Multimedia Đọc Báo in

Nơi đêm là...ngày

16:35, 26/12/2022

Trong cái lạnh của những ngày cuối năm, khi mặt trời vừa tắt nắng, ai ai cũng muốn trở về trong căn nhà ấm áp sau một ngày lao động vất vả. Thế nhưng, ở Chợ đầu mối Tân Hòa – nơi cung cấp rau củ quả và thủy hải sản lớn nhất tỉnh Đắk Lắk, buổi chiều tối mới chính là thời điểm khởi động của cuộc mưu sinh.

Gần hai mươi năm theo nghề buôn rau sỉ, vợ chồng chị Nguyễn Thị Sương (xã Ea Knuếc, huyện Krông Pắc) đã quen với những chuyến hàng trắng đêm. Trước kia, chị cùng bà con tiểu thương bám dọc tuyến đường Ngô Gia Tự (khu vực chợ Tân An) để mưu sinh. Hơn hai năm nay, chị  chuyển về chợ đầu mối Tân Hòa để buôn bán.

Chị Nguyễn Thị Sương (giữa) cùng chồng chuyển hàng rau tươi cho khách.

Ở Chợ đầu mối Tân Hòa, mỗi nhóm hàng lại có khung giờ nhộn nhịp khác nhau. Khu vực kinh doanh rau củ quả hoạt động sớm nhất. Từ 5 giờ chiều, vợ chồng chị Sương đã vận chuyển xong những chuyến bắp cải, ớt, bầu bí từ Km52 (huyện Ea Kar) lên chợ, chuẩn bị sẵn sàng cho khách quen. Thời điểm bận rộn nhất là từ 7 – 9 giờ tối, chị Sương luôn tay giới thiệu hàng, chào giá còn chồng chị đảm trách việc bốc hàng lên xe lôi để chuyển ra xe tải của khách đang chờ ở bãi đậu. Công việc thường kết thúc lúc 2 giờ sáng, anh chị trở về nhà chỉ kịp chợp mắt khoảng 3 - 4 tiếng rồi lại tất bật đến các vườn rau thu mua hàng hóa chuẩn bị cho đêm bán tiếp theo.

Chị Sương chia sẻ, bán hàng tươi, sợ nhất là những ngày mưa gió. Rau củ quả chỉ cần dính nước mưa sẽ rất dễ dập, thối, cả chuyến hàng xem như lỗ. Những ngày lạnh như thế này, mặc dù việc đứng bán hàng suốt đêm có phần vất vả nhưng bù lại, hàng hóa giữ được độ tươi ngon tốt hơn. Mỗi đêm, chị bán được khoảng 1,5 – 2 tấn rau quả. Nhờ tằn tiện tích góp, hai năm nay, anh chị cũng đã đầu tư được xe tải nhỏ để vận chuyển hàng hóa, không còn phải đi xe máy chở từng chuyến hàng từ huyện lên như trước đây.

Khác với khu vực rau củ, những gian chợ lồng kinh doanh thủy hải sản thường mua bán muộn hơn, nhộn nhịp nhất là từ 12 giờ đêm đến 3 - 4 giờ sáng. Các mặt hàng tại đây cũng rất đa dạng, từ các loại tôm, cá, mực… được đưa từ Phú Yên, Nha Trang lên còn có các loại tôm, cá nước ngọt nuôi trong tỉnh và vận chuyển từ các tỉnh miền Tây Nam bộ đến.

Chị Trần Thị Bích phân loại tôm trước khi đóng hàng cho khách sỉ.

Tay thoăn thoắt phân loại tôm, chị Trần Thị Bích (phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) bộc bạch, vất vả nhất của nghề buôn bán hải sản là phải làm việc liên tục với nước đá cùng môi trường ẩm ướt. Dù đã mang ủng, khoác tấm nilon nhưng cũng không tránh khỏi việc bị nước bắn vào người khi vận chuyển, phân loại hàng hóa. Sau mỗi đêm làm việc, đôi tay ai nấy đều trắng bợt, nhăn nheo sau lớp găng cao su.

Mấy năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, chi phí vận chuyển, giá cả đầu vào tăng cao khiến việc kinh doanh chịu nhiều ảnh hưởng. Đáng mừng là những tháng cuối năm, lượng hàng hóa bán ra cũng đã tăng đáng kể, an ủi phần nào cho những vất vả, đôi mắt thâm quầng vì mất ngủ của tiểu thương. “Thuận mua, vừa bán” những chuyến thực phẩm thiết yếu từ khu chợ đầu mối lớn nhất tỉnh cứ lặng lẽ tỏa đi khắp nơi, góp phần ổn định mạch lưu thông hàng hóa từ thành phố đến các địa bàn xa xôi và các địa bàn tỉnh bạn như Đắk Nông, Phú Yên, Khánh Hòa…

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.