Học sinh bỏ học - nỗi lo chưa dứt (Kỳ 1)
Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, hệ thống trường học đã được xây dựng ở từng xã, thôn, buôn (điểm trường) với nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ cho việc đi học của mỗi học sinh, đặc biệt là học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thế nhưng, thực tế vẫn có rất nhiều học sinh bỏ học giữa chừng. Làm gì để khắc phục tình trạng này không chỉ là sự trăn trở của ngành giáo dục mà còn là mối quan tâm của toàn xã hội.
Kỳ 1: Hồi chuông báo động
Dù chính quyền địa phương và ngành giáo dục đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhưng nhiều năm qua tình trạng học sinh bỏ học vẫn tiếp diễn. Thực trạng này đang gióng lên hồi chuông báo động về chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai cũng như nhiều vấn đề xã hội khác.
Bỏ học vì tảo hôn
Mỗi năm, trước và sau dịp Tết Nguyên đán, Trường THCS Hòa Phong (huyện Krông Bông) lại trở thành một “điểm nóng” về tình trạng học sinh bỏ học. Trong các nguyên nhân khiến các em nghỉ học như học lực yếu, kinh tế gia đình khó khăn, không xác định được mục tiêu học để làm gì, cha mẹ ly dị hay đi làm ăn xa, phải ở với ông bà… thì còn một nguyên nhân rất đáng quan ngại, liên quan đến tập tục tảo hôn, nhất là trong học sinh dân tộc thiểu số.
Giáo viên Trường THCS Hòa Phong (huyện Krông Bông) thăm hỏi tình hình em V.T.K. đã bỏ học đi lấy "chồng". |
Như trường hợp của em H.T.Ơ. (SN 2009) ở thôn Noh Prông (xã Hòa Phong), năm học 2022 - 2023 này mới học lớp 8 nhưng đến cuối học kỳ I đã nghỉ học để đi... "lấy chồng" tại xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc). Cô Lê Thị Vân, giáo viên chủ nhiệm của H.T.Ơ. cho hay, trên lớp Ơ. rất ngoan và đi học đều. Nhà Ơ. cách điểm trường thôn Ea Khiêm - Trường THCS Hòa Phong chưa đầy một cây số, nên khi em mới nghỉ học một hôm mà không thấy xin phép, cô đã cùng các bạn đến nhà ngay. Đến nơi, cô mới ngỡ ngàng khi bố mẹ Ơ. cho biết con gái mình đã trốn nhà đi theo người yêu giữa đêm khuya, càng ngỡ ngàng hơn khi cố gắng vận động phụ huynh gọi con về đi học thì lại không nhận được sự hợp tác bởi theo gia đình đó là tập tục nên phải theo.
Trước đó, vào đầu tháng 11 (năm học 2022 - 2023), em V.T.K. (SN 2006, học sinh lớp 9) cũng bỏ qua sự khuyên răn của thầy cô, bạn bè để theo “chồng” về sống ở xã Ea Dah (huyện Krông Năng). K. cho biết: “chồng” em cũng là người Mông, hai đứa làm quen qua mạng xã hội Facebook. Sau hai năm quen nhau, em báo với bố mẹ và nghỉ học để đến nhà “chồng” cùng sinh sống, bởi bạn bè em nhiều đứa cũng đã lấy chồng”.
Thầy Vũ Văn Tuyên, Hiệu trưởng Trường THCS Ea Yiêng (huyện Krông Pắc) kiểm tra việc học tập của học sinh nhà trường. |
Được biết, khi K. nghỉ học và theo “chồng”, bố mẹ em không hề biết do phải đi làm rẫy ở xa nhiều ngày không về, nhưng sau khi biết thì vẫn đồng ý với sự việc đã rồi. Vì K. và "chồng" chưa đủ tuổi kết hôn nên hai gia đình không tổ chức lễ cưới nhưng bố mẹ K. đã nhận của nhà trai 20 triệu đồng coi như tiền gả con gái đi. Chính vì thế, dù giáo viên, chính quyền địa phương nhiều lần vào nhà vận động nhưng em vẫn không trở lại trường.
Tiềm ẩn những mối lo
Trao đổi về nguyên nhân học sinh bỏ học, ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng, những năm vừa qua, tác động của đại dịch COVID-19 khiến tình trạng học sinh bỏ học rất nhiều. Ngoài nguyên nhân do hủ tục tảo hôn, nhiều em bỏ học để lấy chồng, lấy vợ khi chưa đủ tuổi kết hôn, thì còn có những nguyên nhân như: một số học sinh khả năng tiếp thu kiến thức hạn chế dẫn đến việc chán nản nên bỏ học; kinh tế gia đình khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên một bộ phận phụ huynh mải lo kiếm sống, ít quan tâm đến việc học tập của con; một bộ phận lớn các em bỏ học để đi làm thuê, kiếm tiền phụ giúp gia đình và phục vụ nhu cầu chi tiêu của bản thân…
Giáo viên huyện Krông Bông hướng dẫn học sinh ôn bài trước giờ tan học. |
Theo thống kê của Trường THCS Hòa Phong, mỗi năm trung bình trường có khoảng 20 học sinh nghỉ học, riêng năm học 2022 - 2023, tính đến ngày 6/2 đã có 18 học sinh bỏ học. Ông Nguyễn Văn Nhân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, những ngày đầu học sinh vẫn đến trường học, nhưng đến cuối tuần các em bắt đầu nghỉ lác đác. Qua tìm hiểu nguyên nhân, hầu hết các em có học lực yếu, lại không ham học nên khi thấy bạn bè đi làm ăn xa về có tiền tiêu xài liền bị dụ dỗ theo vào các tỉnh phía Nam làm công nhân. Có nhiều học sinh lén bỏ học đi làm ăn, thậm chí theo người yêu về nhà “chồng” mà bố mẹ, gia đình không hề hay biết, khi giáo viên tìm đến nhà thì mới hay”.
Tương tự, Trường THCS Ea Yiêng (xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắc) cũng là "điểm nóng" về tình trạng học sinh bỏ học từ nhiều năm nay. Thống kê của nhà trường cho thấy, trong năm học 2021 – 2022 toàn trường có hơn 70 học sinh bỏ học; năm học 2022 – 2023, đến cuối tháng 2 đã có 42 học sinh bỏ học. Hầu hết học sinh của trường nghỉ học do điều kiện kinh tế khó khăn, ngại học, gia đình bất hòa, cha mẹ đi làm ăn xa nên thiếu sự quan tâm...
Tại Trường THPT Nguyễn Công Trứ (huyện Krông Pắc), năm học 2022 – 2023 có 28 học sinh nghỉ học. Ông Nguyễn Thành Mai, Hiệu trưởng nhà trường thông tin, học sinh của trường nghỉ học chủ yếu rơi vào nguyên nhân tiếp thu kiến thức chậm; trong đó có nhiều học sinh không vượt qua kỳ kiểm tra sau phụ đạo trong dịp hè, buộc phải ở lại lớp. Nhà trường bố trí lớp học theo quy định nhưng các em lại không tới trường.
Có thể nói, việc học sinh bỏ học dù xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng cái chính vẫn là do trình độ dân trí còn hạn chế; đặc biệt là thiếu sự quan tâm, giám sát, giáo dục của gia đình, nhất là của bậc làm cha, làm mẹ. Bởi thực tế ở nhiều trường, nhất là các trường vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khi các em có dấu hiệu bỏ học, giáo viên tìm đến nhà để vận động học sinh trở lại trường thường nhận được câu trả lời họ không biết con em mình bỏ học và nếu các con thích thì học, không thích đi học nữa thì thôi. Thậm chí, có gia đình bố mẹ không biết con mình hiện đang ở đâu, phải nhờ đến giáo viên liên hệ với bạn bè của các em thì mới biết con em họ đã theo bạn xuống tỉnh Bình Dương làm công nhân.
Thực tế đó cho thấy, khi bỏ học hầu hết học sinh thường có tâm trạng chán chường, mặc cảm luôn đè nặng có thể kéo theo nhiều hệ lụy cả trước mắt lẫn lâu dài không chỉ đối với cá nhân, gia đình học sinh mà cả với nhà trường và xã hội. Bởi, các em chưa đủ độ “chín” về sự trưởng thành nên dễ bị kích động, lôi kéo, dễ sa vào các thói hư, tật xấu như bỏ nhà đi lang thang, gây gổ, trộm cắp, kết giao với kẻ xấu, thậm chí một số trường hợp có thể sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật.
Theo thống kê của ngành giáo dục, từ năm học 2018 – 2019 đến học kỳ I, năm học 2022 – 2023 toàn tỉnh có hơn 9.500 học sinh bỏ học. Riêng học kỳ I, năm học 2022 – 2023 con số này là hơn 1.200 học sinh, tập trung ở bậc THPT và THCS. Trong đó, số học sinh bỏ học phần lớn là ở các trường học vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. |
(Còn nữa)
Kỳ 2: Gian nan “giữ chân” học trò
Thúy Hồng - Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc