thương mại đầu tư theo đó cũng cực kỳ thay đổi. Không phải chủ đầu tư nào cũng hiểu được điều này, nên công tác tuyên truyền, vận động các giá trị văn hóa truyền thống tại các khu đô thị, khu dân cư lại càng trở nên quan trọng và cấp thiết.
Nguyên Đức
Ý kiến bạn đọc