“Căn cước xanh” của Tây Nguyên
Hương sắc của hoa trái chính là dấu ấn làm nên “căn cước xanh” của vùng đất. Dấu ấn “căn cước xanh” của Tây Nguyên không thể không có các loài hoa mà nổi bật là dã quỳ.
Cũng tự bao giờ, cứ mỗi mùa Xuân đến, khắp núi rừng, buôn làng Tây Nguyên lại tươi tắn màu vàng của hoàng mai và sắc hồng thắm của hoa đào, góp phần cho mùa Xuân thêm hương vị. Cũng làm nên dấu ấn “căn cước xanh” Tây Nguyên, không thể không nhắc đến ba loài cây nổi tiếng là cây cà phê, cây xà nu và cây kơ nia. Những loài cây vững chãi, nồng nàn như khí phách, tình cảm Tây Nguyên. Hoa trái nở tưng bừng, phóng khoáng, thênh thang giữa đất trời như tiếng cười rung vang của Tây Nguyên.
Tự bao giờ, những cái tên mĩ miều mimosa, valenda, tiên ông, hoàng hậu… đã nhập quyện vào hương sắc Tây Nguyên. Nhưng những ánh mắt du khách muôn phương lại không khỏi ngỡ ngàng trước những hồn nhiên của hoa dại. Một ban mai nào đó, đang bước đi bỗng chợt sững lại bên vỉa hè vì những chuỗi hoa trắng rũ cành, nhìn rất bình dị nhưng vẻ trinh trắng thì cứ tươi ngời lên trong nắng. Một hoàng hôn nào đó, trong khi phóng xe máy giữa quanh co núi đồi, bỗng chợt lặng người đi khi nhận ra mình đang lạc vào một mông lung thảm cỏ đuôi chồn đang bồng bềnh trong gió những cơn sóng hoang dã ngập ngời… Và hoa dã quỳ, “nữ hoàng hoang dã” của các loài hoa dại bởi chúng thể hiện lòng kiêu hãnh không thể khuất phục được, chúng tượng trưng cho tình yêu mãnh liệt, thủy chung và sức sống mạnh mẽ, bền bỉ với thời gian.
Dã quỳ - “nữ hoàng hoang dã” của các loài hoa dại. |
Nhưng nhắc đến ngày Tết ở Tây Nguyên thì phải cùng lúc nhắc đến hai sắc hoa song hành là mai vàng và đào thắm. Khác với hoàng mai năm cánh chốn đế kinh xứ Huế, mai vàng Tây Nguyên phóng khoáng với nhiều cánh xếp chồng lên nhau, nở bạt ngàn, tươi tắn trước nắng gió, ban phát cho niềm tin tài lộc đầu năm. Tây Nguyên có nhiều làng nổi danh vì mai vàng như làng Phương Quý (Kon Tum) cả làng trồng mai quanh vườn nhà. Người Phương Quý từ đồng ruộng miền Trung lên đây lập làng, mang theo bóng dáng quê hương thương nhớ, đã gửi tình con tim xa xứ vào những gốc mai vàng trước ngõ ngày xuân. Ngược lại, ở làng Mơ Nú (xã Ia Kênh, TP. Pleiku, Gia Lai), người dân lên rừng đào mai rừng về trồng rồi bán cho mọi người chơi hoa Tết. Có người Mơ Nú trồng cả nghìn cây mai trên rẫy. Mai vàng Mơ Nú về sau lan tỏa sang các làng khác như O Sơr, Thông Jố, Thông Ngó… Với sắc màu tươi tắn, hoa đào ở Đắk Lắk những năm gần đây thu hút nhiều người rước về chơi tết. Trong nắng gió Tây Nguyên, đào Buôn Hồ đẹp không kém đào Nhật Tân xứ Bắc, có khi do thích nghi khí hậu nên đào Buôn Hồ sắc màu tươi và bền bỉ hơn nhiều.
Có năm vào mùa xuân, hàng nghìn cây hoa anh đào trên cao nguyên Măng Đen nở rộ khoe sắc như muốn chào đón và giữ chân du khách. Du khách đến từ muôn nẻo Tây Nguyên, thậm chí cả ở những tỉnh thành rất xa, như Huế, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… Có nhiều yếu tố khiến mùa hoa anh đào ở Măng Đen đẹp và quyến rũ, đó là cái lạnh làm cánh hoa se sắt hơn và cái lạnh cũng xui khiến mọi người như muốn xích lại gần nhau hơn, nên tình nên tự. Không gian còn khá nguyên sơ của Tây Nguyên lúc đó đã tôn thêm vẻ đẹp tươi trẻ và sang trọng của loài hoa này…
Cùng với ngắm hoa anh đào, hoa đào, hoa mai vàng nở, đến Tây Nguyên mùa xuân, du khách còn có cơ hội trải nghiệm văn hóa cồng chiêng, văn hóa ẩm thực của người Xơ Đăng, người Êđê, Ba Na, M’nông, Cơ Ho, H’rê…, chủ nhân của truyền thuyết Bảy Hồ, Ba Thác, của các trường ca Đam San, Đăm Noi, Xinh Nhã, Khinh Dú, Đông Tư, Đămte Plan… Bến nước xã Ea Tul (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) tương truyền là nơi còn lưu dấu vết tích bước chân Đam San. Cư M’gar trong tiếng Êđê có nghĩa là Núi Hoa.
Hoa cà phê lúc mãn khai trông như những chuỗi bạch cúc đại đóa. Ảnh: Hoàng Gia |
Từ Núi Hoa phóng mắt ra xa, dễ thấy dáng xà nu bên Đắk Glei (tỉnh Kon Tum) vững chãi vươn lên trời. Đắk Glei nổi tiếng bởi có “Rừng xà nu” ở làng Xô Man, nơi nhà văn Nguyên Ngọc viết về câu chuyện độc đáo của làng. Cũng từ đó, xà nu là cây làm nên vóc dáng Tây Nguyên. Người Giẻ Triêng ở Đắk Glei gọi xà nu là “loong nu”, và chỉ sử dụng của cây loong nu một thứ, đó là nhựa để thắp sáng buôn làng đêm đêm.
Một loài cây khác cũng làm nên vóc dáng vững chắc, trái tim thủy chung của Tây Nguyên là cây kơ nia. Kơ nia là loài cây thân gỗ lớn, tán cây xanh thẳm quanh năm, rất đặc trưng. Lạ một điều là cây thương rừng nhớ cội kiểu nào mà tán cây vươn ra hình quả trứng, trông như một ổ trứng xanh đứng giữa trời. Cây đứng vững chãi, sức sống tràn trề, xưa nay chưa hề bị đổ do mưa bão. Chính sự dũng mãnh của cây nên kơ nia mang ý nghĩa tâm linh rất lớn đối với đồng bào Tây Nguyên - là nơi thần linh trú ngụ. Hãy nhìn cây kơ nia còn sót lại ở thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai). Cây đã già lão, thân mục ruỗng chỉ còn một nửa từ gốc lên đến nơi chia nhánh năm bảy mét, như một pho tượng sừng sững. Vậy mà cây vẫn hiên ngang chia nhánh, tán cây khỏe khoắn vươn lên cao lớn trên trời. Ở trung tâm TP. Buôn Ma Thuột cũng có một cây kơ nia hàng trăm tuổi, dáng kiêu dũng và dưới gốc u lồi ươm rất nhiều hương thơm từ các tách cà phê bốc khói cho người yêu cổ thụ.
Ôi hương cà phê. Những ngày cuối đông đầu xuân, khi đồng bào bắt đầu lễ mừng cơm mới, cũng là thời điểm đất trời vùng này trở nên quyến rũ nhất. Trong cái nắng lạnh đặc trưng của cao nguyên, hoa dại cũng bùng dậy, và đó cũng là lúc bạt ngàn hoa cà phê nở, đánh thức vẻ đẹp của nền đất đỏ bazan từng đi vào những bản trường ca huyền thoại. Hoa cà phê lúc mãn khai, trông như những chuỗi bạch cúc đại đóa, song nhìn kỹ, có thoáng xanh nhạt nơi đầu búp rất đặc biệt. Hoa tròn xoe kết chuỗi trên cành, như dáng những con chim phượng màu trắng khổng lồ vừa sà xuống từ tầng không rồi đậu xuống giữa lá xanh rừng thẳm. Có thể gọi đó là “bạch phượng cà phê”. Hoa cà phê nở tưng bừng trắng xóa núi đồi này tiếp sang đồi núi khác, nhìn xa như những núi tuyết giữa miền nhiệt đới, khiến triệu triệu “nhà phượt” thoáng thấy đã cuống quýt cuồng chân. Hoa cà phê tiếp biến phái sinh trong nụ cười sơn nữ trên nương rẫy, cũng chính là nụ cười tươi trẻ nhất Tây Nguyên khi mùa xuân đến…
Hồ Đăng Thanh Ngọc
Ý kiến bạn đọc