Cải cách hành chính: Lắng nghe và thay đổi
Từ vị trí “áp chót”, huyện Krông Pắc đã vươn lên “top 3” trong bảng xếp hạng cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh. Kết quả này thể hiện nỗ lực đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống bộ máy thực thi công vụ tại huyện Krông Pắc, ghi dấu bằng chính những mô hình, cách làm thể hiện rõ tinh thần “đổi mới, sáng tạo trong CCHC” của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương.
Khi cơ quan chính quyền nghe dân nói
“Nghe dân nói” và “Tổng đài CCHC” là hai trong số 4 mô hình CCHC được UBND xã Ea Phê đẩy mạnh triển khai nhằm ghi nhận, tiếp thu ý kiến, phản ánh của nhân dân.
Mô hình “Nghe dân nói” được tổ chức vào ngày thứ 6 trong tuần, lịch được xây dựng cụ thể hằng tháng để cán bộ lãnh đạo của xã về các thôn, buôn tiếp thu ý kiến người dân. Trong năm đầu tiên thực hiện mô hình, UBND xã đã tổ chức tại 17 thôn, buôn với hơn 1.000 lượt người tham gia.
Người dân đã nêu hơn 200 ý kiến về những khó khăn, thắc mắc liên quan đến thủ tục đất đai, hộ khẩu, khai sinh… và phản ánh về thái độ phục vụ của cán bộ, công chức bộ phận một cửa. Việc làm tốt, bà con khen, việc làm chưa tốt, bà con đề nghị chấn chỉnh. Tất cả các ý kiến đều được lãnh đạo UBND ghi nhận.
Nhiều thắc mắc được các bộ phận chuyên môn trả lời ngay trong buổi gặp gỡ, còn những vấn đề chưa trả lời ngay được, đoàn đã tiếp thu, giải quyết và trả lời bằng văn bản cho bà con. Trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính, nếu có thắc mắc, kiến nghị, người dân cũng có thể liên lạc vào số điện thoại tại cơ quan của chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã qua mô hình “Tổng đài CCHC”.
Hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính tại xã Ea Phê. |
Chủ tịch UBND xã Ea Phê Phạm Tiến Dũng cho hay, nhờ tích cực ghi nhận ý kiến của người dân, lãnh đạo UBND đã kịp thời chấn chỉnh thái độ ứng xử của cán bộ, công chức, cải thiện những bất cập trong quy trình thực hiện thủ tục hành chính, tạo được sự tin tưởng và hài lòng của người dân.
Để giữ vững vị trí thứ hạng chỉ số cải cách hành chính thuộc nhóm 3 đơn vị dẫn đầu của tỉnh, hệ thống chính trị tiếp tục quyết tâm, đồng lòng, nỗ lực hơn nữa trong việc xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và thực tài, tạo bước đột phá trong thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội theo hướng chuyển đổi số toàn diện”. Bí thư Huyện ủy Krông Pắc Trần Hồng Tiến
|
Tại xã Hòa An, mô hình “Lắng nghe để thay đổi” bắt đầu được triển khai trong năm 2022 và đã tổ chức được hai cuộc gặp gỡ với người dân tại các thôn, buôn.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hòa An Nguyễn Thị Lan Hương, tác động tích cực nhất của mô hình là người dân cảm nhận được sự quan tâm, cầu thị từ những người thực thi công vụ, mạnh dạn bày tỏ ý kiến, tâm tư, nguyện vọng về công tác CCHC.
Từ việc tiếp thu phản ánh của người dân, lãnh đạo UBND xã đã sắp xếp lại quy trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ, thủ tục, chấn chỉnh thái độ của cán bộ, công chức. Toàn xã hiện đã không còn tình trạng hồ sơ tồn đọng, trễ hẹn. Mức độ hài lòng của người dân cũng ngày một tăng lên.
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Bên cạnh việc tiếp tục phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số gắn với các giải pháp CCHC, huyện Krông Pắc đã phát động thi đua chuyển đổi số rộng rãi đến từng cơ quan, đơn vị và từng thôn, buôn, tổ dân phố.
Nhiều mô hình đã được triển khai và mang lại hiệu quả thiết thực như: “Công dân thông thái”, “Ngày trực tuyến”, "Khu dân cư công nghệ số", "Tổ công nghệ số cộng đồng"… Nhờ các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số mà nhận thức và mức độ tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến, các ứng dụng tiện ích của công nghệ số như thanh toán không tiền mặt, thương mại điện tử… của người dân đã tăng lên rõ rệt.
Chỉ riêng trong công tác giải quyết thủ tục hành chính, toàn huyện đã giải quyết hơn 110.000 hồ sơ, trong đó có 23.296 hồ sơ mức độ 3, 4. Số lượng hồ sơ trực tuyến năm 2022 đã tăng gấp hơn 2 lần, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến tăng gấp hơn 3 lần so với năm 2021.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Ngô Thị Minh Trinh, những nỗ lực thực hiện CCHC thời gian qua đã giúp huyện xây dựng chính quyền số ngày một vững vàng, hiện đại, tăng tính minh bạch, công khai trong hoạt động của cơ quan nhà nước cũng như ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.
Nhiệm vụ đặt ra hiện nay là phải đưa những tiện ích từ chính quyền số thực sự đi vào đời sống để người dân có thể chủ động tiếp cận, sử dụng thành thạo dịch vụ công trực tuyến, làm chủ công nghệ số trong nhiều lĩnh vực.
Người dân đánh giá mức độ hài lòng khi thực hiện thủ tục hành chính tại Bộ phận hành chính công huyện Krông Pắc. |
Từ phát động “Chuyển đổi số bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm” trong năm 2022, toàn huyện đã có 249 tổ công nghệ số cộng đồng, phủ khắp các thôn, buôn, tổ dân phố, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Các tổ công nghệ số cộng đồng có sự tham gia của ban tự quản, ban công tác Mặt trận, hội viên các chi hội đoàn thể, giáo viên, công an viên, thanh niên... góp phần đưa chuyển đổi số đi vào cuộc sống từ địa bàn thuận lợi đến cả vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Đinh Nga
Ý kiến bạn đọc