Multimedia Đọc Báo in

Sử dụng flycam: Người dùng có nắm luật?

12:43, 22/03/2023

Những năm gần đây, flycam (thiết bị bay không người lái) được sử dụng rộng rãi ở nhiều hoạt động, phương diện, mang lại nhiều tiện ích cho người dùng. Với các tính năng vượt trội, mức giá phải chăng, việc mua bán cũng dễ dàng khiến người dùng tràn lan trong khi chưa nắm những quy định của pháp luật liên quan đến thiết bị này.

Vô tư sử dụng

Tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột diễn ra vừa qua, dễ thấy rất nhiều chiếc flycam bay trên không trung để ghi lại những thước phim, bức hình đẹp mắt, độc đáo mà máy ảnh thông thường không làm được. Tuy nhiên, không phải thiết bị bay nào cũng được cấp phép sử dụng tại lễ hội. Theo thông tin từ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, đơn vị đã khống chế tới 23 thiết bị bay trái phép tại lễ hội, các hoạt động diễn ra trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột và các huyện Lắk, Buôn Đôn. Trong đó, chủ các phương tiện có cả người sinh sống trong và ngoài tỉnh. Đa phần họ tỏ ra bất ngờ trước việc bị khống chế phương tiện, cho đến khi được đơn vị chức năng thông tin, tuyên truyền.

Anh N.N.V. (TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, khi đang điều khiển flycam bay ở Lễ hội đường phố vào ngày 10/3, anh bị lực lượng chức năng kiểm tra và tạm giữ thiết bị vì hoạt động trái phép. Anh không biết sử dụng thiết bị này phải được cấp phép. Sự việc xảy ra là bài học kinh nghiệm sâu sắc cho anh, cũng như rất nhiều người dùng.

Flycam với tính năng vượt trội, được nhiều người dùng ưa chuộng. Ảnh: Vạn Tiếp

Thực tế, flycam mang đến nhiều lợi ích, nhưng cũng trở thành yếu tố gây tai họa lớn nếu không được kiểm soát. Flycam được xác định là vật thể nguy hiểm bậc nhất uy hiếp an toàn hàng không. Năm 2019, ngành hàng không ghi nhận nhiều trường hợp máy bay bị đe dọa, thậm chí là đã va chạm vào “vật thể lạ” khi đang bay trên bầu trời. “Đối tượng” tình nghi trong các vụ việc được cho là thiết bị bay flycam. Đặc biệt, đã có thời điểm, lực lượng chức năng tỉnh Lâm Đồng phải vào cuộc kiểm tra vì liên tục phát hiện vật thể lạ phát sáng trên đường cất cánh, hạ cánh thuộc sân bay Liên Khương. Kết quả, trong phạm vi bán kính khoảng 30 km với tâm điểm sân bay Liên Khương, lực lượng chức năng phát hiện tới 16 trường hợp sở hữu và sử dụng flycam.

Gần đây nhất là năm 2020, cũng vì điều khiển trái phép flycam bay tại khu vực đông người, một người đàn ông trú tại TP. Hồ Chí Minh đã phải bồi thường trên 450 triệu đồng cho người quen do thiết bị bay “phản chủ”, đập vào mắt gây thương tích 34%.

Vi phạm các quy định

Flycam đã quá quen thuộc, nhưng sử dụng chúng đúng pháp luật vẫn là câu chuyện "nóng". Đại tá Lê Văn Hùng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết, cá nhân muốn sử dụng thiết bị flycam phải làm thủ tục xin phép bay.

Theo Nghị định 36/2008/NĐ-CP, ngày 28/3/2008 của Chính phủ về “Quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ” (gọi tắt Nghị định 36), Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam là đơn vị có thẩm quyền cấp phép, từ chối cấp phép cho các chuyến bay của tàu bay không người lái, các loại khí cầu bay không người điều khiển, các loại mô hình bay, các loại khí cầu có người điều khiển nhưng không cất, hạ cánh từ các sân bay được mở cho hoạt động dân dụng.

Trung tâm quản lý điều hành bay quốc gia, các trung tâm quản lý điều hành bay khu vực thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân và cơ quan phòng không thuộc các quân khu và Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được phép yêu cầu đình chỉ hoạt động bay trong trường hợp: Phát hiện tổ chức, cá nhân khai thác tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ vi phạm các giới hạn, quy định trong phép bay hoặc tổ chức hoạt động bay khi chưa được cấp phép.

Điều 14, chương 3 của Nghị định 36 cũng nêu rõ: Nghiêm cấm các hành vi tổ chức hoạt động bay khi chưa có phép bay; tổ chức hoạt động bay không đúng khu vực, điều kiện, giới hạn quy định. Vi phạm các quy định về quản lý lãnh thổ, biên giới quốc gia.

Theo Quyết định 18/2020/QĐ-TTg, ngày 10/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, “thiết lập khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay đối với tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ”, những khu vực cấm bay gồm: Khu vực các công trình quốc phòng và khu quân sự đặc biệt quan trọng do Chính phủ ủy quyền cho Bộ Quốc phòng trực tiếp chỉ đạo việc quản lý, bảo vệ; khu vực trụ sở làm việc các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương; trụ sở Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; trụ sở làm việc của Đảng ủy, HĐND, UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trụ sở các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; khu vực quốc phòng, an ninh; khu vực cảng hàng không, sân bay có hoạt động của tàu bay hàng không dân dụng, quân sự...

Cùng với tuân thủ các văn bản nói trên, người sử dụng flycam phải nắm được Nghị định 79/2011/NĐ-CP, ngày 5/9/2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 36 về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ; cùng một số văn bản có liên quan khác.

Theo Đại tá Lê Văn Hùng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương, đặc biệt là cơ sở kinh doanh flycam cần đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở người dùng bảo đảm các quy tắc pháp luật để tránh những vi phạm không đáng có trong sử dụng thiết bị này.

Song Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.