Multimedia Đọc Báo in

Ẩn họa từ những chiếc giếng đào

09:58, 06/02/2023

Trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ rộng chưa đầy 50 m2 nằm lọt thỏm trong buôn Kram (xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin), bà H’D.Ê. ngồi ủ rũ bên góc nhà, nước mắt lưng tròng nhìn di ảnh đứa cháu ngoại Y.K. Ê. 3 tuổi vừa ra đi mãi mãi.

Do bố mẹ của Y.K. đi làm ăn xa nên nhiều tháng nay cháu ở với bà. Sáng 30/1, bà H’D. chở K. ra rẫy (cách nhà gần 1 km) rồi để cháu chơi dưới tán cây, còn mình thì cặm cụi làm cỏ vườn cà phê.

Khoảng 1 giờ sau, bà ngoảnh lại thì không thấy K. ở đâu, gọi mãi không nghe cháu lên tiếng nên tá hỏa đi tìm. Ngó xuống giếng đào ở góc rẫy (sâu khoảng 12 m), bà H’D. thấy đôi dép và chiếc áo của cháu mình nổi trên mặt nước nên hoảng hốt gọi người đến ứng cứu. Tuy nhiên, cháu bé đã tử vong trước khi được đưa lên.

Bà H’D. cho biết, giếng đào này được gia đình sử dụng từ nhiều năm nay. Mùa mưa chỉ che đậy sơ sài bằng cành cây, gỗ mục, còn mùa này thì mở ra để thả máy bơm tưới cà phê. Không ngờ vì một phút bất cẩn mà dẫn đến sự việc đau lòng, giờ ân hận thì cũng đã muộn.

Anh Y Son Ađrơng (SN 1977, trú xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin) hiện vẫn chưa hết bàng hoàng vì suýt chết dưới giếng. Y Sơn kể: Ngày 14/1, anh điều khiển xe máy đến thôn Kim Châu (xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin) để bẫy chim.

Khi đến một rẫy ngô bên đường, anh dựng xe máy đi bộ vào sâu bên trong để đặt bẫy, nhưng vừa đi được vài bước thì bất ngờ bị rơi xuống giếng sâu chừng 25 m. Đây là giếng cạn bị bỏ hoang, cỏ mọc phủ kín miệng giếng nên anh không hề nhận biết được.

Dù nhiều lần kêu cứu nhưng không ai nghe thấy, anh phải bứt lá cây ăn cầm hơi. 4 ngày sau, một người dân sinh sống gần đó thấy chiếc xe máy dựng ở rẫy đã mấy hôm mà không ai đến lấy nên trình báo đến Công an xã, nhờ đó anh mới được tìm thấy và cứu lên.

Giếng hoang - nơi anh Y Son Ađrơng (trú xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin) gặp nạn.

Một vụ việc khác, khoảng 19 giờ 35 ngày 11/1, khi đang chơi trong xóm thì cháu N. V. Đ. (SN 2015, trú phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) vô tình bị rơi xuống giếng nước bỏ hoang của một hộ dân ở đường Đinh Núp.

Phát hiện vụ việc, bố của cháu bé lập tức trèo xuống giếng để cứu con, nhưng do giếng sâu hơn 20 m, đường kính của giếng nhỏ hẹp nên hai bố con bị mắc kẹt dưới giếng. Rất may sau đó lực lượng Cảnh sát PCCC - CNCH, Công an tỉnh đến ứng cứu, đưa hai bố con lên an toàn.

Lực lượng chức năng cứu hộ hai bố con cháu bé bị rơi xuống giếng tại đường Đinh Núp, TP. Buôn Ma Thuột.

Do nhu cầu cần nước tưới cho cây trồng, hoặc phục vụ sinh hoạt nên nhiều năm nay người dân thường có thói quen đào giếng sâu trong khu vực vườn, rẫy. Thế nhưng đa phần các giếng đào này đều không được xây thành cao, đậy nắp kiên cố, miệng giếng thường nằm ngang mặt đất mà chỉ được che phủ sơ sài, thậm chí nhiều giếng bị bỏ hoang để cỏ mọc phủ kín bề mặt rất khó nhận biết. Lòng giếng lại thường bị sạt lở, khí độc tích tụ nhiều, từ đó, đã gây ra nhiều vụ tai nạn đáng tiếc.

Trước thực trạng trên, để tránh những rủi ro có thể xảy đến từ những giếng đào trong vườn, rẫy, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, thường xuyên kiểm tra, tu sửa giếng nhà mình; có biện pháp che đậy chắc chắn miệng giếng; gắn biển cảnh báo ở khu vực có giếng đào nguy hiểm...

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.