Multimedia Đọc Báo in

Hướng nghiệp cho quân nhân xuất ngũ: Vẫn còn nhiều hạn chế

06:44, 13/03/2023

Những năm qua, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, hoạt động hướng nghiệp cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương quan tâm. Tuy nhiên hiện nay, số lượng quân nhân xuất ngũ có việc làm ổn định vẫn còn hạn chế.

Nhiều giải pháp hướng nghiệp

Quân nhân xuất ngũ được đánh giá là lực lượng lao động có ý thức tổ chức kỷ luật; độ tuổi, sức khỏe và trình độ có thể đáp ứng được yêu cầu của nhiều ngành nghề chất lượng cao. Nếu được đào tạo về chuyên môn, tay nghề vững sẽ trở thành nguồn nhân lực mà các đơn vị, doanh nghiệp trong, ngoài nước rất cần. Vì vậy thời gian qua, các cấp, các ngành chức năng cũng như nhiều địa phương đã quan tâm, tập trung cho công tác hướng nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lực lượng quân nhân xuất ngũ, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết.

Lớp tập huấn hướng nghiệp cho chiến sĩ phục vụ có thời hạn trong lực lượng cảnh sát nhân dân do Ban Chấp hành Đoàn thanh niên Công an tỉnh tổ chức.

Để tạo cơ hội cho lực lượng quân nhân xuất ngũ được gặp gỡ trực tiếp với các doanh nghiệp tuyển dụng và tuyển sinh học nghề, hằng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức các sàn giao dịch việc làm. Qua đó, giúp các quân nhân có thể tìm cho mình một công việc hay một ngành nghề đào tạo phù hợp sau khi hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương. Sở LĐ-TB&XH còn phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Tỉnh Đoàn triển khai tuyên truyền, vận động, tư vấn chính sách, tập huấn hướng nghiệp cho quân nhân xuất ngũ trên địa bàn.

Ngoài sự chủ động phối hợp tuyên truyền, tư vấn đào tạo nghề cho quân nhân xuất ngũ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp bám sát các đơn vị quân đội để mở những đợt tư vấn, tuyển sinh học nghề; phối hợp với chính quyền cấp cơ sở thu thập, lập danh sách toàn bộ thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự ở địa phương để tư vấn tuyển sinh, tuyển dụng. Đồng thời, chủ động liên kết với các doanh nghiệp trong đào tạo và tạo đầu ra việc làm, thu nhập ổn định cho thanh niên sau đào tạo.

Số lượng “vững nghề” còn hạn chế

Tuy được quan tâm, tạo điều kiện trong công tác hướng nghiệp nhưng thực tế trên địa bàn tỉnh, trung bình mỗi năm có khoảng 3.000 quân nhân xuất ngũ, trong đó số lượng có tay nghề vững và kiếm được việc làm ổn định còn khá hạn chế. Số lượng quân nhân tiếp cận các chính sách việc làm, trong đó có các chính sách đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng còn thấp, đặc biệt là ở các địa phương ở vùng sâu, vùng xa trong tỉnh.

Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Krông Kmar (huyện Krông Bông) Nguyễn Minh Lý (bìa trái) thăm hỏi tình hình việc làm tại gia đình có quân nhân xuất ngũ.

Sau thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, năm 2018, Đỗ Thế Chung (SN 1996, ở tổ dân phố 3, thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông) xuất ngũ trở về địa phương. Trước khi ra quân, Chung được đơn vị và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp định hướng, tư vấn về chính sách đào tạo nghề và được cấp thẻ học nghề lái xe. Tuy nhiên, vì lý do sức khỏe nên anh không thể đi học theo thẻ nghề được cấp. Mong muốn có tay nghề để kiếm việc làm ổn định, Chung đăng ký học nghề đầu bếp. Anh chia sẻ: “Bản thân tôi và các bộ đội xuất ngũ khác không có nhiều lựa chọn cho học nghề. Hơn nữa, do sinh sống tại huyện vùng sâu, điều kiện sử dụng nghề đầu bếp không nhiều nên phải đi làm xa. Tuy nhiên ở những nơi có thu nhập ổn định thì lại yêu cầu tay nghề khá cao, mà mình thì chỉ mới làm, chưa vững tay nghề nên đến giờ vẫn chưa tìm được công việc ưng ý”.

Theo ông Nguyễn Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Krông Kmar (huyện Krông Bông), hiện nay, phần lớn lực lượng quân nhân xuất ngũ trên địa bàn đều chưa có việc làm ổn định. Những người được cấp thẻ học nghề đều đi làm ăn xa sau khi học xong, mà số gắn bó được với nghề cũng không nhiều. Ngoài ra, việc tiếp cận, nắm bắt các chính sách về việc làm của họ trên địa bàn còn rất hạn chế.

Từ thực tế ở các địa phương, thiết nghĩ trong thời gian tới, để các chính sách, hoạt động hỗ trợ hướng nghiệp cho lực lượng quân nhân xuất ngũ mang lại hiệu quả hơn, số lượng quân nhân có được việc làm ổn định cao hơn thì việc mở rộng ngành nghề, hình thức đào tạo để vừa đáp ứng nguyện vọng của học viên cũng như yêu cầu của thị trường lao động là vấn đề cấp thiết cần được cơ quan chức năng quan tâm. Hơn nữa, cùng với sự chủ động, nỗ lực của các quân nhân xuất ngũ, công tác tuyên truyền về các chính sách, cơ hội việc làm cũng cần được đẩy mạnh để mở rộng đối tượng tiếp cận.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.