Cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch thủy đậu
Trước hàng loạt ca mắc bệnh thủy đậu nhất là ở lứa tuổi trẻ em trong những ngày qua, ngành y tế tỉnh đã tăng cường thực hiện nhiều biện pháp để ngăn ngừa nguy cơ bùng phát dịch.
Bệnh lây lan nhanh
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh phát hiện 44 trường hợp mắc bệnh thủy đậu, số mắc rải rác tại các huyện, thị xã, thành phố và có hai ổ dịch tại TP. Buôn Ma Thuột và huyện Lắk. Lứa tuổi mắc bệnh chủ yếu là trẻ em dưới 15 tuổi và thường xảy ra tại các trường mầm non và tiểu học.
Ghi nhận tại ổ dịch Trường Mầm non Ea Kao (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột), thời điểm đoàn công tác của CDC tỉnh và Trạm Y tế xã đến kiểm tra, giám sát đã phát hiện nhiều trường hợp trẻ có dấu hiệu nổi mụn nước, nghi mắc bệnh thủy đậu ngay tại lớp học. Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Ea Kao Tống Thị Tư cho biết, toàn trường hiện có 8 lớp với 208 trẻ đang theo học, hiện có 22 trẻ đã mắc thủy đậu. Qua theo dõi tình hình sức khỏe của trẻ, trước Tết Nguyên đán 2023 có 1 trường hợp trẻ mắc thủy đậu và được gia đình cho nghỉ học để theo dõi, chăm sóc. Vài ngày trở lại đây, tiếp tục ghi nhận nhiều trẻ mắc bệnh thủy đậu với số lượng ngày càng tăng, hầu hết là trẻ học chung một lớp nên nhà trường đã báo cho Trạm Y tế xã để kịp thời có hướng dẫn; đồng thời khuyến cáo phụ huynh không cho trẻ tới trường, đưa trẻ khám bệnh tại cơ sở y tế để được theo dõi và chăm sóc. Nhà trường cũng đã tiến hành phun khử khuẩn, vệ sinh các lớp học, đồ chơi, giường ngủ, chăn màn cho học sinh; tổ chức ra chơi theo từng khung giờ cho các lớp tránh tình trạng lây chéo. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều phụ huynh chủ quan, cho rằng đây là bệnh thông thường, trẻ nào cũng phải mắc và một thời gian sẽ khỏi nên dù trẻ đã mắc bệnh vẫn tiếp tục cho tới lớp.
Kiểm tra, theo dõi tình trạng sức khỏe một ca mắc thủy đậu tại xã Ea Kao, TP. Buôn Ma thuột. |
Có con gái 6 tuổi đang theo học tại Trường Mầm non Ea Kao và mắc bệnh thủy đậu, chị H’Uông Êban (ở buôn Tơng Ju, xã Ea Kao) cho hay, khi thấy con có dấu hiệu sốt nhẹ, nổi bọng nước, nghi ngờ mắc thủy đậu, chị đã đưa con đi khám tại phòng khám tư nhân. Tại đây, cháu được chẩn đoán mắc thủy đậu, nhưng nhờ phát hiện sớm nên được kê đơn thuốc điều trị và theo dõi tại nhà, hiện sức khỏe ổn định. Bản thân chị H’Uông trước đây từng mắc thủy đậu và để lại rất nhiều sẹo nên rất lo ngại cho con gái của mình. Dù biết vắc xin tiêm phòng thủy đậu có khả năng ngừa bệnh rất cao nhưng vì không có điều kiện kinh tế nên chị chưa cho con đi tiêm chủng.
“Vắc xin phòng thủy đậu có khả năng phòng bệnh tới 95%, vì vậy, người dân nên tiêm phòng thủy đậu đầy đủ trước khi mùa dịch xảy ra, đừng chờ dịch bệnh bùng phát mới tiêm phòng bởi khi đó hiệu quả không còn cao”- bác sĩ Trần Kim Long, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (CDC tỉnh). |
Tương tự, trường hợp mắc thủy đậu ghi nhận tại thôn 1, xã Nam Ka (huyện Lắk) của chị H.R.E. (SN 1999) cũng chưa tiêm vắc xin phòng thủy đậu. Chị H.R.E. khởi phát bệnh với sốt nhẹ, ngày hôm sau xuất hiện nốt mụn nước trên mặt, ngực. Sau khi được chẩn đoán mắc thủy đậu, Trạm Y tế xã Nam Ka đã cấp thuốc và hướng dẫn cách chăm sóc, điều trị bệnh tại nhà cho chị. Hiện đã có 6 trường hợp tiếp xúc gần với chị mắc bệnh thủy đậu.
Chủ động ngăn ngừa bệnh bùng phát thành dịch
Trung tâm Y tế huyện Lắk cho hay, ngay sau khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh thủy đậu tại thôn 1, xã Nam Ka, Trung tâm đã chỉ đạo Trạm Y tế xã tham mưu UBND xã triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, đồng thời tiến hành phun Chloramin B khử khuẩn tại nhà bệnh nhân và trường mẫu giáo; cấp Chloramin B, hướng dẫn gia đình bệnh nhân và nhà trường khử khuẩn hằng ngày.
Đáng ngại là thôn 1 hiện có 755 khẩu, cách trung tâm huyện hơn 50 km, chủ yếu là người dân tộc Êđê và Mường nên nhận thức về việc chăm sóc sức khỏe còn hạn chế và khó tiếp cận với các dịch vụ y tế. Đa phần người dân trong buôn chưa từng tiêm vắc xin phòng thủy đậu nên nguy cơ lây lan dịch trên diện rộng rất cao.
Tại xã Ea Kao, khi phát sinh ổ dịch tại Trường Mầm non Ea Kao, Trạm Y tế xã đã tăng cường truyền thông trên hệ thống loa đài của xã mỗi ngày hai lần. Cùng với đó, tập hợp 14 cộng tác viên y tế truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm về dấu hiệu cùng cách phòng ngừa bệnh. Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khỏe nhân dân của xã cũng tăng cường công tác phối hợp, đẩy mạnh tuyên truyền, nắm chắc tình hình dịch để kịp thời xử trí khi có tình huống phát sinh.
Giáo viên Trường Mầm non Ea Kao (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma thuột) vệ sinh giường nằm, chăn màn tránh nguy cơ lây bệnh thủy đậu cho trẻ. |
Theo bác sĩ Trần Kim Long, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (CDC tỉnh), vi rút gây bệnh thủy đậu (Varicella Zoster) được xếp vào nhóm vi rút lây lan mạnh, nếu chưa tiêm vắc xin và tiếp xúc với người mắc bệnh thì khả năng mắc bệnh rất cao. Hiện vắc xin phòng thủy đậu chưa được đưa vào dự án tiêm chủng mở rộng nên độ bao phủ chưa cao khiến tỷ lệ mắc bệnh rất nhiều, không chỉ trẻ em mà cả ở người lớn.
Sau khi trên địa bàn tỉnh ghi nhận hai ổ dịch thủy đậu, Trung tâm đã chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác giám sát, tổ chức điều tra dịch tễ trong khu vực có ca bệnh; đặc biệt chú ý các nhà trẻ, mẫu giáo, trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và tại một số địa bàn trọng điểm để cảnh báo dịch sớm. Khi có ca bệnh nghi ngờ thủy đậu phải tiến hành cách ly, xử lý theo quy trình, không để dịch lây lan, hạn chế tối đa xảy ra biến chứng, không để tử vong. Cùng với đó, phối hợp tốt với ngành giáo dục trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại các trường học, đồng thời chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, thiết bị, nhân lực để sẵn sàng xử lý khi dịch xảy ra.
Hồng Chuyên
Ý kiến bạn đọc