Multimedia Đọc Báo in

Giáo dục thích nghi với AI

10:20, 05/03/2023

Giáo dục là một trong những lĩnh vực chịu tác động mạnh mẽ của ChatGPT. Ngành Giáo dục đã tính đến việc có những chính sách để khai thác, phát huy hiệu quả AI nhằm thúc đẩy hoạt động giáo dục phát triển cũng như đào tạo con người thích ứng với AI. Xin cùng chia sẻ góc nhìn của một số giáo viên trước "cơn sốt" ChatGPT.

Sử dụng ChatGPT như một sản phẩm công nghệ trong giảng dạy

(Thầy Huỳnh Lê Tuấn, giáo viên môn Vật lí – Công nghệ, Trường THPT Chu Văn An)

Thầy Huỳnh Lê Tuấn, giáo viên môn Vật lí – Công nghệ, Trường THPT Chu Văn An (TP. Buôn Ma Thuột).

ChatGPT là một sản phẩm công nghệ tiềm năng cho giảng dạy. Trong môn Công nghệ, học sinh cần tìm hiểu thêm thông tin liên quan đến sách Công nghệ lớp 10 (năm đầu tiên sử dụng sách mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018) như đại cương về công nghệ, một số công nghệ mới, trong đó có AI. Khi sử dụng ChatGPT, giáo viên cần lựa chọn và chắt lọc thông tin phù hợp để truyền đạt cho học sinh một cách dễ hiểu và khoa học. Thực tế cho thấy việc sử dụng ChatGPT là một ví dụ bài học về xu hướng AI tương lai và giáo viên có thể sử dụng nó như một công cụ để hướng dẫn học sinh sử dụng các sản phẩm AI khác một cách hiệu quả, nhưng vẫn cần thận trọng để tránh bị lệ thuộc. Máy tính là một trong những sản phẩm công nghệ ra đời sớm nhất,  cung cấp khả năng tính toán cho con người, đặc biệt là tính nhẩm, nhưng nó vẫn chỉ là một công cụ. Học sinh được phép sử dụng máy tính để làm các bài tập yêu cầu cao hơn, nhưng quá trình sử dụng có thể gặp lỗi nếu các con số hoặc dữ liệu nhập vào bị sai hoặc máy tính bị lỗi, hư hỏng. Ngoài ra, ChatGPT cũng có khả năng thay đổi thế giới thông qua việc thay đổi hành vi con người, tương tự như nhiều sản phẩm công nghệ khác và chế tài pháp luật. ChatGPT cũng có thể trở thành một sản phẩm "gối đầu giường" nếu được nâng cấp và phân hóa cho từng lĩnh vực cụ thể.

Khai thác AI hợp lý, sáng tạo, giúp quá trình dạy học sinh động, hấp dẫn 

(Thầy Trần Ngọc Lam, giáo viên môn Toán, Trường THPT Trần Đại Nghĩa)

Thầy Trần Ngọc Lam, giáo viên môn Toán, Trường THPT Trần Đại Nghĩa (huyện Buôn Đôn).

Với sự hỗ trợ của các nền tảng công nghệ nhân tạo, trong đó có ChatGPT vừa mới ra đời có thể giúp giáo viên giảm bớt thời gian để sáng tạo đề bài môn Toán. Sự xuất hiện của AI sẽ là thách thức và cũng là cơ hội đối với giáo viên, ngành giáo dục và rất nhiều ngành nghề khác. Nhiều người lo ngại giáo viên sẽ mất đi vai trò của mình khi AI có thể giải đáp được hầu hết mọi yêu cầu, chẳng hạn giải bài tập của học sinh, viết tiểu luận cho sinh viên… Điều này sẽ làm cho học sinh trở nên thụ động, ỷ lại dần dần sinh ra lười biếng. Đây cũng là một nỗi lo có cơ sở. Tuy nhiên, giáo dục là một ngành đặc thù, học sinh cần được tiếp xúc với giáo viên thực sự để có được cảm xúc học tập. Minh chứng là qua đợt dịch COVID-19 vừa qua, mặc dù được sự hỗ trợ đắc lực của nhiều nền tảng công nghệ để dạy và học trực tuyến, giáo viên sẵn sàng hỗ trợ khi học sinh đặt câu hỏi nhưng qua khảo sát thì các em vẫn thích được tới trường, tới lớp để học trực tiếp hơn nhiều. Do đó, giáo viên cần phải biết khai thác AI một cách hợp lý, sáng tạo, giúp cho quá trình dạy học trở nên hiệu quả, sinh động, hấp dẫn học sinh hơn.

Lấy ví dụ đối với môn Toán, việc tạo ra các đề toán trước đây mất khá nhiều thời gian vì phải tính toán thông số đề bài ban đầu hợp lí để học sinh khi giải bài đạt được kết quả như phương pháp đã học. Nay nhờ ChatGPT, giáo viên có thể tạo ra nhiều đề toán cùng nội dung trong thời gian rất ngắn (tính bằng giây nếu là các đề toán cơ bản). Sử dụng ChatGPT để tạo nhanh các bài tập toán, tạo ảnh minh họa cho các vấn đề khi dạy học rất hiệu quả. Tuy nhiên, một phương trình đẹp, có lời giải rõ ràng nhưng nếu không có sự giảng dạy của giáo viên thì học sinh sẽ không hiểu và nắm bắt được ứng dụng của nó. Khi đó, việc hỏi, đáp ở ChatGPT hay các sản phẩm AI hiện nay đơn giản chỉ giống như đề bài và bài giải trong sách tham khảo mà thôi; học sinh sẽ không hiểu biết được cách làm bài và vận dụng kiến thức nào vào bài học. Do đó, chúng ta không nên quá lo ngại về sự lạm dụng ChatGPT vì nó chỉ là một công cụ hỗ trợ học tập, bởi dạy học là quá trình tương tác hai chiều giữa giáo viên và học sinh.

Giáo dục đại học phải đào tạo con người thích nghi và làm chủ AI

(Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đức Niêm, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đức Niêm, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên.

Giáo dục đại học sẽ có sự thay đổi về nội dung, kiến thức cũng như phương pháp dạy và học để thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực thích ứng với tiến bộ của AI, sử dụng AI hiệu quả. Bởi AI đã được ứng dụng ở nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng đến khi ChatGPT ra đời người ta mới quan tâm nhiều hơn vì AI này gần gũi và đặc biệt thông minh. Ở bậc đại học, sinh viên được yêu cầu phải tự học, tự nghiên cứu và sáng tạo nhiều hơn nhằm nâng cao trình độ và khả năng thích ứng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động. Chính vì vậy, khi ChatGPT ra đời, nhiều người lo lắng rằng công cụ này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học ở bậc đại học. Tuy nhiên, không nên lo lắng quá nhiều về ChatGPT hay trí tuệ nhân tạo mà phải biết bản chất của AI và biết cách sử dụng nó sao cho hiệu quả. Đơn cử, khi mạng Internet trở nên phổ biến thì nhiều người đã từng nghĩ đến một trường học online quy mô lớn dành cho tất cả sinh viên trên toàn cầu với chi phí rẻ nhờ các công nghệ dựa vào mạng Internet. Tuy nhiên, đến nay sự tương tác đó cũng chỉ giới hạn ở mức độ nhất định bởi sự học đòi hỏi con người phải có tinh thần tự giác học tập, có phương pháp phù hợp và lựa chọn được kiến thức phù hợp với sở thích, nhu cầu của bản thân.

ChatGPT hay rộng ra AI là một bộ phận cấu thành Cách mạng 4.0. Nếu sử dụng hợp lý, ChatGPT có thể hỗ trợ học ngoại ngữ rất tốt (kỹ năng viết) nhưng yêu cầu người học có ý thức tự học cao; còn các kỹ năng nghe, nói, đọc thì cần sử dụng các sản phẩm AI khác. Trong đánh giá người học, ChatGPT có thể là một thách thức đối với giảng viên, đặc biệt là đánh giá kỹ năng viết, tổng hợp và phản biện. Tuy nhiên, giảng viên có thể dựa vào ý tưởng, lập luận, phản biện của sinh viên để đánh giá một tiểu luận kết hợp với các câu hỏi trực tiếp về vấn đề đưa ra để đánh giá kết quả học tập của sinh viên. Tôi cho rằng, trong thời gian sắp tới, hình thức thi tự luận và vấn đáp sẽ lên ngôi cho đến khi chúng ta tìm ra cách khắc chế mặt tiêu cực của ChatGPT.

AI không thể thay thế hoàn toàn trường học, thậm chí không thể thay thế hoàn toàn “bảng đen, phấn trắng” bởi trí tuệ người thầy kết hợp với bàn tay viết bảng đem đến cảm hứng học tập cho người học - có những vấn đề sự tương tác trực tiếp sẽ diễn giải linh hoạt, hiệu quả hơn. ChatGPT đưa ra không phải là một bài giảng như ta thường thấy mà nó được chuyển qua lăng kính trí tuệ nhân tạo, có thể sai lệch so với bản gốc bởi câu trả lời của AI luôn đi kèm với một độ tin cậy nhất định. Trong khi đó, bài giảng của thầy đến trò không có sai lệch; không qua trung gian AI mà là trực tiếp. Do đó, giáo dục trong tương lai phải tự thích ứng với tiến bộ của AI, sử dụng AI vào các công việc có sự phức tạp, số liệu lớn và tốn thời gian. Trí tuệ con người vẫn luôn cần thiết cho những hoạt động sáng tạo nên AI sẽ làm thay đổi cơ cấu việc làm của con người hơn là thay thế con người.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.