Mưu sinh những ngày cuối năm
Những ngày cuối năm, phố phường rộn rã vào xuân cũng là lúc những người lao động nghèo tận dụng khoảng “thời gian vàng” để kiếm thêm thu nhập, với mong muốn thêm ít tiền lo cái Tết cho gia đình. Trên nẻo đường mưu sinh ngày cận Tết, bước chân của họ hối hả hơn...
1. Từ 14 giờ, chị Triệu Thị Mẫn (quê Hải Dương) đã tất bật chuẩn bị chảo, dầu, xắt khoai, ép chuối... hết thảy chất gọn lên chiếc xe đẩy, lên đường đi bán bánh chiên cho đến tối mịt mới về. Gọi là nghề xe đẩy cũng được, nghề theo những chảo bếp di động hay nghề của những xấp tiền lẻ cũng chẳng sai. Chỉ biết rằng cái nghề này đi đến đâu nhất thiết phải có chảo bếp đến đó. Từ 15 năm nay, chỗ dừng của chị thường là vỉa hè trên đường Y Ngông (TP. Buôn Ma Thuột). Khách hàng phần lớn là những cô cậu sinh viên, mua hàng cũng không nhiều nhặn gì: 3.000 đồng, 5.000 đồng đến hai, ba chục nghìn đồng cũng có.
Chị Triệu Thị Mẫn mưu sinh với "nghề theo chảo bếp di dộng". Ảnh: Đ. Lan |
Chị Mẫn trò chuyện, bán bánh chiên chỉ cần sắm bếp, chảo, nguyên vật liệu, nhưng “nặng” vốn nhất là chiếc xe đẩy hơn 8 triệu đồng được chị mua trả góp... là đến được với nghề. Bán bánh chiên tới hơn 22 giờ, chị kiếm không quá 150.000 nghìn đồng/ngày, vì nguyên liệu tăng gấp đôi, nhưng dẫu sao cũng có được cái nghề mưu sinh, bươn chải nuôi hai con, kể từ khi chồng chị mất.
Giơ đôi bàn tay đã chai sạm vì ngày nào cũng gần bếp lửa và chảo dầu nóng, chị Mẫn tâm tình, làm nghề này bị phỏng là chuyện thường tình. Sơ ý một tí là dầu bắn lên liền, đó là chưa kể không may dầu bắn lên cả mắt. Khi mới vào nghề, các ngón tay của chị đỏ hỏn lên vì nóng, phía trên mu bàn tay có không ít những vết phỏng sậm màu, nheo lại, dù chị đã dùng đôi đũa gắp thật dài... “Lâu ngày thành quen, bàn tay chai đi, có hơ vào lửa cũng... chẳng còn thấy nóng”, chị Mẫn cười nói.
Chị Mẫn tâm sự, trời mưa gió chị không ngại nhưng sợ nhất là... những hôm trời nắng gắt. Vì ngày lạnh là những ngày đẹp trời nhất cho người bán bánh chiên dạo. Dầm gió lạnh đêm thâu, về khuya một tí nhưng bù lại, chị bán đắt hàng hơn. Còn những ngày nắng thì ế ẩm, bánh chiên xong xếp chỏng chơ đợi người mua. Cả nhà chị đành phải ăn bánh chiên thay cơm. Vì vậy, trong những ngày đông lạnh buốt cuối năm, những người làm nghề bán bánh chiên như chị Mẫn cố bấu víu vào cái lạnh, cầu mong bán đắt hàng bù lại những ngày nắng gắt, kiếm thêm chút tiền trang trải cho cái Tết đang cận kề.
2. Trên vỉa hẻ, ở góc đường Phan Văn Bạch (phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột), “nữ xế” Trần Thị Ái (SN 1979, TP. Buôn Ma Thuột) liên tục xem điện thoại để không bỏ lỡ “đơn hàng” nào của khách. Ngày cận Tết, nhu cầu mua sắm, đi lại tăng cao, chiếc điện thoại của chị đều đặn “nổ” đơn nhiều hơn. Mệt nhoài, nhưng chị Ái cố gắng có thêm tiền để mua bộ quần áo mới cho con, lo cái Tết tươm tất cho gia đình.
Cuối năm là mùa tất bật nhất với chị Ái, thời gian rong ruổi trên những chuyến xe kéo dài hơn. “Tôi luôn hy vọng thị trường mua bán sôi động hơn, như thế mới có nhiều việc làm cho cánh tài xế. Cực mấy cũng được, miễn đến Giao thừa về nhà nhìn mâm cơm của ba mẹ con đủ đầy là thấy ấm lòng”, chị Ái chia sẻ.
“Nữ xế” Trần Thị Ái mưu sinh bằng nghề lái xe công nghệ. Ảnh: H. Ân. |
Bươn chải nhiều nghề: chạy chợ bỏ mối hoa, củ, quả; phụ quán cơm, ship gạo…, cuối cùng chị “dừng chân” ở nghề làm tài xế xe công nghệ. Theo chị, nghề này linh hoạt được thời gian, vừa chở khách lại có thể tranh thủ đưa đón con đi học. Khi chưa có đơn hàng trên app, chị còn nhận thêm các đơn ship gạo, đồ ăn, thức uống… để tăng thu nhập. Một ngày làm việc của chị thường bắt đầu từ 6 giờ sáng và kết thúc vào 21 giờ, trung bình mỗi ngày kiếm được 350 - 500 nghìn đồng, không nhiều nhưng cũng đủ để chị nuôi hai con nhỏ.
Quanh năm bộn bề cơm áo, gạo tiền, chút thời gian còn lại của năm cũ, những người lao động nghèo vẫn miệt mài làm việc với hy vọng kiếm thêm chút tiền để lo Tết. Gánh trên vai nỗi lo cơm áo, mỗi người phụ nữ ấy vẫn tìm thấy niềm vui nho nhỏ và sự yên bình của mình vì đã có thể lo cái Tết trọn vẹn hơn cho gia đình theo cách riêng của mình. |
Vì cuộc sống mưu sinh, làm “nữ xế” xe công nghệ đã không ít lần chị Ái đối mặt với những “hiểm họa” với nghề. Ngày mưa việc “đo đường” là chuyện thường tình; đôi khi còn gặp phải khách hàng nam say xỉn, họ có những hành động không chuẩn mực... Do đó, để theo nghề, chị chủ động trang bị cho mình kỹ năng tự bảo vệ cần thiết nhằm bảo đảm an toàn.
3. “Tháng cuối năm, nhu cầu dọn dẹp nhà cửa rất lớn nên có ngày tôi làm không có thời gian để ăn…”, chị Nguyễn Thị Quế (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) vừa cẩn thận lau chùi những chiếc bình gỗ trên tủ cao, vừa cởi mở trò chuyện.
Trước, chị Quế làm phụ hồ và làm bảo mẫu cho một cơ sở mầm non tư nhân. Hai năm dịch bệnh, chị thất nghiệp, gia đình rơi vào cảnh khó khăn chồng chất khi hai con đang tuổi ăn học và người chồng phải nhập viện vì căn bệnh tim. Gánh nặng mưu sinh của cả nhà đặt lên vai người phụ nữ mới chỉ 45 tuổi nhưng nom già trên tuổi 50. Quá khốn khó, chị đánh liều đăng tin tìm việc trên nhóm Zalo của tổ liên gia. Thương cảm hoàn cảnh của chị, một số gia đình trong tổ dân phố nhờ chị đến giúp việc nhà theo giờ.
Chị Nguyễn Thị Quế lau dọn nhà theo giờ cho một gia đình. Ảnh: H. Nhung |
Công việc của chị chủ yếu là dọn dẹp các phòng, lau cầu thang, bàn ghế, nấu ăn, rửa bát, phơi quần áo, đưa đón trẻ đi học, làm vườn, chăm sóc cây cảnh, vật nuôi... Vốn tính cẩn thận, chăm chỉ, thật thà nên chị có nhiều khách hàng quen. Bởi vậy có những ngày chị bận tối mắt từ 5 giờ sáng đến 21 giờ mới về đến nhà, tay chân nhức mỏi rã rời vì làm việc, ngâm nước nhiều…
Mỗi tháng chị nhận giúp việc cho 3 - 5 nhà với mức giá 600 nghìn đồng đến 2,5 triệu đồng/tháng/nhà (tùy diện tích, khối lượng công việc, nhà trệt hay lầu và số buổi làm trong tuần theo yêu cầu). Ngoài ra, chị còn giúp việc theo giờ với mức giá 70 nghìn đồng/giờ. Mỗi tháng, công việc giúp việc nhà mang về cho chị thu nhập từ 7 - 9 triệu đồng. “Với mức thu nhập này, bốn người trong gia đình tôi sống khá chật vật vì các con học lên cao, cần nhiều khoản chi phí. Nhưng so với mặt bằng chung của xã hội thì cuộc sống... tốt rồi”, chị Quế tâm sự.
Công việc dọn dẹp nhà cửa tưởng giản đơn nhưng cũng đòi hỏi người làm nghề phải thích nghi với nhiều yếu tố mới có thể lâu bền. “Mỗi nhà có một cách sống, đặc trưng riêng. Có chủ nhà khắt khe, khó tính nhưng cũng nhiều chủ nhà hòa nhã, thân thiện. Người làm việc theo giờ không chỉ thạo việc, trung thực mà cần phải biết hòa nhập để vừa có tâm thế thoải mái khi làm việc, vừa tạo thêm được nhiều mối khách bảo đảm cho công việc duy trì thường xuyên, tăng thu nhập. Ngoài ra, người làm nghề cũng phải học hỏi, biết sử dụng, điều khiển một số thiết bị hiện đại, tránh làm hỏng đồ đạc của chủ nhà…”- chị Quế cho hay.
Ân Huyền Lan
Ý kiến bạn đọc