Multimedia Đọc Báo in

Bồi đắp tình yêu sách cho học sinh

08:15, 26/03/2023

Thời gian qua, các mô hình “Thư viện thân thiện”, thư viện lưu động “Ánh sáng tri thức” được triển khai tại các trường học trên địa bàn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa đã góp phần giúp học sinh được thư giãn sau giờ học, bồi đắp tình yêu sách, hình thành kỹ năng, văn hóa đọc.

Đọc sách trong không gian thân thiện

Thầy Nguyễn Tiến Thịnh, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ea Kar cho biết, được sự chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, huyện Ea Kar đã chọn 3 trường làm điểm mô hình “Thư viện thân thiện” do Tổ chức Room to Read tài trợ từ năm 2019. Đến nay, mô hình này đã được nhân rộng tại 21 trường tiểu học của 12 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Quản thủ thư viện của Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (xã Cư Ni, huyện Ea Kar) giới thiệu sách mới cho học sinh tại Thư viện thân thiện.

Ngoài sự đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, các bản sách, ban giám hiệu các trường đều rất linh động trong công tác tổ chức hoạt động của thư viện, thực hiện xã hội hóa nhằm tăng số lượng bản sách, thường xuyên thay đổi các hình thức tuyên truyền giới thiệu sách như: tuyên truyền giới thiệu sách theo chủ đề, chủ điểm hằng tháng, thi kể chuyện, vẽ tranh theo sách, giới thiệu sách mới ở bảng tin... Mỗi thư viện đều có quản thủ thư viện, định hướng giúp các em chọn sách, truyện theo chủ đề, sở thích của bản thân. Hoạt động của mô hình “Thư viện thân thiện” đã tạo sự hứng thú và khơi dậy tình yêu sách cho học sinh, góp phần hình thành, phát triển văn hóa đọc và nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện.

Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (thị trấn Ea Kar) là một những trường được Tổ chức Room to Read tài trợ kinh phí cải tạo, xây dựng thư viện thân thiện trên nền cũ của thư viện truyền thống. Bên cạnh các thảm xốp trải phòng nhiều màu sắc, thư viện còn được trang bị thêm bàn và kệ sách mở, không có cửa kính như trước và được kê ở tầm thấp để học sinh chủ động chọn sách theo sở thích. Nhằm tạo sự gần gũi và một không gian đọc sách thân thiện, nhà trường đã thiết kế thêm các góc sáng tạo gồm: tra cứu, viết vẽ, trò chơi…

Thư viện thân thiện của Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar) được trang trí sinh động, gần gũi với học sinh.

Ngoài số bản sách được Tổ chức Room to Read tài trợ, hằng năm, ban giám hiệu nhà trường đã tham mưu huy động nguồn ngân sách hỗ trợ mua sách và huy động học sinh ủng hộ sách cho thư viện. Cô Nguyễn Thị Hồng Xanh, quản thủ thư viện Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai cho biết: Đến nay, thư viện thân thiện của trường có 8.674 bản sách gồm sách thiếu nhi, sách tham khảo, sách giáo khoa và sách nghiệp vụ giáo viên. Cùng với việc tổ chức cho học sinh các khối lớp đến đọc sách, nhà trường đã tổ chức Ngày hội đọc sách hằng năm, phát động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam trên trang điện tử và website của trường, thường xuyên tuyên truyền, giới thiệu sách mới. Trung bình mỗi năm, thư viện đã phục vụ trên 5.200 lượt bạn đọc.

Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (xã Cư Ni) cũng được hỗ trợ xây dựng Thư viện thân thiện Room To Read. Để đáp ứng tiêu chí “thân thiện”, nhà trường đã trang trí thư viện với đủ màu sắc và các nhân vật cổ tích, hoạt hình gần gũi với thế giới tuổi thơ của các em. Nhà trường đã huy động các tổ chức, cơ quan, giáo viên, phụ huynh, học sinh cùng đóng góp sách cho thư viện, phân chia lịch cụ thể để học sinh toàn trường đều được đến thư viện. Đồng thời, xây dựng các góc, bảng giới thiệu sách mới, tổ chức tiết đọc sách, ngày hội đọc sách... Cô Phan Thị Vân, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, nhà trường khuyến khích phụ huynh tham gia đọc sách với các em hoặc mượn sách về đọc cho học sinh lớp 1 để cùng bồi đắp tình yêu sách. Với không gian đọc thân thiện giúp các em tự do khám phá, tìm đọc những quyển sách mình yêu thích. Nhiều em đã phát huy được khả năng, sở trường của mình về các bộ môn hội họa, vẽ tranh, kể chuyện… Ý thức tự quản, tự đọc, tự học qua sách của các em ngày càng nâng cao.

Mang “ánh sáng tri thức” đến vùng xa

Ánh sáng tri thức là tên gọi xe thư viện lưu động đa phương tiện của Thư viện tỉnh được triển khai từ cuối năm 2019. Với những chuyến đi liên tục, xe thư viện đã mang niềm vui đọc sách đến cho trẻ em, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Sân Trường THCS Lê Hồng Phong ở xã Ea Nam (huyện Ea H’leo) trở nên sôi động hơn hẳn khi xe thư viện "Ánh sáng tri thức" của Thư viện tỉnh về trường. Các học sinh đều háo hức, chờ đợi để được truy cập mạng Internet tra cứu thông tin; tiếp cận, lựa chọn những cuốn sách yêu thích trong hơn 2.000 đầu sách, báo được chuyên chở trong xe lưu động. Em Nguyễn Thảo My, học sinh lớp 9A4, hân hoan bày tỏ: “Với nhiều đầu sách, phong phú về thể loại, xe thư viện về trường đã giúp những trường học ở xa trung tâm như chúng em hiểu hơn về tầm quan trọng của việc đọc sách”.

Học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong, xã Ea Nam (huyện Ea H'leo) tìm đọc sách trên xe thư viện "Ánh sáng tri thức".

Bên cạnh đọc sách, nhiều hoạt động diễn ra sôi nổi thu hút các em như: giải ô chữ, vẽ tranh theo sách, khéo tay hay làm, chiếu những bộ phim ngắn… Cô Hoàng Quế Anh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phòng, xã Ea Nam cho biết: “Đây là lần thứ hai nhà trường phối hợp với Thư viện tỉnh tổ chức chương trình xe thư viện "Ánh sáng tri thức". Những hoạt động tiếp cận sách bằng hình thức thư viện lưu động mà Thư viện tỉnh tổ chức rất bổ ích không chỉ đối với học sinh, mà còn cho phụ huynh và các giáo viên. Không chỉ đa dạng, phong phú về đầu sách, các hoạt động đa phương tiện cũng như các trò chơi giải trí trí tuệ từ xe thư viện đã tạo sức hấp dẫn cho học sinh, phong trào đọc sách của nhà trường vì vậy ngày càng được cải thiện và phát triển”.

Xe thư viện "Ánh sáng tri thức" ngoài hơn 2.000 đầu sách còn được thiết kế khoa học, hiện đại gồm:  6 máy tính xách tay, 1 ti vi, 1 máy chiếu những bộ phim khoa học, phần mềm quản lý thư viện, tài liệu điện tử… Việc tra cứu thông tin, tài liệu vì vậy rất thuận tiện, nhanh chóng, hiệu quả. Từ chuyến xe đầu tiên vào cuối năm 2019, đến nay xe đã đến hàng trăm điểm trường trên địa bàn tỉnh, đặc biệt đến nhiều trường ở vùng sâu, vùng xa - nơi ít có điều kiện tiếp cận sách báo, truy cập thông tin trên Internet, phục vụ hàng chục nghìn lượt đọc sách, tiếp cận thông tin của học sinh, giáo viên, người dân.

Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Trần Thị Thu Hà cho biết, dự kiến năm 2023, Thư viện tỉnh sẽ tổ chức ít nhất là 96 chuyến xe. Ngoài phục vụ đọc sách, giới thiệu sách hay, sách mới, giúp các em chọn được những cuốn sách mà mình yêu thích, Thư viện tỉnh sẽ đổi mới các trò chơi, hoạt động vui cùng sách như: đường lên đỉnh tri thức, rung chuông vàng, vẽ tranh, tô màu, xem phim khoa học vui… Chương trình góp phần phát triển phong trào đọc sách, học từ sách, lan tỏa văn hóa đọc đến tất cả mọi người, nhất là trong thời kỳ 4.0 hiện nay khi gần như ai cũng lệ thuộc vào các thiết bị điện tử thông minh.

Nguyễn Xuân – Hoàng Gia


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.